Vụ xuân hè năm 2025, Hà Tĩnh dự kiến thả nuôi hơn 2.000 ha tôm. Thời điểm này, người nuôi tôm trên địa bàn Hà Tĩnh đang tập trung cao cho việc nâng cấp, cải tạo vệ sinh ao đầm, chuẩn bị đẩy đủ các điều kiện sẵn sàng xuống giống vụ nuôi mới.
Trên diện tích 3ha nuôi tôm, những ngày này ông Nguyễn Hải Lý phường Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh đang tập trung nhân lực để cải tạo ao đầm, nạo vét bùn đất, nâng cấp hệ thống bờ kè và xử lý ao nuôi để chuẩn bị xuống giống vụ tôm mới. Với kinh nghiệm hơn 10 năm trong nghề, theo ông Lý, sau một vụ nuôi thì toàn bộ lượng chất thải, lượng thức ăn dư thừa, mầm bệnh đều tích tụ ở đáy ao. Vì vậy, việc cần làm đầu tiên là phải cải tạo, xử lý đáy ao để chuẩn bị thả nuôi vụ mới.
Ông Lý cho biết: “So với những năm trước, năm nay việc xuống giống tôm muộn hơn. Nguyên nhân do từ giữa tháng 2 lại nay, thời tiết không thuận lợi cho công việc cải tạo ao đầm, đang còn mưa và nhiều đợt không khí lạnh. Vì thế, tranh thủ khi thời tiết tạnh ráo, chúng tôi đang huy động mọi nhân lực, vật lực, dồn sức cải tạo, xử lý ao đầm để xuống giống cho kịp vụ mới.”.
Đây là năm thứ 3, anh Nguyễn Văn Dũng ở thôn Nam Hải, xã Thạch Hải thành phố Hà Tĩnh áp dụng hình thức nuôi tôm trong ao đất lót bạt trên diện tích 03 ha, nên các công đoạn chuẩn bị cho vụ nuôi như vệ sinh bạt, dụng cụ nuôi, lắp đặt sục khí, xử lý nước đầu vào được anh thực hiện một cách thận trọng. Theo anh Dũng, vấn đề xử lý trước khi bước vào thả giống được coi là yếu quyết định thành công của vụ nuôi. Ngoài vệ sinh ao đầm thì các dụng cụ như quạt nước, xô chậu,…đều được chúng tôi xử lý bằng cách ngâm chlorine hàm lượng cao để đảm bảo diệt vi khuẩn gây hại, hạn chế mầm bệnh xảy ra khi nuôi.
Cải tạo, vệ sinh ao đầm là khâu quan trọng để hạn chế dịch bệnh phát sinh trên tôm
Còn tại cơ sở nuôi tôm công nghệ cao 3 giai đoạn của anh Đào Xuân Tĩnh ở xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên, song song với cải tạo tu sửa ao hồ, anh cùng công nhân đang tập trung chăm sóc 2 triệu tôm giống vừa thả ương trong bể để chuẩn bị san nuôi thương phẩm trong thời gian tới. Theo anh Tĩnh, đối với nuôi tôm công nghệ cao 3 giai đoạn, giai đoạn một ương tôm giống, với các yêu cầu kỹ thuật khắt khe là yếu tố quyết định đến năng suất, chất lượng vụ nuôi.
“Hiện tại cơ sở đang thả lứa tôm giống đã được hơn 2 tuần. Giai đoạn 1 chúng tôi cho ăn các loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao để tôm nhanh lớn, vượt được qua ngưỡng phát triển khi nhỏ, giúp tôm có sức đề kháng tốt, tôm không bị còi cọc, sau đó khi ổn định đưa về trạng thái cho ăn bình thường. Các ao nuôi thương phẩm cũng đã được chúng tôi tiến hành vệ sinh, các máy móc thiết bị đã chuẩn bị đầy đủ, tầm nửa tháng nữa, sẽ bắt đầu chuyển tôm ra ao nuôi thương phẩm.”. Anh Đào Xuân Tĩnh cho hay.
Cơ sở nuôi tôm của anh Đào Xuân Tĩnh đã sẵn sàng xuống giống vụ mới.
Ông Phan Xuân Đức – Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên cho biết: Xác định vụ nuôi tôm xuân hè là vụ nuôi chính nên ngay từ đầu vụ, chính quyền địa phương đã chủ động phối hợp với phòng nông nghiệp huyện, đơn vị chuyên môn của tỉnh triển khai tập huấn hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật nuôi tôm, từ khâu cải tạo ao đầm đến tư vấn về các nguồn giống, thức ăn, cách phòng trừ dịch bệnh trên tôm bằng cách lấy các mẫu tôm, mẫu nước xét nghiệm theo định kỳ để kịp thời khuyến cáo cho bà con.
Đến thời điểm này, phần lớn diện tích ao đầm nuôi tôm tại Hà Tĩnh đang được bà con gấp rút hoàn thành khâu cải tạo. Theo kinh nghiệm các hộ nuôi tôm cải tạo ao đầm, xử lý vệ sinh khu vực nuôi tôm là khâu đầu tiên và cũng là khâu quan trọng để hạn chế dịch bệnh phát sinh trên tôm. Vì vậy các biện pháp kỹ thuật phải được thực hiện kỹ càng, cẩn thận theo quy trình cụ thể.
Một trong những yếu tố quan trọng khác và quyết định đến thành bại của vụ nuôi tôm đó là chất lượng con giống. Để chọn được tôm giống tốt, trước tiên phải chọn cơ sở sản xuất cung ứng giống tôm uy tín. Tôm giống phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy kiểm dịch đảm bảo an toàn về dịch bệnh.Trước khi thả nuôi tôm phải có kích thước, màu sắc và phản xạ tốt. Tuân thủ mật độ nuôi phù hợp, theo khuyến cáo kỹ thuật nuôi tại Hà Tĩnh, đối với tôm thẻ chân trắng nuôi bán thâm canh đảm bảo 50 – 60 con/m2, nuôi thâm canh 120 – 150 con/m2, nuôi tôm công nghệ cao 150 – 180 con/m².
Các hộ nuôi tôm cần lựa chọn con giống chất lượng, thả nuôi với mật độ phù hợp để đảm bảo an toàn vụ nuôi.
Vụ xuân hè năm 2025, toàn tỉnh dự kiến thả nuôi hơn 2.000 ha tôm, chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Thời điểm này, ngành thủy sản đang tập trung hướng dẫn cho các hộ nuôi thực hiện nghiêm các quy trình ngay từ đầu vào trong nuôi trồng thủy sản, cùng với đó, thường xuyên kiểm tra môi trường nước, kịp thời cảnh báo các nguy cơ xảy ra dịch bệnh để người nuôi chủ động phòng ngừa.
Ngành chuyên môn khuyến cáo, từ tháng 3 – 4 là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết diễn biến phức tạp, gió mùa lạnh kết hợp với mưa phùn, có những thời điểm nắng nóng ban ngày nhiệt độ cao, ban đêm nhiệt độ xuống thấp kết hợp sương muối ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của đối tượng nuôi. Vì thế, khi hoàn thành thả giống, bà con nên lưu ý công tác quản lý môi trường ao nuôi, duy trì mực nước trong ao cao (1,2 – 1,5m) để hạn chế biến động nhiệt độ và các yếu tố môi trường kết hợp với tăng cường quạt nước hạn chế phân tầng nước và cung cấp đủ oxy hòa tan đảm bảo cho tôm phát triển.
Theo kế hoạch, lịch thời vụ thả giống tôm thẻ bắt đầu tháng 3 đến tháng 4, tôm sú từ tháng 3 đến hết tháng 6. Tuy nhiên, người nuôi cần theo dõi tình hình thời tiết để linh động trong việc xuống giống tôm, hạn chế vận chuyển và thả tôm giống vào thời điểm nắng nóng hay mưa lạnh nhằm đảm bảo tôm đạt tỷ lệ sống cao, phát triển tốt.
Nguyễn Hoàn
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc