Nuôi tôm mùa mưa: Bí quyết phòng tránh dịch bệnh và tăng năng suất

Thứ ba - 06/08/2024 21:33 36 0

Chuẩn bị ao nuôi

Ở các vùng đất phèn, mưa lớn sẽ gây rửa trôi phèn từ đáy ao và bờ/rãnh. Để hạn chế xì phèn trong ao nuôi tôm mùa mưa cần đầu tư lót bạt đáy, bạt bờ cho ao nuôi. Cải tạo ao thật kỹ, đối với ao nhiễm phèn tiềm tàng không nên phơi đáy ao quá lâu sẽ gây ra các vết nứt dẫn đến xì phèn.

Giai đoạn thả giống

Nên thả tôm giống vào buổi sáng. Bởi thời điểm này, mưa thường xuất hiện vào buổi trưa chiều hoặc buổi tối, rửa  trôi phèn trên bờ xuống ao. Khi đó, pH ao nuôi sẽ giảm và khả năng gây tỷ lệ chết cao cho tôm giống vì chúng mới được thả nên khả năng thích nghi kém sau quá trình vận chuyển. Bón vôi CaCO3 thường xuyên trên bờ ao sẽ giảm thiểu vấn đề này.

Nuôi tôm mùa mưa

Lót bạt đáy, bạt bờ cho ao nuôi để hạn chế xì phèn trong ao nuôi tôm mùa mưa. Ảnh: ST

Hiện tượng tôm nổi đầu

Sau khi mưa lớn, quan sát thấy tôm trên bề mặt ao, đặc biệt là ở các vùng nuôi đất phèn hoặc trong ao cũ hoặc sâu có tuần hoàn nước kém. Lượng mưa lớn có thể khiến cho pH nước trong ao giảm, thường pH ở khoảng 8, pH của nước mưa thường ở khoảng 6,5 – 7. Mưa sẽ trực tiếp làm giảm pH khoảng 0,3 – 1,5 trong một thời gian rất ngắn, gây ra sự giảm sút ngay lập tức hoạt động của thực vật phù du. Điều này cũng đồng nghĩa là độc tính của khí Hydrogen Sulfide (H2S) tích tụ ở đáy ao tăng lên, khiến cho tôm yếu và nổi lên bề mặt. Để giải quyết vấn đề này, hòa vôi rải đều khắp ao để tăng pH nước trên 7,5. Sau đó giảm lượng thức ăn cho đến khi quan sát thấy tôm bình thường trong các sàng ăn. 

Tăng ôxy hòa tan 

Trong ao nuôi tôm mùa mưa, thường có hai nguồn ôxy hòa tan (DO): từ các máy sục khí và từ thực vật phù du. Trong suốt giai đoạn mưa kéo dài, hoạt động của thực vật phù du sẽ chậm lại vì có ít ánh sáng mặt trời. Việc này là không mong muốn; tuy hoạt động của tôm giảm do những thay đổi nhiệt độ nhưng nhu cầu ôxy của tôm vẫn còn cao hoặc như bình thường. Các sục khí cung cấp ôxy hòa tan và nếu nước không được trộn đều đúng cách, hiện tượng phân tầng nước ao sẽ xảy ra. Lớp nước ngọt (phân tầng) trên bề mặt ao khiến cho ôxy khó hòa tan vào phần nước còn lại. Mức DO có thể giảm từ 4 ppm xuống 2 ppm và sau đó đến 1,5 ppm trong nửa giờ nếu không hành động ngay lập tức. Vì vậy, trong giai đoạn này, quạt nước cần được đảm bảo vận hành một cách tối đa.

Độ trong cao

Vấn đề này thường tồn tại ở các khu vực đất phèn hoặc đất cát, chủ yếu do độ kiềm thay đổi nhanh chóng và mức CO2 trong nước ao tôm sau khi mưa lớn, khiến quần thể thực vật phù du giảm đột ngột. Để giải quyết vấn đề này, nước ao nên được gây màu lại hoặc bổ sung nước xanh có chứa mật độ tảo dày từ ao gần kề, kênh mương tháo nước. Tiếp đó nên sử dụng vôi CaCO3 hàng ngày hoặc hai ngày/lần cùng với bón phân. 

Loại bỏ chất rắn lơ lửng

Ở khu vực đất cát hoặc cát, sẽ luôn có nhiều hạt keo lơ lửng trong ao sau khi mưa lớn. Để loại bỏ các hạt rắn lơ lửng này, nên tháo nước nhiều và tiếp theo sử dụng vôi với lượng 62 – 125 kg/ha/ngày không sục khí vào ban ngày. Nếu các hạt này vẫn còn trong vòng 2 – 3 ngày, nên dùng chất tạo kết tủa trước khi thay nước. Cùng đó, người nuôi cũng cần  giảm cho ăn khoảng 20 – 50% vì chất tạo kết tủa có thể ảnh hưởng việc cho tôm ăn.

Xử lý bệnh mềm vỏ

Ở các khu vực đất phèn và độ kiềm thấp (dưới 50 ppm), đặc biệt là sử dụng nước từ các kênh rạch, tôm có thể mềm vỏ, không thể lột vỏ và có các chân ngực bất thường. Để khắc phục, kiểm tra và điều chỉnh pH: Sử dụng vôi bột hoặc các chất điều chỉnh pH để giữ độ pH của nước ao nuôi trong khoảng 7,5 – 8,5. Điều này giúp tôm tránh được tình trạng sốc do thay đổi pH đột ngột. Cần bổ sung canxi và magie bằng cách sử dụng các sản phẩm khoáng chất chuyên dụng hoặc vôi Dolomite. Cách này giúp đảm bảo tôm có đủ khoáng chất cần thiết để lột xác và hình thành vỏ mới. Chọn thức ăn có chứa các khoáng chất thiết yếu hoặc bổ sung thêm các chất bổ sung khoáng vào khẩu phần ăn của tôm để tăng cường sức khỏe và khả năng lột xác. Cho tôm ăn vào thời điểm nước ao ổn định, tránh cho ăn ngay sau mưa lớn để tôm có thể thích nghi với môi trường mới trước khi tiêu hóa thức ăn. Sau mưa, thực hiện thay nước một phần để loại bỏ nước mưa bị ô nhiễm và duy trì chất lượng nước ổn định.

Thanh Hiếu

(Tổng hợp)

Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập37
  • Hôm nay7,541
  • Tháng hiện tại122,139
  • Tổng lượt truy cập9,935,740
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây