Phòng trị bệnh nấm thủy mi trên lươn

Thứ ba - 18/03/2025 21:46 41 0

Tác nhân gây bệnh

Bệnh do 2 loài nấm là Saprolegnia Achlya ký sinh gây nên, những sợi nấm bám chặt vào da lươn, hút chất dinh dưỡng, làm lươn mất máu, yếu dần rồi chết.

Bệnh nấm thủy mi xảy ra ở nhiều loài cá ngọt và trứng cá, các số đối tượng nuôi đặc sản khác như lươn, baba, ếch,… đều có thể bị nhiễm bệnh nấm thủy mi. Bệnh có thể gặp ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Theo dõi mọi hoạt động thường ngày của lươn nếu thấy có dấu hiệu bất thường kịp thời xử lý ngay. Ảnh: ST

Dấu hiệu bệnh lý

Nấm nước chủ yếu ký sinh ở trên những vết thương của lươn và trên trứng lươn. Khi lươn bị phát bệnh, phần đầu của lươn bị phủ một lớp tơ khuẩn màu trắng của khuẩn nấm nước dưới dạng xơ bông. Thời kỳ đầu khi mới nhiễm bệnh ổ bệnh sẽ không thấy rõ lắm, dần dần sẽ thấy xuất hiện lớp tơ khuẩn dạng xơ bông. Sau đó hình thành lông trắng mà mắt thường có thể nhìn thấy được, phần thịt ở chỗ bị bệnh trở nên lở loét.

Trị bệnh

Thay nước trong bể chứa thường xuyên, loại bỏ những con lươn ốm nặng ra khỏi chỗ nuôi.

Ngâm lươn trong Iodine liều 2 – 5 mL/100 L nước trong thời gian 2 – 5 phút hoặc Bronopol liên tục 2 – 3 ngày, mỗi ngày 1 lần; hoặc dùng GLUTAR 500 tạt vào bể nuôi sau khi thay nước mới với liều 1 – 2 mL/m³ nước để diệt nấm và vi khuẩn gây hại.

Đồng thời bổ sung men tiêu hóa trong thời gian điều trị để cải thiện khả năng hấp thu dinh dưỡng, tăng sức đề kháng.

Phòng bệnh

Chọn mua con giống ở nơi đáng tin cậy, tốt nhất có phiếu kiểm dịch. Chọn giống có màu sắc tươi sáng, kích cỡ đồng đều. Con giống khỏe mạnh, không có các biểu hiện bệnh, không bị mất nhớt, không bị trầy xước, xây xát, không tách đàn,…

Bể nuôi lươn cần đảm bảo gần nguồn nước, đảm bảo cho việc cấp nước được dễ dàng, nguồn nước cấp cho bể nuôi lươn phải sạch không bị ô nhiễm, tốt nhất nên có bể lắng. Đảm bảo mật độ nuôi vừa phải 100 – 200 con/m² (200 – 300 con/kg).

Sử dụng thức ăn chất lượng, không bị nhiễm nấm mốc, còn hạn sử dụng. Cho ăn thức ăn công nghiệp với lượng bằng 1 – 2 % trọng lượng lươn.

Định kỳ 1 tháng kiểm tra tốc độ tăng trưởng của lươn một lần để đánh giá mức độ tăng trưởng đồng thời điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp với tăng trọng của lươn tránh thừa hoặc thiếu ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của lươn, không nên cho ăn dư thừa vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường nước nuôi.

Theo dõi mọi hoạt động thường ngày của lươn nếu thấy có dấu hiệu bất thường kịp thời xử lý ngay. Định kỳ 1 tuần/lần trộn vitamin, khoáng để tăng cường sức đề kháng cho lươn. Xử lý môi trường nước nuôi định kỳ 1 lần/tuần bằng Iodine, thuốc tím,… Thay nước 1 – 2 lần/ngày, lượng nước thay 70 – 100% lượng nước trong bể. Lưu ý kiểm tra nếu thấy nước bốc mùi hôi tanh, nước có màu đen,… cần thay nước ngay.

Mực nước trong bể tốt nhất nên duy trì ở 20 – 30 cm, nên bố trí mái che để hạn chế sự biến động môi trường nước đột ngột khi thời tiết nắng nóng hay mưa kéo dài, đồng thời tập tính của lươn là loài sống chui rúc trong các đám cỏ, rau, bèo, trong giá thể,… sống ở nơi yên tĩnh, u tối chỉ đến đêm lươn mới ra ngoài kiếm ăn vì thế cần che mát để lươn dễ thích nghi với điều kiện nuôi.

Cuối mùa Thu, đầu mùa Đông, lươn ngừng ăn rúc vào bùn ngủ Đông. Đối với việc để giống lươn con qua đông, cần phải tháo cạn nước ao nhưng phải giữ cho lớp bùn luôn ẩm ướt. Nếu nhiệt độ xuống quá thấp, cần phủ một lớp cỏ lên mặt ao để giữ ấm chống lạnh. Có một số nơi có thể để nước qua mùa đông, nhưng phải để mực nước sâu một chút để tránh kết băng làm lươn chết cóng.

Nếu nuôi lươn trong bùn, cần rút nước cạn, để bùn ẩm cho lươn nằm trong bùn, mặt bùn thả 1 lớp bèo tây che phủ. Nếu nuôi lươn trong bể hoặc bạt không bùn, cần che chắn tránh gió lùa. Dùng ống sắt uốn cong và cố định vào thành bể, dùng dây căng để định hình khung. Dùng bạt nhựa hoặc bạt nilon phủ kín toàn bộ mặt bể nuôi, trong thắp bóng sưởi 100 – 150W. Chú ý trại nào có bể chứa nước cũng phải phủ kín bể (bể chứa nước chỉ cần phủ kín không cho gió lùa vào, và cũng không cần thắp bóng sưởi). Đồng thời, tích cực bổ sung nước ấm (nước giếng khoan) vào ngày lạnh.

Lê Loan

Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập44
  • Hôm nay10,746
  • Tháng hiện tại22,320
  • Tổng lượt truy cập11,379,113
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây