Kỹ thuật nuôi thâm canh cá nước ngọt

Thứ hai - 24/10/2022 04:44 1.077 0
Kỹ thuật nuôi thâm canh cá nước ngọt

Nuôi các loại cá nước ngọt truyền thống khá đơn giản, không phải bỏ quá nhiều công chăm sóc, thức ăn dễ kiếm, chi phí thấp mà hiệu quả kinh tế lại cao.

Điều kiện ao

Ao nuôi không bị cớm rợp, có diện tích khoảng 200 – 3.000 m2. Bờ ao chắc chắn, không bị rò rỉ, giữ được mức nước trong ao ổn định. Bờ phải cao hơn mức nước cao nhất 50 cm. Có cống cấp và cống thoát riêng biệt. Nguồn nước cấp vào phải chủ động, không bị ô nhiễm. Mức nước trong ao khoảng 1 – 1,5 m là tốt nhất.

Hệ thống quạt nước giúp cung cấp nguồn ôxy cho cá . Ảnh: ST

Cải tạo ao

Đối với ao nuôi mới: Cấp và tháo nước vào ao từ 2 – 3 lần để rửa ao, bón vôi giúp ổn định pH đất lượng bón tùy thuộc vào pH của đáy ao, khoảng 7 – 10 kg/100 m2, thay nước ra nước vào khoảng 1 – 2 lần nữa sau đó lấy nước vào ao. Tiến hành đo pH nếu ổn định ở mức trên 6,5 thì gây màu nước.

Đối với ao nuôi cũ: Tát cạn nước ao, tu sửa bờ cống cấp thoát nước, vét bùn đáy chỉ để lại mức 20 cm bùn đáy, san phẳng đáy giúp sinh vật đáy phát triển tốt và tiện thu hoạch. Dùng vôi bột (vôi tỏa) rắc đều đáy và quanh bờ ao nhằm làm môi trường đáy tơi xốp, diệt ký sinh trùng gây bệnh, giúp động vật đáy phát triển tạo cơ sở thức ăn cho cá, giúp pH, môi trường nước luôn ổn định. Lượng vôi bón tùy thuộc vào pH đất, với ao đất thịt không chua pH ≥ 6,5 bón 7 – 10 kg/100 m2, ao đất sét, chua bón 10 – 15 kg/100 m2 nếu ao bị ô nhiễm có thể bón đến 20 kg/100 m2 sau đó tháo nước vào tháo rửa 1 – 2 lần. Tiếp theo tiến hành phơi ao, thời gian phơi ao phụ thuộc vào thời tiết để đảm bảo ao có phơi khô. Thời gian phơi đáy tối thiểu 7 ngày. Tiêu chuẩn ao sau khi phơi: đáy ao khô, nứt chân chim (Lưu ý: nếu đáy ao bị nhiễm phèn thì chỉ nên phơi khô đáy ao không phơi nứt chân chim). Cấp nước vào ao phải được lọc qua túi lọc gắn vào cửa cống hoặc đầu ra của máy bơm, để tránh cá tạp, cá dữ xâm nhập vào ao. Khi lấy nước vào cần kiểm tra các yếu tố môi trường nước. Khi nước nước đạt từ 1 – 1,5 m tiến hành bón phân gây màu nước, sau 3 – 5 ngày nước ao có màu xanh lá chuối non hoặc vỏ đỗ thì tiến hành thả giống.

Con giống

Lựa chọn các cơ sở cung ứng con giống thủy sản có uy tín, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc con giống, có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất giống thủy sản.

Khi chọn giống, quan sát cá giống phải đồng đều, không dị tật, không bị xây xát; hoạt động nhanh nhẹn, bơi theo đàn, phản ứng nhanh với tiếng động, ánh sáng, màu sắc sáng đẹp; không có các dấu hiệu khác về màu sắc, nghi có mầm bệnh.

Cỡ cá giống thả có vai trò rất quan trọng, giống càng lớn thì càng đảm bảo tỷ lệ nuôi sống cao, rút ngắn được chu kỳ nuôi; Kích cỡ giống thả tối thiểu theo quy định, thông thường chiều dài từ 6 – 12 cm.

Người nuôi cần tuân thủ thả giống theo lịch thời vụ của Sở NN&PTNT hàng năm. Nên tranh thủ thả sớm, thả từ tháng 3 – 5 (Dương lịch).

Thả giống: Cá giống được thả vào sáng sớm hoặc chiều mát, thả từ từ để cá thích nghi với môi trường ao nuôi. Trước khi thả tắm cho cá bằng dung dịch nước muối 2 – 3% trong thời gian 5 – 10 phút.

Chăm sóc và quản lý

Tùy theo điều kiện nuôi để chọn loại thức ăn phù hợp, có thể sử dụng toàn bộ thức ăn công nghiệp hoặc sử dụng vào các tháng đầu và cuối, còn những tháng giữa vụ cho ăn thức ăn tự chế từ nguồn phụ phẩm tại chỗ và rau. Cá nhỏ cho ăn thức ăn có hàm lượng đạm cao và giảm dần khi cá lớn. Cá nhỏ cho ăn với lượng 5 – 7% trọng lượng thân, cá lớn cho ăn 2 – 3% trọng lượng thân.

Sau 6 tháng nuôi, có thể tiến hành thu tỉa hoặc thu hoạch toàn bộ. Ảnh: ST

Đối với những ao nuôi cá trắm cỏ là chính, cần làm khung chứa thức ăn xanh. Hàng ngày cho thức ăn vào trong khung với lượng phụ thuộc vào sức ăn của cá.

Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học bón vào ao nuôi.

Với ao nuôi thâm canh, cần sử dụng quạt nước để nâng cao hiệu quả.

Hàng ngày thăm ao vào sáng sớm. Nếu thấy nước ao cạn dưới mức quy định thì kiểm tra lại bờ, cống ao và cấp thêm nước. Luôn duy trì độ trong ở mức 30 – 40 cm để đảm bảo lượng thức ăn tự nhiên và ổn định môi trường trong ao.

Theo dõi hoạt động của cá nếu thấy cá nổi đầu không bình thường thì phải ngừng bón phân và cấp thêm nước vào ao. Thường xuyên dọn sạch cây, cỏ xung quanh bờ ao. Trước khi cho cá ăn lần mới phải vớt hết thức ăn thừa, xác cây phân xanh lên bờ.

Định kỳ 15 ngày/lần hòa vôi vào nước té đều lên mặt ao với lượng 1 – 2 kg/100 m3.

Mỗi tháng cần sục bùn đáy ao một lần. Không sục bùn khi cá đang nổi đầu, thời tiết xấu. Nên sục bùn từng phần của ao (Lần đầu thực hiện với 1/2 diện tích ao, lần hai tiến hành sục diện tích còn lại. Lần một cách lần hai 2 – 3 ngày). Trước và sau mỗi trận mưa nên rải vôi bột quanh bờ ao và hòa vôi vào nước té xuống ao.

Thu hoạch

Sau thời gian 6 tháng nuôi, tùy thuộc vào nhu cầu thị trường để tiến hành thu hoạch. 

Ngừng bón phân trước khi thu hoạch 4 – 5 ngày. Ngừng cho cá ăn trước khi thu 1 ngày.

Có thể thu hoạch cá thịt bằng cách đánh tỉa những con lớn hoặc thu hoạch một lần khi cá đạt kích cỡ đồng đều.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập17
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm16
  • Hôm nay18,193
  • Tháng hiện tại404,252
  • Tổng lượt truy cập7,770,567
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây