Trung tâm giống Thủy sản Nghệ An

http://giongthuysannghean.gov.vn


Ngăn chặn mầm bệnh trong nuôi cá nước ngọt

Ngăn chặn mầm bệnh trong nuôi cá nước ngọt

Dịch bệnh được coi là nguyên nhân hàng đầu cho các thiệt hại của nuôi trồng thủy sản. Tác nhân gây bệnh có thể xâm nhập vào ao nuôi bằng nhiều con đường khác nhau như: theo bố mẹ hoặc con giống, thức ăn, nguồn nước cấp vào ao, các ký chủ trung gian hay sinh vật mang mầm bệnh, các dụng cụ trong nuôi trồng thủy sản…

Xử lý nguồn nước 

Nguồn nước lấy vào bắt đầu cho vụ nuôi cũng như nguồn nước cấp vào ao trong suốt quá trình nuôi cần được xử lý cẩn thận. Có thể sử dụng một trong số các phương pháp sau để lấy nước (tùy vào từng điều kiện). 

– Phương pháp cơ học: Đưa nước vào ao chứa để lắng lọc hay cho nước chảy qua các bể lọc, chúng có thể loại bỏ các chất vẩn hữu cơ lơ lửng trong nguồn nước cấp, bám trên các chất vẩn đó là các tác nhân vi sinh vật như nấm, vi khuẩn, nguyên sinh động vật…. Vì vậy phương pháp này phần nào hạn chế được lượng lớn vi sinh vật xâm nhập vào hệ thống ao nuôi. Với những ao nuôi không có hệ thống ao chứa, lắng lọc thì nước lấy vào cần đi qua lưới lọc có kích thước nhỏ.

Con giống sạch bệnh cho tỷ lệ sống cao, sức chống chịu với điều kiện môi trường tốt. Ảnh: ST

– Phương pháp vật lý: Sử dụng đèn cực tím với bước sóng 240 – 280 nm để sát trùng nguồn nước. Tia cực tím sẽ có tác dụng khử trùng và hạn chế, kìm hãm những mầm bệnh là vi khuẩn, nấm xâm nhập vào hệ thống nuôi.

– Phương pháp hóa học: Dùng Iodine, Chlorine, thuốc tím, formol, biện pháp này có tác dụng diệt trùng khá tốt nhưng dư lượng còn lại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cá nuôi. Ngoài ra liều lượng dùng không phù hợp có thể ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật có lợi trong nguồn nước, chúng diệt cả tảo, thực vật phù du. Tuy nhiên do tính tiện lợi nên chúng được sử dụng nhiều ở các nước Đông Nam Á. Dùng khí ozon để sát trùng nước, biện pháp này không những tiêu diệt các tác nhân gây bệnh như nấm, vi khuẩn, động vật đơn bào, mà còn có khả năng cải thiện chất lượng nước như có thể ôxy hóa các vật chất hữu cơ, các khí độc (NH3).

– Phương pháp sinh học: Phương pháp này thường áp dụng trong các hệ thống nuôi tuần hoàn và bán tuần hoàn. Nước đã sử dụng có thể làm sạch nhờ sự tồn tại và phát triển của một số vi sinh vật (vi khuẩn) có lợi như Nitrobacter… chúng có khả năng sử dụng nitơ thừa và cạnh tranh chiếm chỗ kìm hãm sự phát triển các vi khuẩn gây bệnh tồn tại trong nước.

 

Kiểm dịch con giống

Hiện nay hệ thống kiểm dịch nhà nước cũng như các phòng thí nghiệm bệnh động vật thủy sản có thể đảm bảo cho nhu cầu của người dân trong việc yêu cầu kiểm dịch con giống trước khi nuôi.

Động vật thủy sản nhập nội (nhập từ nước ngoài vào Việt Nam), từ vùng này qua vùng khác trong nước cần phải được kiểm dịch để tránh việc lây lan mầm bệnh từ nước ngoài vào cũng như từ vùng này sang vùng khác.

Việc kiểm dịch nhằm loại bỏ con giống kém chất lượng trước khi quyết định sử dụng con giống cho việc nuôi.

 

Loại trừ ngoại ký sinh trùng trước khi thả

Trước khi thả cần tắm cho con giống bằng một trong những phương pháp sau:

– Muối ăn (NaCl) 2 – 4% thời gian 5 – 10 phút (đối với cá nước ngọt);

– Formalin 150 – 200 ml/m3 trong thời gian 30 – 60 phút kết hợp với sục khí mạnh;

– Ngoài ra tùy vào từng trường hợp cụ thể mà có thể sử dụng hóa chất, kháng sinh để tắm.

 

Tiêu diệt mầm bệnh từ thức ăn và nơi cho ăn

Đối với thức ăn là động vật tươi sống cần được rửa qua bằng nước muối trước khi cho ăn (đối với giống loài nước ngọt). Thậm chí vào mùa thường xảy ra bệnh cho cá, thức ăn tươi sống cần được nấu chín trước khi cho ăn.

Loại bỏ các thức ăn tổng hợp khi có hiện tượng vón cục, nhiễm nấm mốc.

Định kỳ rửa, vệ sinh nơi cho ăn, khay ăn bằng formalin hoặc nước muối (đối với cá nuôi nước ngọt).

Khử trùng nơi cá đến ăn dùng loại thuốc nào hay số lượng nhiều ít còn tùy thuộc vào chất nước, độ sâu, nhiệt độ nước, diện tích nơi cho cá ăn và tình hình phát sinh bệnh cá của cơ sở trong mấy năm gần đây. Tốt hơn hết thường xuyên dùng vôi nung hoặc Clorua vôi (CaOCl2) treo 2 – 3 túi xung quanh chỗ cho ăn để tẩy trùng. Liều lượng 2 – 4 kg vôi nung/túi hoặc 100 – 200 g Clorua vôi/túi.

 

Sát trùng các dụng cụ

Thủy sản có thể bị lây bệnh từ các dụng cụ nuôi (xô, chậu, vợt) chứa mầm bệnh do đó dụng cụ nuôi nên dùng riêng từng ao, bể.

Sau khi dùng cần ngâm bằng nước muối, thuốc tím hoặc formalin và trước khi dùng cần rửa lại qua nước sạch.

Áo quần của người nuôi sau khi lội xuống ao đầm cần được giặt, phơi khô trước khi sang ao khác.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây