Trung tâm giống Thủy sản Nghệ An

http://giongthuysannghean.gov.vn


TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG NẮNG NÓNG TRONG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG NẮNG NÓNG TRONG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, nắng nóng sẽ xảy ra tại khu vực miền Bắc từ tháng 6 đến tháng 8; tần suất 3 - 4 đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt/tháng với nền nhiệt phổ biến từ 37 – 400C, mỗi đợt kéo dài trong 4 - 6 ngày. Hiện tượng nắng nóng sẽ có xu hướng tăng hơn trong tháng 7 - 8 với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 – 380C trên toàn khu vực, riêng các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37 – 390C, có nơi trên 400C. Nhiệt độ nước là một trong những thông số quan trọng trong quản lý chất lượng môi trường nuôi, là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của động vật thủy sản.
Nhiệt độ nước tăng cao: Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe động vật thủy sản nuôi; gây sốc, giảm sức đề kháng, ảnh hưởng tỷ lệ sống; tăng khả năng trao đổi chất, tăng tiêu hao oxy, tăng mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh; tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn và virus gây bệnh phát triển. Nắng nóng kéo dài nhiệt độ nước tăng lên, các chất hữu cơ tích tụ ở đáy ao sẽ phân huỷ mạnh, quá trình phân hủy chất hữu cơ không chỉ tiêu hao nhiều oxy hoà tan trong nước mà còn thải ra các khí độc ở đáy ao như: H2S, N-NH3, N-NO2 khuyếch tán vào nước gây ngộ độc cho động vật thủy sản; tạo điều kiện cho các loại tảo trong ao phát triển mạnh làm giảm hàm lượng oxy hòa tan trong nước vào ban đêm.
Để chủ động phòng chống những đợt nắng nóng, nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại đến hiệu quả sản xuất các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn cần áp dụng các biện pháp phòng chống nắng, nóng trong nuôi trồng thủy sản, cụ thể như sau:
- Che phủ một phần diện tích nuôi để làm chỗ trú ẩn, tránh nắng nóng cho cá (bèo tây, lưới đen,...) khi nắng nóng kéo dài. Đối với nuôi ao, chủ động nâng và duy trì mức nước ở mức cao tối thiểu 1,2-1,5 m trở lên.
- Sử dụng các thiết bị làm giàu ô xy như máy quạt nước, máy sục khí, máy phun, máy bơm… đặc biệt là vào ban đêm từ 22h đêm đến 4h sáng để tăng ô xy hòa tan đặc biệt là tầng đáy, tạo điều kiện cho vi sinh vật hiếu khí phát triển sẽ làm giảm thiểu lượng khí độc trong ao.

- Vệ sinh môi trường nuôi: Đối với nuôi ao, định kỳ 7 - 10 ngày dùng vôi bột hòa nước té khắp mặt ao với lượng 2 - 3kg/100m3 tùy theo pH nước để khử trùng nước ao, tiêu diệt mầm bệnh, định kỳ dùng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường. Đối với ao nuôi cá nước ngọt tuyệt đối không đưa phân chuồng trực tiếp xuống ao, nếu sử dụng phân hữu cơ trong ao nuôi phải được ủ hoai, ủ với vôi lượng 2 - 3% vôi cho 100kg phân, ủ phân một tháng sau đó bón xuống ao để tránh mầm bệnh. Đối với lồng nuôi cá, hàng tuần phải vệ sinh trong và ngoài lồng để cho nước lưu thông. Nên sử dụng các loại chế phẩm sinh học làm sạch nước để cải thiện môi trường nuôi, nhưng phải tìm hiểu rõ nguồn gốc, tác dụng và cách sử dụng. Thay tối thiểu 30% lượng nước trong ao...
- Chủ động giảm mật độ nuôi phù hợp với điều kiện môi trường nuôi và khả năng quản lý chăm sóc.
- Quản lý tốt môi trường ao nuôi, định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học, thường xuyên kiểm tra các thông số môi trường, đảm bảo các điều kiện môi trường nằm trong giới hạn thích hợp cho thủy sản nuôi như: nhiệt độ nước từ 26 – 280C; Độ trong 30 - 40 cm; pH 6,5 - 8 (đối với ao nước ngọt), 7,5-8,5 (đối với ao mặn lợ); oxy hoà tan > 3 mg/lít; độ kiềm 80 - 120 mg/l,...
- Theo dõi tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống để có cơ sở đánh giá đúng số lượng tôm, cá trong ao/lồng để có chế độ cho ăn hợp lý: vào những ngày nắng nóng khi nhiệt độ thay đổi vượt giới hạn thích hợp (trên 320C đối với tôm và trên 350C đối với một số loài cá) cần chủ động giảm lượng thức ăn xuống còn 60 -70% so với bình thường. Tăng cường cho các đối tượng thủy sản nuôi ăn các loại thức ăn có chất lượng, bổ sung Vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa, tinh dầu tỏi... vào thức ăn để tăng sức đề kháng và phòng bệnh; Cho động vật thủy sản nuôi ăn vào thời điểm mát mẻ trong ngày;
- Hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào thời điểm nắng nóng trong ngày.
- Khi thủy sản nuôi đạt cỡ thu hoạch cần chủ động thu tỉa để giảm mật độ nuôi hoặc thu toàn bộ vào thời điểm thích hợp. Đối với nuôi lồng/bè trong trường hợp bất lợi, cần có biện pháp di chuyển lồng đến nơi thích hợp.
- Khi nhiệt độ tăng cao cơ thể động vật thủy sản chưa kịp phản ứng thích nghi rất dễ bị stress và phát sinh bệnh. Nắng nóng trong thời gian dài làm các loại tảo phát triển mạnh làm giảm lượng ôxy và tăng lượng khí độc trong nước (NH3, H2S, CO2 …) do quá trình phân hủy các chất hữu cơ ở đáy diễn ra mạnh; đồng thời là điều kiện cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh cho động vật thủy sản phát triển. Vì vậy cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Thường xuyên kiểm tra ao, lồng/bè nuôi, phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thu Thủy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây