Mô hình nằm trong dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá diêu hồng trên sông/hồ đạt chứng nhận VietGAP” giai đoạn 2022 – 2024 với nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia quy mô 225 m³ lồng, thí điểm tại 02 hộ nuôi.
Sở dĩ, các chuyên gia lựa chọn cá diêu hồng (hay còn gọi là cá rô phi đỏ) nuôi tại Bắc Kạn là bởi, so với các loài khác, giống cá này có nhiều ưu điểm vượt trội như ít bị nhiễm các loại bệnh thường gặp, có thể nuôi thâm canh với mật độ cao 100 con/m³ lồng bè.
Trong mô hình này, nhà nước sẽ hỗ trợ 55% kinh phí giống, 50% thức ăn công nghiệp, vôi, chế phẩm sinh học, men vi sinh…; 55% thuê đơn vị kiểm tra, đánh giá và chứng nhận VietGAP theo quy trình kỹ thuật và toàn bộ kinh phí tập huấn kỹ thuật, tổ chức hội thảo tổng kết mô hình có sự tham gia của người dân. Nông dân đóng góp công lao động và đối ứng phần còn lại.
Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn, với 22.500 con cá giống ban đầu được thả, sau 6 tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt trên 80%, cá lớn nhanh, đạt trọng lượng bình quân từ 0,6 -0,72 kg/con, sản lượng gần 11,7 tấn. Sau khi trừ các chi phí như con giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh, công chăm sóc bảo vệ,… người nuôi thu lãi khoảng 100 triệu đồng/225 m³, nghĩa là trung bình mỗi mét khối nuôi thu sẽ được khoảng 450.000 đồng.
Ông Lương Văn Hiến, thôn Phiêng Bang, xã Văn Lang, huyện Na Rì là hộ được lựa chọn để thực hiện mô hình. Thông qua các lớp tập huấn trước khi thả giống đã giúp ông nắm rõ hơn kỹ thuật chọn, thả giống, chăm sóc quản lý, phòng bệnh, sử dụng vitamin C, các loại men trong thời gian nuôi và ghi chép sổ sách nhật ký.
“Qua thời gian nuôi, tôi nhận thấy cá diêu hồng lớn nhanh, phù hợp với điều kiện của địa phương và đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, hiện nay, việc tiêu thụ cá diêu hồng cần có sự liên kết giữa các hộ dân quanh vùng nuôi cá lồng”, ông Hiến chia sẻ.
Theo ông Triệu Đức Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn, nuôi cá diêu hồng trong lồng trên sông/hồ chứa đã được người dân trong tỉnh thực hiện có hiệu quả điển hình như tại Sông Năng, xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể và một số hồ chứa tại huyện Na Rì.
Trong đó, việc thực hiện mô hình nuôi cá diêu hồng trên sông/hồ đạt chứng nhận VietGAP từ nguồn kinh phí Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về việc hình thành nghề nuôi cá lồng, qua đó giúp mở ra hướng làm ăn mới, tạo thu nhập ổn định cho người dân.
“Với mô hình này, người nuôi ít gặp rủi ro, hạn chế phát sinh dịch bệnh. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tuyên truyền tới các hộ nuôi cá lồng tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình để nâng cao giá trị sản phẩm gắn với phát triển thủy sản bền vững, nâng cao thu nhập. Qua đó, sự liên kết gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cũng sẽ được thuận lợi hơn”, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn cho biết.
Được biết, tỉnh Bắc Kạn có diện tích hồ chứa thủy lợi, thủy điện khoảng 382 ha (gồm 39 hồ chứa thủy lợi, thủy điện, trong đó có 12 hồ chứa lớn vừa có tiềm năng phát triển nuôi cá lồng, 27 hồ chứa nhỏ phát triển nuôi theo hình thức thả trực tiếp vào lòng hồ). Phát huy lợi thế của địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với một số huyện triển khai thành công các mô hình, dự án nuôi cá trong lồng bè. Bằng các giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nhiều mô hình bước đầu mang lại những kết quả rõ rệt.
Thực tế, mô hình nuôi cá diêu hồng trên sông/hồ đạt chứng nhận VietGAP đã và đang cho thấy hiệu quả có giá trị kinh tế cao cần được nhân rộng sản xuất trong thời gian tới. Việc áp dụng quy trình nuôi theo hướng VietGAP trong nuôi thủy sản sẽ góp phần thay đổi nhận thức của người nuôi về cách đầu tư, chăm sóc, quản lý môi trường ao nuôi, phòng bệnh cho cá, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo thuận lợi về đầu ra. Đây cũng là giải pháp để phát triển bền vững thủy sản tại tỉnh Bắc Kạn.
Bình Minh
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc