Phòng bệnh đốm đỏ trên cá trắm cỏ

Thứ tư - 08/02/2023 22:21 775 0
Phòng bệnh đốm đỏ trên cá trắm cỏ

 Đốm đỏ là bệnh nguy hiểm thường gặp của cá trắm cỏ. Nếu không được xử lý kịp thời có thể gây thiệt hại lớn cho người nuôi.

Nguyên nhân

Bệnh do các loài vi khuẩn Aeromonas di động, bao gồm A.hydrophyla, A.caviae, A.sorbria. Các vi khuẩn Aeromonas di động đều phân lập được từ cá nước ngọt nhiễm bệnh, thường gặp nhất là loài A. hydrophila. Ngoài ra có thể gặp vi khuẩn gram âm Pseudomonas fluorescens. Bệnh thường xuất hiện ở những ao nuôi có chất lượng môi trường kém.

 

Đặc điểm dịch tễ

Bệnh thường gặp ở cá trắm cỏ trên 1 tuổi. Bệnh có thể xuất hiện quanh năm nhưng thường gặp vào 2 mùa chính là tháng 3 – 4 và tháng 7 – 8.

Bệnh có mặt ở hầu hết các vùng lãnh thổ trên thế giới. Lan truyền theo chiều ngang, lây nhiễm giữa cá bệnh sang cá khỏe thông qua tiếp xúc hoặc nguồn nước.

Các dấu hiệu lâm sàng quan sát được trên cá trắm cỏ bị nhiễm vi khuẩn Aeromonas hydrophila ((A, B) Vết loét trên da cá xuất hiện trong thử nghiệm cảm nhiễm vi khuẩn Aeromonas hydrophila. (C, D) Cá nuôi bị xuất huyết trên thân khi nhiễm bệnh)

 

Dấu hiệu

Khi cá mới nhiễm bệnh thường giảm ăn, bỏ ăn, bơi lờ đờ trên mặt nước quanh ao vào các buổi sáng. Trên thân cá xuất hiện những vết loét đỏ, vẩy rụng.

Cá bệnh nặng các gốc vây xuất huyết, tia vây rách nát cụt dần, vẩy rụng bong ra, các đốm đỏ xuất huyết, viêm tấy và loét rộng ra ăn sâu vào cơ thể gây mùi hôi thối, xung quanh vết loét có nấm, ký sinh trùng, mắt cá lồi đục, hậu môn viêm sưng tấy xuất huyết bụng trương to.

Giải phẫu nội tạng: Xoang bụng xuất huyết, có chứa nhiều dịch nhờn mùi hôi thối. Gan tái nhợt, mật sưng to, thận sưng, ruột, dạ dày, tuyến sinh dục, bóng hơi đều xuất huyết.

Cá bị bệnh từ 1 – 2 tuần có thể chết với tỷ lệ từ 30 – 40%.

 

Trị bệnh

Đối với cá giống: Tắm cho cá bằng Oxytetracycline, Streptomycine nồng độ 20 – 50 g/m3 nước trong 1 giờ. Tùy vào phản ứng của cá mà có thể giảm thời gian tắm.

Đối với cá thịt: Dùng kháng sinh trộn vào thức ăn. Dùng thuốc KN-04-12 liều dùng 4 g/kg cá/ngày. Cho ăn liên tục trong 5 – 7 ngày. Với kháng sinh từ ngày thứ 2 liều dùng giảm 1/2 so với ngày đầu.

Khử trùng nước ao nuôi cá bằng 1 trong các thuốc sát trùng sau: BKC, Benkocid, VICATO hoặc nước vôi trong. Nghiền tỏi phun vào cỏ (500 g tỏi/100 kg cá/ngày). Hoặc phun kháng sinh (Oxytetracycline hoặc Sulfamid kết hợp Trimethoprim với liều 1 g/20 kg cá/ngày) vào cỏ cho cá ăn 5 ngày liên tục. Sau đó, dùng chế phẩm vi sinh trong NTTS với liều lượng theo nhà sản xuất để xử lý nước ao nuôi.

Sau khi dùng kháng sinh cần sử dụng sản phẩm giải độc gan + men tiêu hóa trong 7 – 10 ngày để tăng cường hệ tiêu hóa và chức năng gan, mật của cá.

 

Phòng bệnh

Khi cá bị bệnh thì việc chữa trị gặp rất nhiều khó khăn, do đó người nuôi cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho cá.

Ao nuôi cần được thiết kế hệ thống ao cấp nước, quạt nước, sục khí để cung cấp ôxy và nước sạch kịp thời khi ứng phó với biểu hiện như cá nổi đầu… Thường xuyên theo dõi chất lượng nước ao qua các thông số môi trường (độ trong, ôxy hòa tan, pH, màu nước…) để kịp thời điều chỉnh.

Mỗi vụ nuôi cần có thời gian tẩy trùng ao, lồng nuôi, giống thả phải đạt kích cỡ và không có mầm bệnh, mật độ thả nuôi phù hợp (dưới 2 con/m2).

Định kỳ 2 tuần/lần thay nước, nếu ao cạn thì bơm thêm nước, đảm bảo mực nước ổn định từ 1,5 – 2 m.

Trong quá trình nuôi thường xuyên khử trùng môi trường nước bằng vôi với liều lượng 2 kg/100 m3, hòa loãng với nước tạt đều khắp ao từ 1 – 2 lần/tháng. Đối với lồng nuôi cá thường xuyên treo túi vôi đầu nguồn nước, liều lượng 2 – 4 kg/100 m3 nước lồng.

Trong khẩu phần ăn hàng ngày giảm lượng thức ăn xanh, tăng thức ăn tinh, cho ăn đầy đủ không để cá bị đói và bổ sung các loại Vitamin C, B.Complex. Đặc biệt tăng cường chất dinh dưỡng trước thời gian chuyển mùa và trong mùa phát bệnh.

Trước mùa dịch bệnh, nên bổ sung thêm thuốc phòng bệnh. Có thể dùng thuốc Tiên đắc trộn vào viên thức ăn ẩm với liều lượng 100 g/500 kg cá/ngày. Cho ăn trong 3 ngày liên tục. Khi quan sát thấy cá có biểu hiện mắc bệnh cần xử lý sớm.

Định kỳ 7 – 15 ngày/lần sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý ao nuôi, liều lượng là tần suất sử dụng tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng ao, thời gian nuôi và loại chế phẩm sử dụng. Chế phẩm có tác dụng phân giải mùn đáy ao, hạn chế sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh và giữ môi trường nuôi ổn định.

Vào thời điểm thời tiết thay đổi, cần sử dụng máy phun mưa hoặc máy bơm để tăng cường hàm lượng ôxy hòa tan trong ao.

Thái Thuận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập122
  • Hôm nay16,780
  • Tháng hiện tại327,355
  • Tổng lượt truy cập7,693,670
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây