Sơn La: Hướng tới nuôi thủy sản bền vững

Chủ nhật - 10/12/2023 21:30 236 0

Sơn La có tiềm năng rất lớn để đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản với hồ thủy điện Sơn La (13.000 ha), hồ thủy điện Hòa Bình (13.000 ha) cùng nhiều thủy điện nhỏ và vừa (600 ha); khoảng 5.000 ha ruộng nước có thể kết hợp nuôi cá, và 35 sông, suối lớn nhỏ có thể nuôi thả các loài thủy sản. 

Sơn La tận dụng tốt diện tích lòng hồ để nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Quốc Hưng

Nhiều năm gần đây, ngành thủy sản tỉnh Sơn La đã có những bước phát triển đáng kể. Từ chỗ chỉ là nghề phụ, mang tính tự cấp tự túc, hiện nay nuôi trồng thủy sản trong tỉnh đã trở thành ngành sản xuất hàng hoá tập trung với nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá tầm…Đặc biệt, mô hình nuôi cá tầm là bước đột phá lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản của Sơn La đang gặp nhiều khó khăn như: tỉnh chưa có cơ sở, nhà máy chế biến sản phẩm thủy sản; Hệ thống giao thông tại những khu vực có khả năng phát triển nuôi cá nước ngọt còn hạn chế, dẫn đến giá thành sản phẩm cao; Liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ hàng hóa theo chuỗi giá trị sản phẩm còn hạn chế, giá cả bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thị trường tự do; Các loài cá đặc sản như cá tầm vốn đầu tư ban đầu lớn, chưa hoàn toàn chủ động được công nghệ sản xuất giống và thức ăn nên còn manh mún, nhỏ lẻ, diện tích không đáng kể so với tiềm năng…

Nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Để hướng tới phát triển bền vững, tỉnh Sơn La đã đề ra Định hướng phát triển nuôi trồng thuỷ sản hồ chứa giai đoạn 2025 – 2030. Trong đó tỉnh đặt mục tiêu: Kiện toàn, củng cố cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ nuôi trồng và phát triển nguồn lợi thủy sản trong giai đoạn mới từ tỉnh đến các địa phương; trọng tâm là các huyện có tiềm năng phát triển thủy sản như Quỳnh Nhai, Mường La, Phù Yên, Vân Hồ; Hình thành hệ thống cung ứng con giống tốt đảm bảo uy tín, chất lượng; Quản lý tốt việc khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La; Đổi mới phương thức tổ chức sản xuất trong ngành thủy sản, gắn với việc đào tạo nghề, tạo việc làm, thu nhập cho người dân theo hướng: Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ; người dân liên kết nuôi trồng, khai thác và tiêu thụ các sản phẩm thủy sản.

Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng cảng cá, vùng sản xuất giống thủy sản tập trung, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao; Hình thành mạng lưới dịch vụ hiệu quả chất lượng cao phục vụ phát triển thủy sản; Ban hành cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng thử nghiệm các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản gắn với bảo vệ môi trường…

>> Theo Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La, tổng sản lượng thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2023 của Sơn La ước đạt 7.182 tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích nuôi trồng thủy sản 2.981 ha, tăng 2,0% so với cùng kỳ 2022; tổng số 6.772 lồng nuôi. 

Minh Khuê

Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay22,652
  • Tháng hiện tại253,611
  • Tổng lượt truy cập8,106,876
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây