Trung tâm giống Thủy sản Nghệ An

http://giongthuysannghean.gov.vn


QUY TRÌNH KỸ THUẬT NUÔI THƯƠNG PHẨM CÁ CHẠCH QUẾ TRONG AO ĐẤT TẠI NGHỆ AN

QUY TRÌNH KỸ THUẬT NUÔI THƯƠNG PHẨM CÁ CHẠCH QUẾ TRONG AO ĐẤT TẠI NGHỆ AN
I - VÀI NÉT VỀ ĐỐI TƯỢNG CÁ CHẠCH QUẾ:
1. Đặc điểm hình thái và phân bố:
Cá chạch quế có tên khoa học là Misgurnus anguillicaudatus Cantor, 1842, phân bố chủ yếu ở một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào và Việt Nam... Cá có hình dạng bên ngoài khá giống cá chạch sông nhưng béo tròn hơn, dẹt bên, nhất là gần đuôi. Cá chạch quế có đầu nhỏ, hơi nhọn, mắt nhỏ, miệng thấp, tròn nhỏ và có 5 đôi râu. Da mỏng, dưới da có nhiều tuyến tiết nhờn nên rất trơn nhẵn. Vảy nhỏ, nằm sâu dưới da nên khó thấy, khiến nhiều người tưởng cá chạch là da trơn, không vảy. Vây lưng không có gai cứng; vây ngực và vây bụng ngắn; khe mang nằm ở chân vây ngực, vây đuôi hình tròn, cuống đuôi dẹt mỏng.

Hình 1: Cá Chạch quế
2. Tập tính sống:
Cá Chạch quế là loài sống đáy nhưng thích các thủy vực nông, khi nhiệt độ quá cao (> 300C) hoặc quá thấp (< 150C) cá thường chui rúc trong bùn để lẩn trốn. Khi thời tiết thay đổi thất thường hay khi mắc bệnh, cá thường giảm ăn và nổi trên mặt nước, một số con nằm lật bụng lại tuy nhiên đây là loài có sức sống rất mãnh liệt. Ngoài hô hấp bằng da, mang, chạch còn có thể thở bằng ruột, khi nước thiếu ô xy chạch ngoi lên trực tiếp mặt nước để đớp không khí, thực hiện trao đổi khí ở trong ruột sau đó khí được thải qua hậu môn ra ngoài.Cá có thể sinh trưởng phát triển ở nhiệt độ 15 - 300C, thích hợp nhất là 25 - 270C. Chúng có thể sống và phát triển tốt trong điều kiện pH 6,5 - 8,5. Cá hô hấp bằng mang và da. Khi thiếu oxy cá có thể lên mặt nước đớp không khí, thực hiện việc trao đổi khí trong ruột sau đó, khí được thải qua hậu môn ra ngoài. 
3. Đặc điểm dinh dưỡng:
Cá chạch quế giai đoạn nhỏ ăn thiên về động vật và chuyển dần sang ăn tạp khi trưởng thành. Cá bột sau khi hết noãn hoàng ăn động vật phù du như luân trùng, rận nước, trứng nước… Cá dài cỡ 3cm, ăn trùn chỉ, lăng quăng và cá trên 5 cm đã có thể ăn tảo, mầm cỏ, thực vật nhỏ và chuyển dần sang ăn thực vật đến trưởng thành. Tuy nhiên, trong điều kiện nuôi, cá có thể sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp do người nuôi cung cấp.
4. Đặc điểm sinh trưởng:
Chạch quế là loài thủy sản có kích thước nhỏ, Chạch mới nở chỉ to bằng đầu kim khâu, sau 1 tháng có chiều dài 2 - 3cm, sau nửa năm được 4 - 6cm, cá trưởng thành đạt kích cỡ khoảng 10 - 15cm và đạt trọng lượng khoảng 30 - 60g, con to nhất nặng 100g dài 20cm.
5. Đặc điểm sinh sản:
Trong tự nhiên, cá chạch thành thục sinh dục ở năm tuổi thứ 2, thường đẻ vào mùa mưa từ tháng 4 - 9 dương lịch, rộ nhất từ tháng 5 - 7. Lượng trứng tỷ lệ thuận với chiều dài thân: cá dài 8 cm cho khoảng 7.000 trứng, 15 cm có sức sinh sản khoảng 12.000 - 18.000 trứng và cá dài 20 cm có thể sinh được 16.000 - 24.000 trứng. Trứng cá thuộc loại trứng dính, hình cầu, màu vàng, có kích thước nhỏ, đường kính khoảng 1,2 - 1,5 mm. Khi đẻ trứng cá Chạch đực dùng mõm kích thích vào bụng cá cái, cá cái ngoi lên mặt nước, cá đực đuổi theo và quấn chặt vào thân cá cái, lúc này con cái đẻ trứng, con đực phóng tinh. Trứng cá bám dính trên cỏ hoặc các vật khác, trứng được thụ tinh sẽ nở sau khoảng 2 - 3 ngày.
II - KỸ THUẬT NUÔI CÁ CHẠCH QUẾ THƯƠNG PHẨM TRONG AO ĐẤT :
1. Chuẩn bị ao nuôi:
1.1. Điều kiện ao nuôi:
Ao đất có kích thước từ 200 m đến 2.000 m2, độ sâu không được vượt quá 1,5 m,  mực nước tốt nhất trong khoảng 0,8 - 1m, lượng bùn đáy ao không quá 10 - 15cm. Nếu mực nước thấp (50 - 60 cm) thì ao phải được che mát để giữ nhiệt độ nước trong ao nuôi luôn ổn định, có thể thả bèo tây hoặc bèo tổ ong để tạo chỗ trú ẩn cho cá tránh nóng, tránh rét và làm sạch môi trường nước. Khi trời rét cũng có thể sử dụng rơm rạ thả cho cá trú ẩn, đồng thời bơm nước cao từ 70 - 80 cm để nuôi xen canh với các loại cá khác như trắm đen, cá chép để tận dụng thức ăn dư thừa.
Bờ ao phải làm to và cao, nện đất chặt để tránh nước bị rò rỉ. Xung quanh ao phải được bọc bạt hoặc lưới (mắt lưới tùy theo kích cỡ cá) để tránh cá chui rúc vào thành ao, đáy ao không cần trải bạt. Do cá rất dễ bị địch hại (chó, mèo, chim hoang dã..) tấn công nên chung quanh ao cần dùng lưới thưa bao xung quanh (20% diện tích ao) cao khoảng 2m (tính từ mặt nước ao) để bảo vệ vật nuôi. Công trình nuôi phải có cống cấp và thoát nước riêng biệt. Các cửa cống cấp thoát nước phải chắn bằng đăng tre hoặc lưới cước thích hợp, nền cống phải đầm chặt.
hinh2
Hình 2. Ao nuôi cá Chạch 
1.2. Cải tạo ao nuôi:
- Trước khi thả cá giống, thực hiện việc cải tạo ao theo các bước:
+ Tháo cạn nước ao;
+ Dọn, vệ sinh và tu sửa bờ ao cho chắc chắn;
+ Tẩy dọn cá tạp: Chích điện để tiêu diệt cá lớn, đối với cá tạp nhỏ có thể rải saponin hoặc vôi để diệt.
+ Bón vôi với lượng: 7 - 10kg/100m2 để sát khuẩn ao nuôi;
+ Phơi khô ao trong 5 - 7 ngày.
- Cấp nước vào ao: Nước lấy vào nhất thiết phải qua lưới lọc để ngăn chặn cá tạp, cá dữ xâm hại đến cá giống thả nuôi qua lưới lọc và thả cá bố mẹ vào nuôi vỗ.
- Gây màu nước: Bón phân gây màu nước: Có thể áp dụng 1 trong các cách sau:
+ Dùng 20 kg phân chuồng (đã ủ hoai) + 10 - 15 kg phân xanh bón cho 100m2 ao: Màu nước lên tương đối chậm, thường thì sau khoảng 3 - 5 ngày.
+ Dùng phân vô cơ (NPK, DAP...): 2 kg/1.000m2. Hòa nước tạt đều xuống ao. Màu nước lên nhanh (có thể chỉ trong 1 - 2 ngày) nhưng mau tàn, không ổn định.
+ Dùng cám gạo + bột đậu nành + nước cá (hoặc cá tươi xay nhuyễn nấu chín) trộn đều, ủ trong khoảng 8 - 12 giờ, hòa nước tạt đều xuống ao 2 lần/ngày. Màu nước lên tương đối tốt, để giữ màu nước cần thực hiện thường xuyên hàng ngày để đảm bảo ổn định màu nước trong quá trình ương nuôi cá. 
- Môi trường nước khi thả giống tốt nhất phải đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng sau đây:
+ Nhiệt độ nước từ 27 - 320C.
+ Ðộ pH trong khoảng từ 6,5 - 8,5.
+ Hàm lượng oxy hoà tan ≤ 5 mg/l.
3. Chọn và thả cá giống:
Hiện nay, con giống cá chạch quế đã được sản xuất nhân tạo thành công với số lượng rất lớn do đó người nuôi có thể hoàn toàn chủ động được con giống thả nuôi. 
- Chọn giống: Chọn cá chạch giống khỏe mạnh, đồng đều kích cỡ, hoạt động nhanh nhẹn, màu sắc tươi sáng, không có dấu hiệu bệnh tật, không bị lật bụng, không xây xát, mất nhớt.
- Mật độ thả nuôi: 60 - 90 con/m2, kích cỡ cá giống 3 - 4 cm (cỡ 0,5 - 1 g/con). 
- Thả giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, trước khi thả xuống ao nuôi nên tắm cho cá để sát trùng, phòng bệnh cho cá bằng dung dịch muối có nồng độ 2 - 3% trong thời gian 5 - 10 phút hoặc thuốc tím 10 - 15 ppm trong 15 - 30 phút để loại trừ ngoại kí sinh và sát trùng vết thương do xây xát trong quá trình đánh bắt và vận chuyển.
- Vận chuyển cá giống: Cá giống được áp dụng phương pháp vận chuyển kín  hoặc vận chuyển hở:
+ Vận chuyển kín trong túi bóng, bơm oxy cho vào thùng xốp. Mật độ vận chuyển 3 - 4 kg/thùng. 
+ Vận chuyển hở bằng bể composite có bố trí sục khí.
Thực tế, cá Chạch quế rất dễ vận chuyển, có thể vận chuyển kín hoặc vận chuyển hở, tỷ lệ sống có thể đạt 100%, vì vậy, tùy theo điều kiện để lựa chọn phương pháp vận chuyển.
- Mùa vụ thả giống: Cá Chạch quế là đối tượng chịu lạnh tốt, do đó ở Nghệ An có thể thả nuôi cá Chạch quế quanh năm. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả kinh tế, thị trường tiêu thụ sản phẩm tốt, giá thành cao tốt nhất nên thả giống vào thời điểm tháng 5 - 7 hàng năm, đây là thời điểm con giống đại trà, giá thành rẻ, nhiệt độ thích hợp cho việc thả giống và đặc biệt là thu hoạch vào các tháng 10 - 12, vào các tháng mùa lạnh nên thị trường tiêu thụ rất tốt, giá bán cao.
4. Chăm sóc và quản lý:
4.1. Thức ăn cho cá chạch quế:
Có thể sử dụng nhiều loại thức ăn khác nhau như: Thức ăn tự chế (đậu tương, cám gạo, bột ngô, bột cá) hoặc thức ăn công nghiệp…
-  Thức ăn công nghiệp: Cá chạch quế có thể sử dụng tốt thức ăn công nghiệp dạng viên cỡ nhỏ (0,5 - 0,8 li) với hàm lượng Protein từ 35 - 40% và không cần bổ sung thức ăn gì khác.
 - Thức ăn tự chế: Có thể sử dụng thức ăn tự chế để cho cá ăn, các thành phần thức ăn được đập nhỏ, phối trộn với nhau đảm bảo hàm lượng Protein từ 35- 40% để cho cá ăn.
Cần trộn thêm vào thức ăn các chất bổ sung như men tiêu hóa, Premix khoáng và Vitamin C để cá tăng trưởng tốt hơn. Cá chạch quế ruột ngắn nên tiêu hóa thức ăn khá nhanh do vậy cần phải cung cấp thức ăn cho cá liên tục trong ngày để đảm bảo sinh trưởng. Có thể cho cá ăn 6 lần/ngày với lượng thức ăn khoảng 3 - 5% tổng trọng lượng thân và nên rải lượng thức ăn nhiều nhất lúc trời nắng tốt. Nếu thả cá bột, phải ương lên giống bằng lòng đỏ trứng, trứng nước, trùn chỉ… khoảng 1 tháng trước khi chuyển qua thức ăn công nghiệp.
Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất nên sử dụng thức ăn công nghiệp để rút ngắn thời gian nuôi, kiểm soát và quản lý tốt lượng thức ăn sử dụng.
- Tỷ lệ cho ăn từ 3 - 8% khối lượng thân cá/ngày tùy theo mức độ ăn và từng giai đoạn phát triển của cá cụ thể:
+ Giai đoạn từ 0,5 - 2 g/con cho ăn 8% khối lượng thân/ngày, sử dụng thức ăn dạng mảnh.
+ Giai đoạn từ  3 - 5 g/con cho ăn 5 - 6% khối lượng thân/ngày, sử dụng thức ăn dạng hạt có kích cỡ viên 0,5 - 1 mm.
+ Giai đoạn từ 6 - 10  g/con cho ăn 4% khối lượng thân/ngày, sử dụng thức ăn dạng hạt có kích cỡ viên 0,5 - 1 mm.
+ Giai đoạn cá trên 10g/con cho ăn 3% khối lượng thân/ngày, sử dụng thức ăn dạng hạt có kích cỡ viên 0,5 - 1 mm.
- Cho cá ăn 4 lần/ngày  vào các thời điểm 7 giờ, 11 giờ, 14 giờ và 17 giờ hàng ngày, thức ăn được rải đều khắp mặt ao.
- Do thời tiết nắng nóng ở Nghệ An nên thời kỳ nắng nóng cần trộn thêm vào thức ăn hàng ngày các chất bổ sung như Vitamin C và thuốc bổ gan để kích thích cá tăng trưởng tốt hơn và phòng bệnh cho cá. Vào thời điểm cho ăn 7 giờ sáng và 17 giờ chiều, thức ăn được pha trộn với các chất bổ sung, thuốc phòng trị bệnh cho cá, tỷ lệ và phương pháp trộn như sau: Trước tiên trộn đều Vitamin C, Khoáng với liều lượng 3 - 5 g/kg thức ăn, Boganic¬-1 với liều lượng 3 ml/kg thức ăn trộn đều ủ trong thời gian 5 - 10 phút để cho cá ăn.
- Định kỳ tiến hành kiểm tra, theo dõi tăng trưởng của cá. Tùy theo khối lượng thân cá, mức độ phát triển của cá từng giai đoạn, mức độ ăn, diễn biến thời tiết để điều tiết lượng thức ăn hợp lý, tránh dư thừa gây lãng phí cũng như dễ gây ô nhiễm môi trường ao nuôi, tránh để thiếu ảnh hưởng đến sinh trưởng của cá. Nếu chăm sóc cá tốt, quản lý thức ăn chặt chẽ cá chạch quế có hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) dao động từ 1,5 - 1,8 kg thức ăn/kg cá.
- Thường xuyên theo dõi tình hình sử dụng thức ăn của cá, sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng, kích cỡ hạt, không bị ẩm mốc, hư hỏng, quá hạn.
4.2. Chăm sóc cá và quản lý ao nuôi:
- Thường xuyên theo dõi hoạt động của cá để kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường như cá bơi lội yếu, nổi trên mặt nước, nằm lật bụng, xuất huyết…
- Cần kiểm tra, theo dõi chặt chẽ chất lượng nước ao nuôi, mặc dù cá có thể chịu đựng được môi trường nước dơ nhưng cá sẽ bị chậm lớn và dễ mắc bệnh. Do môi trường nước càng trong sạch cá càng tăng trưởng tốt hơn nên thường xuyên cho nước luân chuyển trong ao, định kỳ 7 - 10 ngày thay 30 - 50% lượng nước trong ao nhằm đảm bảo môi trường ao nuôi luôn trong sạch.
 Nguồn nước sử dụng phải đảm bảo sạch sẽ, không bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật hay nước thải từ các nhà máy, khu công nghiệp.
- Do ở Nghệ An thời tiết thường xuyên có những biến động bất thường, thay đổi đột ngột, nắng gắt nhiệt độ nước lên cao trong các tháng mùa hè, vì vậy cần có biện pháp chống nóng cho ao nuôi bằng cách thả bèo tây hoặc bèo tổ ong hoặc dùng lưới phong lan che 1/3 diện tích ao kết hợp dùng máy bơm đảo nước vào các thời điểm nắng nóng nhất trong ngày (12 - 16 giờ hàng ngày), nhằm hạn chế nắng nóng cho cá.
- Định kỳ 1 tuần/ lần tạt vi sinh cho ao để phân hủy mùn bã hữu cơ ở đáy ao và ổn định môi trường nước. Có thể sử dụng các loại vi sinh hiện có phổ biến trên thị trường như: Bio Clear (Liều lượng sử dụng: 500g/10.000m2 ao), Bacwa Clean (Liều lượng sử dụng: 200 - 400g/10.000m2 ao); nếu môi trường bị ô nhiễm sử dụng liều gấp đôi…
-  Trong quá trình nuôi không sử dụng vôi để xử lý nước ao nuôi để hạn chế sự thay đổi pH trong ao, chủ yếu sử dụng men vi sinh để xử lý ao tránh cá bị stress.
- Thường xuyên kiểm tra hệ thống bờ ao, cống cấp, cống thoát đảm bảo ao không rò rỉ, gây thất thoát cá.
5. Phòng trị bệnh:
5.1. Phòng bệnh:
Cá Chạch quế có sức sống cao nhưng dễ mẫn cảm với thay đổi môi trường, thời tiết dẫn đến cảm nhiễm bệnh. Do đó, trong quá trình nuôi cần làm tốt công tác phòng bệnh chung cho cá nhằm hạn chế cá bị bệnh. Trong quá trình thực hiện mô hình, nhóm thực hiện đã áp dụng các biện pháp phòng bệnh chung như:
- Con giống: Cá khỏe mạnh, nguồn gốc rõ ràng, không có dấu hiệu bệnh lý.
- Cho cá ăn đầy đủ thức ăn, đúng giờ, sử dụng thức ăn có hàm lượng Protein đảm bảo, không ẩm mốc. Thực hiện tốt công tác quản lý thức ăn nhằm tránh thừa, thiếu thức ăn gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cá. 
- Thực hiện tốt chế độ phòng bệnh cho cá, thường xuyên sử dụng vitamin C, khoáng và thuốc bổ gan trộn hàng ngày vào thức ăn cho cá với liều lượng sử dụng 3 - 5g Vitamin C, khoáng và 5ml thuốc bổ gan (Boganic -1) cho 1 kg thức ăn để tăng sức đề kháng và giúp cá tăng trưởng tốt.
- Quản lý ao nuôi chặt chẽ, duy trì nguồn nước trong ao sạch luôn trong sạch, định kỳ 1 tuần/ lần tạt vi sinh cho ao (Sử dụng Bio-Clear, Bacwa Clean…) để phân hủy mùn bã hữu cơ ở đáy ao và ổn định môi trường nước cho cá sinh trưởng phát triển.
- Sử dụng hệ thống phun nước nhằm tăng hàm lượng ô xy vào những thời điểm hàm lượng oxy trong ao thấp và những lúc nắng nóng nhằm đảo nước trong ao nuôi.
5.2. Phòng và trị một số bệnh thường gặp:
Cá chạch quế có sức sống mãnh liệt, ít bị dịch bệnh, tuy nhiên cá cũng mắc một số bệnh về đường ruột, xuất huyết…khi môi trường nước ao nuôi không tốt hay vào thời điểm giao mùa. Cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là giữ môi trường nước ao luôn trong sạch, không cho ăn thức ăn quá dư thừa, sử dụng các chất bổ sung vào thức ăn.
5.2.1. Bệnh xuất huyết do vi khuẩn:
                   hình3
                                Hình 3: Cá bị bệnh xuất huyết
a) Tác nhân gây bệnh: 
- Aeromonas hydrophila; Pseudomonas fluorescens; Streptococcus sp.
b) Dấu hiệu bệnh lý:
- Cá kém ăn hoặc bỏ ăn.
- Có các đốm đỏ trên thân.
- Cơ quan nội tạng có thể xuất huyết có các đốm trắng, ruột xuất huyết, nhiều chỗ hoại tử thối nát.
c) Phân bố và mùa vụ xuất hiện bệnh:      
- Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân, đầu hè và mùa thu. 
d) Phòng trị bệnh: 
- Sử dụng men vi sinh với liều cao để xử lý môi trường nước.
- Bổ sung thêm lượng vitamin C, thuốc bổ gan với liều lượng: 5g Vitamin C + 5ml Bổ gan/ 1 kg thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá.
- Sử dụng thuốc Rifamycine kết hợp với thuốc Tiên Đắc trộn vào thức ăn cho cá ăn với liều lượng sử dụng như sau: 90 mg Rifamycine + 1g Tiên Đắc cho 1 kg cá, cho ăn liên tục trong 3 - 5 ngày.
5.2.2. Bệnh đốm đỏ do vi khuẩn
a) Tác nhân gây bệnh: 
Do nhóm vi khuẩn Aeromonas nhưng thường gặp nhất là vi khuẩn Aeromonas hydrophyla.
b) Dấu hiệu cá mắc bệnh: 
 
Bên ngoài: Cá bỏ ăn, bơi lờ đờ tằng mặt, da chuyển màu tối, mất nhớt, hậu môn viêm đỏ lồi ra. Trên thân, gốc vây, quanh miệng có nhiều đốm đỏ, mắt lồi đục, bụng chướng to, vây xơ rách, tia vây cụt, không thấy xuất huyết dưới da.
Bên trong: Xoang bụng, tuyến sinh dục, bóng hơi xuất huyết, gan tái nhợt, mật đen sẫm, ruột không có thức ăn, chứa đầy hơi hoặc xuất huyết rữa nát, chứa đầy mủ, xoang bụng chứa nhiều dịch nhờn, mùi hôi thối.
  hinh4
        Hình 4: Cá bị bệnh đốm đỏ  
c) Phân bố và lan truyền bệnh:
Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng tập trung vào mùa xuân, mùa hè và đầu mùa thu
d) Phòng và trị bệnh:
- Bổ sung thêm lượng vitamin C, thuốc bổ gan với liều lượng: 5g Vitamin C + 5ml Bổ gan/ 1 kg thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá.
- Tắm cá trước khi thả bằng dung dịch nước muối NaCl 2 - 3% trong thời gian 10 - 15 phút.
- Dùng thuốc Tiên Đắc cho cá ăn vào mùa thường xuất hiện bệnh: Ngày cho cá 1 lần với lượng 100g/100kg cá, cho ăn liên tục 3 ngày.
- Chữa bệnh: Dùng Tiên Đắc cho ăn với lượng 200g thuốc/100kg cá , cho ăn 2 lần/ ngày, liên tục 3 - 5 ngày.
5.2.3. Bệnh nấm thuỷ mi:
a) Tác nhân gây bệnh: 
- Saprolegnia, Achlya.
b) Dấu hiệu bệnh lý: 
- Trên da xuất hiện các vùng trắng xám.
- Nấm phát triển như đám bông.
c) Phân bố và mùa vụ xuất hiện bệnh: 
- Bệnh xuất hiện vào mùa xuân, mùa thu và mùa đông.
d) Phòng trị bệnh:
- Làm sạch môi trường nuôi.
- Bổ sung thêm lượng vitamin C, thuốc bổ gan với liều lượng: 5g Vitamin C + 5ml Bổ gan/ 1 kg thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá.
- Tắm cá trước khi thả bằng dung dịch nước muối NaCl 2 - 3% trong thời gian 10 - 15 phút.
- Dùng thuốc tím (KmnO4) tạt vào nước với nồng độ 2 - 5ppm
6. Thu hoạch:
Sau 4 - 5 tháng nuôi đã có thể thu hoạch, cỡ cá thương phẩm loại 1 khoảng 25 - 30 con/kg, không nên nuôi quá lâu vì tỷ lệ cá xương sụn sẽ bị giảm. Có thể thu tỉa cá lớn bán trước và giữ cá nhỏ lại nuôi tiếp. Tỷ lệ sống khoảng 70% và năng suất đạt khoảng 16,5 tấn/ha/vụ nuôi.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thu Thủy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây