Tăng giá trị
Ở Trà Vinh, cua biển là loài vật thủy sản dễ nuôi, thích nghi trong môi trường sinh thái tự nhiên, ít bệnh, sản xuất không đòi hỏi kỹ thuật cao, nguồn giống dồi dào, chi phí thấp, có thị trường ổn định.
Nhiều năm nay, người dân ở các huyện ven biển Châu Thành, Duyên Hải, Cầu Ngang, thị xã Duyên Hải chọn cua biển nuôi với nhiều hình thức, như nuôi quảng canh, nuôi ghép với tôm sú, với cá, nuôi trong hệ sinh thái rừng ngập mặn, năng suất đạt từ 0,8 – 1,2 tấn cua thương phẩm/ha/vụ.
Xã Long Khánh là một trong bốn địa bàn xã đảo của huyện Duyên Hải. Hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân chủ yếu là nuôi trồng thuỷ hải sản. Cua biển là một trong những loài thuỷ sản được đa số hộ dân lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình. Tận dụng lợi thế của địa phương, anh Trần Minh Nhật (sinh năm 1996), Đoàn viên chi đoàn ấp Cái Đôi, xã Long Khánh đã tìm hiểu trên các phương tiện xã hội, nhận thấy tiềm năng phát triển từ mô hình nuôi cua lột trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn và quyết định thử nghiệm. Sau gần 3 năm, hiện mô hình cho hiệu quả tích cực. Sản phẩm đã được cung ứng đầu ra trực tiếp cho khách hàng trong và ngoài nước. Qua đó, đã làm gia tăng giá trị từ con cua biển lên từ 1,5 – 2 lần.
Hiện, cua thịt (không cột dây) có giá khoảng 250.000 – 300.000 đồng/kg; sau khi nuôi lên cua cốm hoặc cua lột đã đưa giá trị ban đầu tăng từ 2 – 2,5 lần (giá cua cốm, cua lột khoảng 790.000 đồng/kg). Sản phẩm của cơ sở anh Trần Minh Nhật đã được UBND huyện Duyên Hải xét công nhận đạt OCOP 3 sao đối với sản phẩm cua lột (tháng 10/2023) và cua cốm – cua cơ bắp (tháng 10/2024).
Chia sẻ về quá trình nuôi, anh Trần Minh Nhật cho biết: “Để có được sản phẩm cua cốm hay cua lột, sau khi chọn nguồn cua nguyên liệu (trọng lượng 150 – 200 g/con), đảm bảo cua khỏe mạnh, được thu mua từ các hộ nuôi quảng canh sẽ chuyển vào từng hộc nuôi và chăm sóc. Từ cua nguyên liệu sang cua lột, thời gian nuôi trong hộc khoảng 15 – 20 ngày. Trong suốt quá trình nuôi phải thường xuyên kiểm tra các thông số chất lượng nguồn nước cùng nhiệt độ và sức khỏe, khả năng ăn uống của cua, để kịp thời điều chỉnh hệ thống đảm bảo môi trường sống cho cua; thức ăn chủ yếu là hải sản tươi như cá, ốc,…”.
Hướng đi mới
Theo anh Nhật, gia đình anh có khoảng 4 ha đất vuông nuôi tôm được nuôi xen cua biển. Đầu năm 2022, anh Nhật bắt đầu triển khai mô hình nuôi cua trong hộp nhựa kết hợp với hệ thống lọc nước tuần hoàn chỉ với 50 hộp nhựa. Sau 2 năm vừa nuôi, vừa học hỏi kinh nghiệm và tự mày mò, hiện nay Nhật đã mạnh dạn nhân rộng mô hình với 800 hộp nhựa, đồng thời đầu tư hệ thống lọc thải chuyên nghiệp với chi phí hơn 500 triệu đồng.
Được biết, sản phẩm của cơ sở anh Nhật chủ yếu được tiêu thụ dưới hình thức bán hàng online và hàng làm quà biếu; trong đó, đối với sản phẩm cua cốm, cua lột được vận chuyển trong ngày chủ yếu về các tỉnh Vĩnh Long, Hải Phòng và TP Hà Nội. Đối với các sản phẩm tiêu thụ ở thị trường quốc tế theo địa chỉ đặt hàng qua đơn vị phân phối ủy thác như cua cốm, cua lột sẽ được cơ sở luộc chín \, sau đó hút chân không, đóng gói gửi đi.
Hàng năm, cơ sở của anh Nhật sản xuất được khoảng 350 – 400 kg cua. Ngoài số lượng cua này, cơ sở sẽ thu mua thêm cua nguyên liệu từ các hộ nuôi quảng canh ở địa phương về để nuôi sang cua cốm và cua lột. Hàng tháng, cơ sở cung cấp ra thị trường từ 100 – 120 kg cua lột cả trong và ngoài nước. Dự kiến trong thời gian tới, cơ sở của anh Nhật sẽ liên kết với các hộ nông dân để xây dựng nguồn cua nguyên liệu, hình thành chuỗi cung ứng cua biển ra thị trường.
Mô hình của anh Nhật hứa hẹn tạo hướng đi mới, nhiều triển vọng cho nghề nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
Thanh Hiếu
Chú thích ảnh: Mô hình nuôi cua lột trong hộp nhựa của anh Nhật mang lại nhiều triển vọng cho nghề nuôi thủy sản tại địa phương. Ảnh: Quốc Khởi
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc