Trung tâm giống Thủy sản Nghệ An

http://giongthuysannghean.gov.vn


XÂY DỰNG THÀNH CÔNG MÔ HÌNH SẢN XUẤT GIỐNG LƯƠN ĐỒNG TẠI TRUNG TÂM GIỐNG THỦY SẢN NGHỆ AN

XÂY DỰNG THÀNH CÔNG MÔ HÌNH SẢN XUẤT GIỐNG LƯƠN ĐỒNG TẠI TRUNG TÂM GIỐNG THỦY SẢN NGHỆ AN

Thực hiện hợp đồng số 1236/HĐ-KHCN ngày 22/12/2020 giữa Sở Khoa học - Công nghệ Nghệ An và Trung tâm giống thủy sản Nghệ An về việc thực hiện dự án KHCN: “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm lươn đồng (Monopterus albus Zuiew, 1793) quy mô hàng hóa tại Nghệ An”. Qua thời gian thực hiện từ tháng 1/2021 đến nay Trung tâm giống thủy sản Nghệ An đã thực hiện thành công mô hình sản xuất giống đạt được những kết quả như sau:
  1. Xây dựng bể lươn bố mẹ:
Bể nuôi lươn bố mẹ có diện tích 15 - 30 m2, sử dụng bể lót bạt. Thiết kế bể theo hình chữ nhật có chiều cao 0,7 - 0,8m . Bể nuôi vỗ ở nơi thoáng đãng, hệ thống cấp thoát nước riêng biệt và ống thoát nước chống tràn nhằm giữ mức nước ổn định trong bể. Đất bố trí vào bể nuôi sinh sản là loại đất sét pha thịt.
Đất trước khi đưa lươn bố mẹ vào bể nuôi được cải tạo theo các bước sau: Bón vôi với liều lượng 3kg/m3 đất, sau đó cấp nước vào bể ngâm từ 2 - 3 ngày sau đó tháo nước bỏ lặp lại ít nhất 3 lần. Đất được bố trí theo vách bể, bề mặt và bề cao ụ đất từ 0,4 - 0,5m; mức nước sâu từ 0,3 - 0,4 m.
Hình 1: Chuẩn bị bể lươn bố mẹ
 
  1. Tuyển chọn và thả lươn bố mẹ:
Sau khi hoàn thiện hệ thống bể nuôi, nhóm thực hiện đã tiến hành tuyển chọn, nhập đàn lươn bố mẹ về triển khai thực hiện dự án. Ngày 15/4/2021 nhóm triển khai thực hiện dự án đã tiến hành vận chuyển lươn bố mẹ về kết quả cụ thể như sau:
- Lươn được tuyển chọn có các đặc điểm: Lươn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, cơ thể sáng bóng, nhiều nhớt và có nguồn gốc từ bể nuôi thương phẩm. Lươn cái được nhận dạng bằng cảm quan như có da bụng mỏng, bụng to hơi phình ở gần lỗ hậu môn; lươn đực có bụng thon, da bụng dày, đuôi nhọn và dài. Lươn bố mẹ trước khi bố trí vào bể sinh sản được tắm bằng nước muối 3% trong 4 - 6 phút.
- Lươn hậu bị: Đạt trọng lượng từ 100 - 150 gam.
- Khối lượng lươn giống hậu bị: 500 kg (Trong đó: 250kg lươn cái tương đương 3.750 con và 250 kg lươn đực tương đương 2.000 con).
- Mật độ trung bình 15-20 con/m2
- Điều kiện môi trường thích hợp cho lươn sống và sinh sản: pH từ 7 - 8.5; hàm lượng ô xy thích hợp từ 3 - 4 mg/l; nhiệt độ thích hợp cho lươn đẻ từ 26 - 300C.

    
Hình 2: Tuyển chọn và thả lươn bố mẹ
 
  1. Nuôi vỗ lươn bố mẹ:
- Thời gian nuôi vỗ: 1 - 3 tháng tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của buồng trứng và mùa vụ sinh sản. Mùa vụ sinh sản bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10 dương lịch.
- Thức ăn sử dụng: 70% cá tạp xay  + 30% thức ăn công nghiệp 44%Protein + bổ sung Vitamin C, men tiêu hóa, Vitamin E kích thích phát triển tuyến sinh dục. Cho ăn 1 lần/ ngày vào lúc 20 - 21h. Thay nước 2 lần/ ngày: 5h sáng, 17h chiều. Chế độ phun mưa kích thích sinh sản: 2 lần/ngày: 1 - 2 tiếng/lần.
Hình 3: Xay cá tạp + thức ăn công nghiệp cho lươn bố mẹ
  1. Thu trứng và ấp lươn bột
Khi thu trứng, dùng vợt vớt những đám bọt có trứng và rửa sạch bùn đất trước khi bố trí vào bình vây hoặc chậu nhựa đường kính từ 30 - 50cm với mức nước khoảng 5 - 7cm và sục khí nhằm đảm bảo cung cấp đủ oxy cho phôi phát triển. Mật độ ấp 3.000 - 3.500 trứng/m2.
Lươn con sau khi nở bể ấp được chuyển sang ương ở chậu có giá thể và được phân loại cỡ lươn theo ngày tuổi.
Thức ăn: Trùn chỉ. Cho ăn 3 lần/ngày. Thay nước 3 lần/ngày. Định kỳ 10 ngày tách đàn phân cỡ lươn hạn chế tranh giành thức ăn. Kích cỡ đạt: 4.000 – 6.000 con/kg.
Hình 4: Lươn bột sau khi thu từ bể bố mẹ
  1. Ương lươn hương lên lươn giống
- Lươn đạt 7 – 10 cm/con bố trí vào bể ương. Mật độ: 700 – 1.000 con/m2.
- Thời gian ương: 45 - 50 ngày, nhiệt độ thích hợp: 26 – 320C, tỷ lệ sống 60 – 80%. Định kỳ 10 ngày/lần tách đàn phân cỡ hạn chế hiện tượng tranh giành thức ăn. Lươn đạt kích cỡ 12 – 18 cm, khối lượng 3 - 5 gam/con. Thức ăn chính: trùn chỉ, giun quế, thức ăn công nghiệp. Cho ăn 3 lần/ngày, thay nước 3/ngày.

Hình 5: Ương dưỡng lươn hương lên lươn giống

Kết quả cho sinh sản lươn đồng của Trung tâm cho thấy, với phương pháp thu con tỷ lệ sống trong ương dưỡng là 75%, tỷ lệ hao hụt thấp, lươn lớn nhanh khỏe mạnh. Sau hơn 1 tháng, Trung tâm đã thu được 30.000 con lươn bột.
Tháng 9 - 10/2021, Trung tâm sẽ tiếp tục cho lươn sinh sản tiếp, sau đó có đúc kết đánh giá để chọn thời vụ tốt nhất cho lươn sinh sản trong năm.
Bên cạnh việc nghiên cứu cho lươn sinh sản, ấp nở, ươm nuôi con giống, trong thời gian tới Trung tâm tiếp tục tổ chức 3 mô hình nuôi thương phẩm ở các hộ nuôi. Các mô hình này hoàn toàn nuôi theo phương pháp nuôi lươn không bùn./.

Tác giả bài viết: Cung Thị Lý

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây