Cấp thiết gia hóa tôm sú

Thứ ba - 14/01/2025 19:54 22 0

Nhiều ưu điểm

Tôm sú, tên khoa học là Penaeus monodon, là một loại tôm được ưa chuộng khắp thế giới. Tôm sú được biết đến là loài tôm biển, phân bố trải dài từ bờ Đông Châu Phi đến tận bờ biển Nhật Bản. Ở một số vùng biển Đông Úc, Địa Trung Hải, Hawaii và bờ biển Đại Tây Dương của Mỹ cũng xuất hiện loài tôm này nhưng với số lượng không nhiều.

Tôm sú có kích thước lớn, trung bình dài khoảng 36 cm mỗi con và đồng thời khối lượng cũng lớn hơn so với các loại tôm khác, lên đến 650 g/con. Vỏ tôm dày gồm nhiều màu như đỏ, nâu, xám, xanh đan xen. Thịt tôm sú cũng dai và chắc hơn so với tôm thẻ chân trắng.

So với tôm thẻ chân trắng, tôm sú có ưu điểm là khả năng chống chịu với cả EMS/AHPND (hội chứng hoại tử gan tụy cấp trên tôm) và EHP (tổn thương thành ruột, gây nên tình trạng chậm lớn thường gặp ở tôm thẻ chân trắng).

Robins McIntosh – Phó chủ tịch cấp cao của CP Foods chia sẻ tại một Diễn đàn nuôi tôm Toàn cầu: “Tại Việt Nam, hoặc Ấn Độ, hoặc Thái Lan trong khi tôm thẻ chân trắng có tình trạng chết hàng loạt và không phát triển tốt, bạn đưa tôm sú vào và chúng dường như có sự sinh trưởng tốt hơn, vì thế đó chính là động lực rất lớn để đưa tôm sú vào trong quy trình nuôi. Chúng chỉ cần vốn đầu tư ít, không cần phải lót bạt, máy sục khí có công suất lớn, bạn cũng không cần phải thực hiện các kỹ thuật nâng cấp như đối với loài tôm chân trắng, vì vậy có nhiều hơn các hộ nuôi tôm sẽ thực hiện được. Và đặc biệt, tôm sú cũng có giá trị rất tốt trên thị trường”.

Tốc độ tăng trưởng tăng dần

Nghề nuôi tôm thực sự bắt đầu ở Châu Á vào khoảng năm 1985, với đối tượng đầu tiên là tôm sú, có nguồn gốc từ tôm bố mẹ và tôm giống hoang dã. Tuy nhiên, sau đó, tôm sú bắt đầu lép vế và được thay thế bằng tôm thẻ chân trắng nhập khẩu. Nguyên nhân là do di truyền tôm sú kém, dẫn đến tốc độ tăng trưởng và kích thước giảm.

Đến năm 2002 nghề nuôi tôm sú dần đi xuống, dẫn đến nhiều sự thay đổi. Theo đó, tôm thẻ chân trắng dần được nuôi phổ biến nhờ khắc phục được những nhược điểm của tôm sú.

Trước thực tế đó, một số công ty như  CP (2003), Mona (2001) đã bắt đầu nghiên cứu đến việc gia hóa tôm sú.

“Việc gia hóa loài tôm sú thật sự khó hơn rất nhiều so với dự đoán của bất kỳ ai. Đối với loài tôm thẻ chân trắng, mọi thứ đã có sẵn bạn chỉ cần nhập về, sau đó tiếp tục nuôi dưỡng và tuyển chọn. Tuy nhiên, đối với loài tôm sú phải mất đến tám thế hệ mới có thể tiến hành lựa chọn được”, ông McIntosh chia sẻ.

Để thiết lập một chương trình tôm sạch mầm bệnh (SPF – Specific Pathogen Free programme), Công ty CP đã phải đảm bảo tôm bố mẹ sạch bệnh đã được cải tiến nguồn gen di truyền nhiều nhất có thể từ các cá thể trong phạm vi của loài. Sau khi được gia hóa, sau khoảng tám hoặc chín năm, chúng đã được bắt đầu thực hiện chương trình tuyển chọn tôm bố mẹ tại trung tâm sản xuất giống ở Thái Lan. Đến thế hệ thứ 14, McIntosh đã có thể lập biểu đồ để chỉ ra rằng tỷ lệ sống được gia tăng từ khoảng 30% lên đến 85%. Và, chỉ khi năng suất được cải thiện, chúng mới được đón nhận bởi người nuôi tôm.

Những quốc gia đã tận dụng các dòng tôm sú mới được gia hóa gồm có Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Malaysia, Bangladesh và Madagascar, CP ghi nhận tốc độ tăng trưởng của loài này lên đến 42% kể từ năm từ năm 2019 đến năm 2021.

Không ngừng hoàn thiện

Tại Việt Nam, gia hóa tôm sú bố mẹ là một việc làm hết sức cần thiết, tôm sú là một đối tượng chiến lược của nước ta trong nhiều năm qua và chỉ khi nào chúng ta thành công chương trình này thì mới đảm bảo được nguồn tôm giống sạch bệnh, không lệ thuộc vào nguồn tôm bố mẹ tự nhiên có nguy cơ mang mầm bệnh.

Chính vì nguyên nhân trên, ngay từ năm 1998, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 (RIA 2) đã có chương trình nghiên cứu về việc khép kín vòng đời tôm sú trong điều kiện nhân tạo bằng hình thức nuôi nhiều giai đoạn trong những hệ thống nuôi khác nhau nhưng đều không thành công. Đến năm 2007, việc thay đổi hệ thống nuôi theo nghiên cứu của tổ chức CSIRO (Australia) và các thay đổi về mặt dinh dưỡng đã có những thành công bước đầu. Từ năm 2008 đến nay, RIA 2 đã không ngừng hoàn thiện quy trình gia hóa này (nguồn kinh phí chủ yếu từ Bộ NN&PTNT).

Hiện nay, ngành thủy sản đã đưa ra nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm trong phát triển tôm giống. Theo đó, tập trung thực hiện Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030. Nghiên cứu, gia hóa và chọn tạo tôm sú bố mẹ, tôm thẻ chân trắng bố mẹ tăng trưởng nhanh, có khả năng kháng một số bệnh thường gặp để chủ động nguồn cung cho các cơ sở sản xuất.

Ngành thủy sản xác định, tôm bố mẹ có vai trò then chốt trong chuỗi sản xuất tôm nước lợ, vì vậy trong nước cần chủ động nguồn tôm bố mẹ để hạn chế phụ thuộc tự nhiên và nguồn nhập khẩu. Các địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển sản xuất tôm giống cần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng để cung cấp cho nhu cầu thả nuôi của người dân.

Cùng với đó là phải điều chỉnh các nhiệm vụ khoa học công nghệ để tập trung nguồn lực, lựa chọn đơn vị đủ năng lực giao nhiệm vụ nghiên cứu lâu dài về chọn tạo giống tôm nước lợ, đặc biệt là tôm sú để phù hợp với mỗi tiểu vùng sinh thái của nước ta. Cần chọn tạo tôm giống theo hướng: Sạch bệnh, tăng trưởng nhanh và kháng bệnh, tăng trưởng nhanh. Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các đơn vị nghiên cứu để đưa nhanh sản phẩm vào thực tế sản xuất.

Nguyễn Hằng

 

Chú thích ảnh: Chương trình sinh sản tôm sú của CP đã cho thấy tỷ lệ sống tăng từ khoảng 30% lên đến 85%. Ảnh: Thefishsite

Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay2,999
  • Tháng hiện tại31,771
  • Tổng lượt truy cập10,882,380
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây