Ao nuôi cá: Cần lựa chọn ao có diện tích vừa phải thường là từ 500 – 1.000 m², chiều dài của ao tránh hướng Đông Bắc. Cần có nguồn nước sạch để cấp cho ao nuôi, đảm bảo hệ thống cấp thoát nước đầy đủ. Bờ ao vững chắc và duy trì độ sâu mực nước từ 1,5 – 2 m, có, có đăng chắn, ao dễ gây màu nước có độ dày bùn đáy từ 15 – 20 cm. Các yếu tố thủy lý, thủy hóa phù hợp pH > 7, hàm lượng ôxy hòa tan > 5 mg/lít.
Nuôi trong bể: Đối với những cơ sở có hệ thống bể trong nhà thì nên nuôi thủy sản qua đông trong hệ thống bể. Bể nuôi đảm bảo có nguồn nước tốt, có sục khí, có hệ thống nâng nhiệt, đảm bảo nhiệt độ nước trong bể > 20ºC. Đối với ương giống qua đông, nên nuôi trên bể để hạn chế thiệt hại.
Ao nuôi tôm: Ao có diện tích từ 1.000 – 3.000 m², thiết kế hình vuông, được lót bạt hoặc bê tông hóa, có lắp đặt hệ thống xi phông đáy. Người nuôi nên đầu tư làm nhà bạt để ổn định nhiệt độ. Mái ao lợp kín bằng lớp plastic đảm bảo che mưa và giữ nhiệt, phía trên có lớp màn che nắng cơ động để điều chỉnh ánh sáng; xung quanh là cửa sổ thông gió và hệ thống điều chỉnh nhiệt độ. Mái trong nhà có hệ thống đèn chiếu sáng vào những ngày tối trời để tảo trong nhà nuôi phát triển.
Luôn đảm bảo nhiệt độ nước ao > 20ºC. Vì thế, đối với ao nuôi ngoài thời, cần làm khung và che phủ bề mặt ao nuôi bằng nilon sáng màu (nếu có đủ điều kiện). Hoặc có thể thả bèo tây trên mặt ao từ ½ – 2/3 diện tích mặt ao nuôi về phía Bắc để chắn gió, cách nhiệt không khí, tăng khả năng giữ nhiệt cho nước ao nuôi và khi có ánh nắng sẽ tăng khả năng hấp thụ năng lượng mặt trời bổ sung nhiệt cho ao nuôi.
Dùng sọt rơm,… làm nơi trú ẩn. Tạo một góc ao sâu về phía Bắc, dùng các sọt đan bằng tre lấy rơm rạ dùng nước vôi phun vào sát trùng, phơi thật khô ấn đầy vào sọt, cắm cọc đơm sọt xuống đáy ao. Lúc trời rét cá, lươn,… chui vào sọt tránh rét. Có thể đào hầm cạnh ao làm nơi trú ẩn cho cá.
Đối với nuôi ếch, hang trú ẩn cho ếch được làm bằng đất hoặc bằng các ống nhựa, ống tre, có một đầu rỗng, các ống này dài 0,5 – 0,6 m, đường kính 0,15 – 0,16 m, bó thành từng bó 5 – 6 cái cho ếch chui vào trú, ống đặt ở góc hoặc thành bờ ao, trên ống dùng rơm rạ phủ để chắn gió cho ếch. Nếu nuôi trong bể xi măng dùng bạt hoặc túi nilon phủ kín mặt bể tránh rét cho ếch.
Định kỳ dùng vôi bột hay một số thuốc sát trùng như đồng sulfat, thuốc tím, muối, BKC… theo hướng dẫn của nhà sản xuất để ngăn chặn sự xâm nhập của các mầm bệnh. Đặc biệt, khi nhiệt độ thay đổi, thủy sản sẽ di chuyển xuống đáy ao. Vì vậy, cần đặc biệt chú ý môi trường đáy ao, bởi đây là nơi tích tụ các mùn bã hữu cơ, khí độc, nấm và vi khuẩn có hại. Tăng cường sục khí để cung cấp đủ hàm lượng ôxy cho các tầng nước, hạn chế tình trạng stress.
Theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường và tình trạng sức khỏe của thủy sản để có những điều chỉnh phù hợp.
Đối với các trại sản xuất giống cần có biện pháp chủ động đưa đàn tôm, cá lên hệ thống bể để có thể dễ dàng nâng nhiệt độ nước lên ngưỡng thích hợp.
Đối với các đối tượng thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm đến kỳ thu hoạch nhưng không có điều kiện thực hiện các biện pháp chống rét, nhất là các đối tượng chịu rét kém như cá rô phi, cá chim trắng, cá chuối, ba ba, cá vược, cá chim vây vàng,… cần tổ chức thu hoạch, không để xảy ra hiện tượng thủy sản chết do rét.
Trước các đợt rét đậm, rét hại, cần tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho cá để cá khỏe, có sức đề kháng với bệnh tật và tăng khả năng chống chịu với thời tiết lạnh kéo dài bằng cách cho cá ăn đầy đủ thức ăn, đảm bảo về số lượng và chất lượng.
Cho thủy sản nuôi ăn đầy đủ, sử dụng các loại thức ăn có chất lượng cao, khẩu phần ăn phù hợp. Đồng thời bổ sung Vitamin, B – Complex để tăng sức đề kháng cho tôm, cá.
Khi nhiệt độ nước xuống dưới 18ºC, nên giảm 1/2 lượng thức ăn cho cá ăn. Khi nhiệt độ nước xuống thấp dưới 15ºC cần ngừng cho cá ăn vì ở ngưỡng nhiệt độ đó động vật thủy sản gần như ngừng bắt mồi, nếu đưa thức ăn xuống sẽ gây ô nhiễm môi trường ao nuôi. Khi nhiệt độ từ 15ºC trở lên, tranh thủ cho cá ăn vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày.
Trong suốt thời gian rét đậm, rét hại, tuyệt đối không được dùng lưới, các loại phương tiện thu tỉa để đánh bắt cá, tránh cá bị xây xát dẫn đến nhiễm bệnh.
Đối với nuôi cá lồng, cần di chuyển lồng, cá vào khu vực kín gió, che chắn bề mặt lồng nuôi bằng bạt để giữ ấm cho cá và hạn chế sương muối. Cùng đó, cần thả sâu lồng nuôi từ 1,8 – 2 m để giữ ấm cho cá; thường xuyên vệ sinh để nước không bị ô nhiễm, hạn chế gây bệnh cho cá.
Nam Cường
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc