Đó là mô hình của anh Ngô Sỹ Quân (SN 1991, trú xóm 6, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An ). Đầu năm 2021, anh Quân bắt tay xây 22 bể vuông, mỗi bể rộng khoảng 6m2, lát gạch xung quanh và đáy bể để nuôi lươn thương phẩm.
Chàng nông dân lúc này chọn mua 10.000 con giống lươn bán nhân tạo, với đủ các loại kích cỡ từ 500 – 2.000 con/kg ở phía Nam về thả nuôi. Nhờ áp dụng quy trình nuôi khoa học, đàn lươn bắt đầu thích nghi, phát triển tốt.
Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Quân phát triển tốt.
“Lươn khá mẫn cảm với môi trường nước trong bể nên mỗi ngày phải thay nước 2 lần theo khung giờ sáng và chiều. Vào mùa hè phải tạo không gian thoáng mát, còn mùa đông phải che chắn để lươn đủ độ ẩm phát triển”, anh Quân chia sẻ.
Chủ trại lươn thương phẩm nói rằng, nguồn nước nuôi lươn cần được đảm bảo độ sạch . Vì vậy, ngay từ lúc lấy nước từ kênh mương vào bể, anh phải xử lý qua các hệ thống lọc có chứa than, cát, đá nhằm lọc các thành phần tạp chất như phèn sắt, NH3, NH4.
Ngoài ra, để tránh lươn bị các bệnh như sốt xuất huyết đường ruột, nấm, đi ngoài… người nuôi cần chú ý sử dụng kháng sinh phù hợp, hòa lên bề mặt bể.
Theo anh Quân, điều đặc biệt ở trang trại lươn còn ở việc anh cho lươn nghe nhạc mỗi ngày giúp con vật quen âm thanh lạ, tránh sốc tiếng động sẽ dẫn đến đột tử.
Sau gần 1 năm chăm sóc, đàn lươn thương phẩm của anh đạt trọng lượng 0,3-0,4 kg/con, chiều dài khoảng 60 cm. Lúc này, lươn được thương lái tới mua và xuất bán ra các tỉnh phía Bắc.
“Mỗi năm trang trại gia đình xuất bán 6-7 tấn lươn thịt. Với giá lươn thịt khoảng 170.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi bể nuôi còn cho lãi 30 – 35 triệu đồng. Do lươn được nuôi luân phiên nên luôn đáp ứng có sản phẩm cho thị trường”, anh nói.
Chàng nông dân cho biết sắp tới sẽ mở rộng quy mô nuôi lươn không bùn và chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật cho người dân địa phương khi có nhu cầu nuôi lươn.
Đức Phúc - Cảnh Huệ
Ý kiến bạn đọc