Ao nuôi có diện tích từ 500 m2 trở lên, tốt nhất từ 1.000 – 3.000 m². Ao gần nguồn nước ra vào, thường xuyên giữ được mực nước từ 1,2 – 1,5 m. Ao nuôi cần có cống cấp và thoát nước đặt so le để thuận tiện cho việc cấp và thoát nước. Bờ ao chắc chắn, không rò rỉ, thoáng đãng không bị cớm rợp.
Cá giống phải khỏe mạnh, đồng đều, không dị tật, không bị xây xát. Ảnh: ST
Cần tát cạn ao diệt hết cá tạp, vệ sinh xung quanh ao, kiểm tra, tu sửa lại cống cấp và thoát nước. Nếu có điều kiện nên vét lớp bùn thối dưới đáy ao chỉ để lại lượng bùn 15 – 20 cm.
Sau khi đưa lớp bùn đen ra ngoài thì tiến hành bón vôi bột ở đáy và xung quanh bờ ao để diệt khuẩn với lượng 7 – 10 kg/100 m2, rắc đều đáy và xung quanh bờ ao. Nếu ao có bùn đen, thối cần tăng lượng vôi 10 – 15 kg/100 m² sau đó dùng cào hoặc trang đảo bùn. Nếu có điều kiện thì phơi đáy ao 2 – 3 ngày.
Đối với ao mới đào cần phải thau chua 1 – 2 lần rồi bón vôi, phơi khô, khi lấy nước vào cần kiểm tra pH 6,5 – 7,5 là đạt yêu cầu.
Lưu ý: Đối với ao bị nhiễm phèn không phơi đáy ao để tránh hiện tượng xì phèn. Kiểm tra bờ ao, cống cấp, cống thoát nước tránh hiện tượng bị rò rỉ trước khi thả cá giống.
Lọc nước vào ao qua lưới có mắt dày, mực nước đạt 1 – 1,5 m, sau 3 – 5 ngày nước ao có màu xanh lá chuối non hoặc vỏ đỗ, kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi phù hợp mới tiến hành thả giống.
Lựa chọn các cơ sở cung ứng con giống thủy sản có uy tín, đảm bảo truy xuất nguồn gốc con giống, Không mua cá giống của các cơ sở không rõ ràng.
Cá giống phải đồng đều, không dị tật, không bị xây xát; hoạt động nhanh nhẹn, bơi theo đàn, phản ứng nhanh với tiếng động, ánh sáng, màu sắc sáng đẹp; không có các dấu hiệu khác về màu sắc, nghi có mầm bệnh.
Cỡ cá giống thả càng lớn thì càng đảm bảo tỷ lệ nuôi sống cao, rút ngắn được chu kỳ nuôi.
Thời vụ thả cá tốt nhất là tháng 3 và tháng 4.
Thời gian thả cá giống tốt nhất vào buổi sáng hoặc chiều mát. Tránh thả cá vào lúc trời đang mưa to hay nắng gắt có thể làm cá bị sốc nhiệt, yếu dẫn đến cá chết.
Trước khi thả cá nên tắm cho cá bằng nước muối 2% (20 g muối + 1 lít nước) trong thời gian 5 – 10 phút để loại trừ ký sinh trùng và chống nhiễm trùng các vết xây xát.
Đối với cá giống được đóng trong túi nilon thì trước khi thả nên ngâm túi đựng cá vào trong nước ao khoảng 10 – 15 phút, để nhiệt độ trong túi nilon cân bằng với nhiệt độ môi trường nước ao nuôi, tạo điều kiện cho cá làm quen với môi trường sống mới. Khi thả một tay mở miệng túi cho nước chảy từ từ vào để cá bơi tự nhiên ra, đồng thời tay còn lại vỗ trên mặt nước tạo ôxy cho cá, khi cá ra khỏi túi 1/2 – 2/3 số con mới dốc túi cho cá ra hết. Nếu có điều kiện, có thể quây lưới mắt nhỏ tại góc ao, sau đó thả cá giống vào đó và lắp máy bơm tạo dòng chảy nhẹ để tăng ôxy cho cá. Đợi khi cá ổn định mới tiến hành thả cá ra ao, thì tỷ lệ sống sẽ cao hơn.
Đối với cá giống được vận chuyển hở bằng ôtô quây bạt, trước khi thả giống cần cân bằng môi trường giữa nước ao với môi trường nước trên xe bằng cách vừa xả bớt nước trên thùng ra, đồng thời cấp thêm nước ở ao nuôi vào để cá không bị sốc môi trường, sau đó mới tiến hành thả cá từ từ.
Mật độ thả nuôi phụ thuộc vào cỡ cá dự kiến thu hoạch, khả năng đầu tư và điều kiện ao nuôi. Đối với những ao nuôi quảng canh cải tiến thì mật độ thả 0,7 – 1 con/m², thả bán thâm canh và thâm canh mật độ 2 – 3 con/m².
– Lượng thức ăn ban đầu khi thả cá về trung bình từ 0,5 – 1% trọng lượng đàn cá.
– Luôn duy trì nước ao có màu xanh nõn chuối hay màu xanh vỏ đỗ.
– Cần thường xuyên kiểm tra bờ ao, đăng cống xem có bị rò rỉ không để kịp thời tu sửa, nhất là vào mùa mưa lũ, mực nước dâng cao.
– Định kỳ 20 – 25 ngày/lần thay nước vào ao để tạo môi trường tốt cho cá, với lượng nước bằng 1/3 lượng nước có trong ao.
– Hạn chế sử dụng hóa chất có thể gây sốc để sát trùng ao nuôi trong giai đoạn đầu sau khi thả cá.
– Cần thường xuyên quan sát tình trạng cá xem có biểu hiện bất thường gì không, để xử lý kịp thời, đặc biệt vào ban đêm và sáng sớm khi lượng ôxy hòa tan trong ao thấp, cá dễ nổi đầu.
Thanh Hiếu
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc