KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHUYÊN ĐỀ “Ứng dụng KHCN hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Chim vây vàng (Trachinotus blochii Lacepède, 1801) trong ao đầm nước lợ tại Nghệ An”

Thứ sáu - 13/01/2023 04:49 3.455 0
KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHUYÊN ĐỀ “Ứng dụng KHCN hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Chim vây vàng (Trachinotus blochii Lacepède, 1801) trong ao  đầm nước lợ tại Nghệ An”
I - ĐẶT VẤN ĐỀ
Nghệ An có tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là 1.648.729 ha, ngoài ra, hải phận Nghệ An rộng 4.230 hải lý vuông. Từ độ sâu 40m trở vào đáy tương đối bằng phẳng, là nơi tập trung nhiều loài thuỷ hải sản có giá trị kinh tế cao. Diện tích tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh Nghệ An khoảng 59.369 ha bao gồm trên 57.000 ha nuôi nước ngọt và gần 2.000 ha nuôi mặn lợ. Toàn tỉnh có khoảng 71.650 lao động làm việc trong lĩnh vực thuỷ sản. Trong đó có trên 34.500 lao động trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản.
Hiện nay, sự phát triển ồ ạt của phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng đã làm cho môi trường bị ô nhiễm nặng nề, tình hình dịch bệnh xảy ra trên tôm nuôi ngày càng diễn biến phức tạp khó lường. Có nhiều vùng nuôi tôm hiện đang phải bỏ hoang do bị ô nhiễm nặng. Vấn đề cấp thiết đặt ra là phải tìm ra giải pháp hiệu quả để cải thiện tình hình trên. Các mô hình nuôi ghép tôm với các đối tượng nuôi khác như cua, cá rô phi, cá dìa, cá kình… đã được áp dụng nhằm giảm thiểu tình hình ô nhiễm môi trường và dịch bệnh trên tôm nuôi.
Tuy nhiên, để phát triển nuôi trồng thủy sản mặn lợ bền vững cần tìm ra được các đối tượng nuôi đảm bảo về mặt hiệu quả kinh tế, môi trường và tính bền vững lâu dài. Việc chọn đối tượng nuôi có ý nghĩa rất quan trọng trong nghề nuôi cá biển, đối tượng nuôi phải có giá trị kinh tế cao, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt là phải chủ động nguồn giống: Cả về số lượng, chất lượng và tính mùa vụ. Mặt khác, còn phải đáp ứng được tính đại trà phù hợp với điều kiện tự nhiên, khả năng phát triển của Nghệ An.
Cá Chim vây vàng (Trachinotus blochii Lacepède, 1801) là loại cá có giá trị kinh tế cao, là loài cá nuôi quan trọng ở vùng biển miền Nam Trung Quốc và một số nước khác như: Philippines, Malaysia, Đài Loan, Hông kông, Singapore... Đây là loài cá háu ăn, có tốc độ sinh trưởng nhanh, cá sống trong điều kiện rộng muối (3 - 33 ppt), giá thương mại cao, thị trường xuất khẩu rộng… thích hợp cho nuôi lồng bè trên biển và nuôi trong các ao đầm nước mặn lợ. Theo cuốn nguồn lợi Thuỷ sản Việt Nam thì cũng có cá Chim vây vàng phân bố ở vùng biển nước ta và là đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao và có triển vọng phát triển rất tốt. Phát triển nuôi cá Chim vây vàng ở các vùng ven biển sẽ khai thác được nhiều tiềm năng mặt nước, mở rộng đối tượng nuôi có giá trị kinh tế, phù hợp với chủ trương của Bộ Thuỷ sản về đa dạng hoá đối tượng nuôi. Để phát triển nghề nuôi cá Chim vây vàng thì việc nghiên cứu, xây dựng các mô hình nuôi trong lồng và trong ao đất là việc làm hết sức cần thiết nhằm xây dựng được quy trình nuôi bền vững, phù hợp với từng phương thức nuôi, vùng nuôi.  Trong khi các đối tượng nuôi khác như cá dìa, cá kình… chưa chủ động được nguồn giống, tốc độ sinh trưởng chậm, năng suất không cao, chỉ phù hợp với hình thức nuôi xen ghép ở vùng hạ triều nên nhiều ao nuôi ở vùng cao triều chưa chuyển đổi được hình thức nuôi. Cá Chim vây vàng được xem là bước đột phá mới trong nuôi trồng thủy sản ở các vùng qui hoạch nuôi tôm bị bỏ hoang.
Trong những năm gần đây có nhiều đơn vị như trường Đại học Nha Trang, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I… đã nghiên cứu và sản xuất giống thành công loài cá này nhằm chủ động và hạ giá thành sản xuất. Hiện nay, nguồn giống trong nước đáp ứng khoảng 55% nhu cầu nuôi thương phẩm, còn lại phải nhập từ Đài Loan, Trung Quốc. Cá chim vây vàng là đối tượng có giá trị kinh tế cao, giá 100.000 -150.000đ/kg, khả năng tiêu thụ rất tốt cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Loài cá này nuôi ít rủi ro, lợi nhuận lại cao (40.000 - 80.000 đồng/kg). Ưu điểm là có thể nuôi trong các ao nuôi tôm bỏ hoang do dịch bệnh, đặc biệt có khả năng nuôi ghép trong các ao nuôi tôm có tác dụng ngăn ngừa dịch bệnh cho tôm nuôi. Trước những ưu việt nói trên, có thể nói cá chim vây vàng là một giải pháp rất hiệu quả để thay thế trong khi dịch bệnh trên tôm hoành hành.
Hiện loài cá chim vây vàng được nhiều người dân nuôi cá lồng biển đưa vào sản xuất thương phẩm cùng hai đối tượng chính là cá song và cá giò. Ngoài ra, cá cũng được đưa vào nuôi thương phẩm nhiều trong ao đất. Thức ăn dùng để nuôi cá chim vây vàng là thức ăn công nghiệp dạng viên nổi, có hàm lượng protein 40 - 45%, hàm lượng lipid 12 - 15 %, hệ số chuyển hóa thức ăn nhỏ hơn 2. Có thể sử dụng cá tạp, hệ số chuyển hóa thức ăn 4 - 5. Theo đánh giá của nhiều người nuôi, so với nuôi tôm thẻ chân trắng thì nuôi cá chim vây vàng có mức lãi thấp hơn, nhưng vẫn đảm bảo mức lợi nhuận lý tưởng hơn nuôi các loài cá biển khác. Đặc biệt, mô hình này chịu ít rủi ro bởi hiếm khi xảy ra dịch bệnh.
Xuất phát từ những thực tế đó, Trung tâm giống thuỷ sản Nghệ An đã triển khai thực hiện chuyên đề: Ứng dụng KH-CN hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Chim vây vàng (Trachinotus blochii Lacepède, 1801) trong ao đầm nước lợ tại Nghệ An nhằm tận dụng diện tích mặt nước mặn, lợ nuôi tôm kém hiệu quả cũng như góp phần đa dạng hoá đối tượng nuôi, thúc đẩy nghề nuôi cá biển mặn lợ có giá trị kinh tế cho người dân Nghệ An và qua đó hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi cá Chim vây vàng trong ao đất tại Nghệ An.
II - SƠ LƯỢC VỀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
1. Vị trí phân loại
Ngành: Vertebrata
          Lớp: Osteichthyes
                  Bộ: Perciformes
                        Họ: Carangidae
                              Giống: Trachinotus
                                                Loài: Trachinotus blochii  Lacepède 1801
2. Đặc điểm hình thái và nhận dạng

Hình 1: Cá Chim vây vàng (Cá Chim biển)
Cơ thể hơi tròn, cao và mặt bên dẹp chính giữa lưng hình vòng cung. Vây lưng I, V - VI. I.19 - 20. Vòng mông II, I. 17 - 18, vây ngực 19,  vây bụng 15, vây đuôi 17. Trên đường bên vẩy sắp xếp khoảng 135 - 136 cái, chiều dài so với chiều cao 1,6 - 1,7 lần, so với chiều dài đầu 3,5 - 4 lần, cuống đuôi ngắn và dẹp, đầu nhỏ chiều cao đầu lớn hơn chiều dài. Xương ở chính giữa bề lưng của đầu rõ ràng, chiều dài của đầu so với môi dài 5,1 - 6,2 lần, so với đường kính mắt 3,9 - 4,3 lần, môi tù phía trước hình cắt cụt đường kính mắt dài hơn môi 1,2 - 1,6 lần. Mắt vị trí về phía trước nhỏ, màng mỡ mắt không phát triển, lỗ mũi môi bên 2 cái gần nhau, lỗ mũi trước nhỏ hình tròn, lỗ mũi sau to hình bầu dục. Miệng nhỏ xiên, xương hàm trên lồi ra, đoạn sau của xương hàm trên lồi ra, hàm trên và hàm dưới có răng nhỏ hình lông, răng phía sau dần thoái hoá, lưỡi không có răng rìa phía trước xương nắp mang hình cung tương đối to, rìa sau cong. Xương nắp mang phía sau trơn, màng nắp mang tách rời, tia mang 8 - 9 cây tia mang ngắn, sắp xếp thưa 5 + 7 - 8 đoạn cuối của tia mang phía trên và dưới có một số thoái hoá, bộ phận đầu không có vảy, cơ thể có nhiều vảy tròn nhỏ dính vào dưới da. Vây lưng thứ 2 và vây hậu môn có vẩy, phía trước đường bên hình cung cong tròn tương đối lớn, trên đường bên vảy không có gờ, vây lưng thứ 1 hướng về phía trước gai bằng và 5 - 6 gai ngắn. Cá giống giữa các gai có màng liền nhau, cá trưởng thành màng thoái hoá thành những gai tách rời nhau, vây lưng thứ 2 có 1 gai và 19 - 20 tia vây, phần trước của vây kéo dài hình như lưỡi liềm. Tia vây dài nhất gấp chiều dài của đầu 1,2 - 1,3 lần, vây hậu môn có 1 gai và 17 - 18 tia vây, phía trước có 2 gai ngắn, vây hậu môn và vây lưng thứ 2 hình dạng như nhau, trong đó tia vây dài nhất gấp 1,1 - 1,2 chiều dài của đầu. Vây ngực tương đối ngắn, ngắn hơn chiều dài của đầu, vây đuôi hình trăng lưỡi liềm. Ruột uốn cong 3 lần (Chiều dài ruột/ chiều dài của cá là 0,8). Xương sống 10 + 14, lưng màu tro bạc, bụng màu ánh bạc, mình không có vân đen, vây lưng màu ánh bạc vàng, rìa vây màu tro đen, vây hậu môn màu ánh bạc vàng, vây đuôi màu vàng tro.
3. Phân bố
Cá chim vây vàng sống ở vùng biển hở và được tìm thấy ở Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương. Ở châu Á, cá chim vây vàng phân bố ở miền Nam Nhật Bản, Indonesia, Trung Quốc (Hoàng Hải, Đông Hải, Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam), Đài Loan. Ở Việt Nam, cá chim vây vàng được tìm thấy trên vịnh Bắc Bộ, miền Trung và Nam Bộ
4. Tập tính sống
Cá Chim vây vàng là loài cá nước ấm sống ở tầng giữa, tầng trên và là loài cá hồi lưu. Ở giai đoạn cá giống hàng năm sau mùa đông thường sống ở vùng vịnh cửa sông, thường sống theo đàn. Cá trưởng thành bơi ra vùng biển sâu, nhiệt độ thích hợp 16 - 360C, sinh trưởng tốt nhất 22 - 280C, là loài cá thuộc loại rộng muối, phạm vi thích hợp từ 3 - 33‰ dưới 20‰ cá sinh trưởng nhanh, trong điều kiện độ mặn cao tốc độ sinh trưởng của cá chậm. Khả năng chịu đựng nhiệt độ tương đối kém, ban đêm không ngừng bơi nhanh. Hằng năm cuối tháng 12 đến đầu tháng 3 năm sau là thời kỳ qua đông cá không ăn thức ăn, thông thường nhiệt độ thấp dưới 160C cá Chim vây vàng ngừng bắt mồi, nhiệt độ thấp nhất mà cá chịu đựng là 140C nếu hai ngày nhiệt độ dưới 140C cá sẽ chết. Oxy hòa tan thấp nhất 2,5 mg/lít. Theo Potonetal (1989) cá trưởng thành sống ở vùng cát hoặc gần vùng rạn san hô, độ sâu ít nhất 7 m. Ngoài ra cá giống thường thấy sống ở vùng cát hoặc gần vùng đất cát sét .
Cá có sức kháng bệnh cao do nuôi chung với các loại khác phát hiện nếu cá song do trùng bánh xe, bệnh điểm trắng, bệnh ngoài da, cá tráp đen, tráp vây vàng bệnh về mang chết hàng loạt còn cá chim vây vàng vẫn bình thường không chịu ảnh hưởng. Việc vận chuyển dễ dàng, cá nuôi ở lồng lưới đánh bắt chuyển vào bể xi măng hoặc lồng lưới thì vẩy của cá không dễ bị bong ra, khả năng vận chuyển không dễ bị tổn thương, khả năng chịu đựng tốt. Trong điều kiện ương nuôi cá con không ăn lẫn nhau.
5. Đặc điểm dinh dưỡng và sinh trưởng
5.1. Đặc điểm dinh dưỡng
Cá Chim vây vàng là loài cá ăn thịt, đầu tù, miệng ở phía trước bành ra 2 bên. Cá hương cá răng nhỏ, cá trưởng thành răng thoái hóa. Cuống mang ngắn và thưa đặc điểm này khiến cá có thể dùng đầu tìm kiếm thức ăn ở trong cát, cá trưởng thành có thể bắt mồi sinh vật vỏ cứng như ngao, cua, ốc... Giai đoạn cá bột thức ăn là các loài phù du sinh vật và các động vật đáy, chủ yếu là ấu thể Copepoda. Cá con ăn các loại đa mao, các loài hai mảnh vỏ nhỏ.
Cá trưởng thành thức ăn chính là các loài tôm, cá nhỏ... Trong điều kiện cá nuôi cá dài 2cm, thức ăn là cá tạp xay nhỏ, tôm tép xay nhỏ, cá trưởng thành ăn tôm cá băm nhỏ pha thức ăn công nghiệp.
Cho ăn vào thời gian buổi sáng hoặc trước hoàng hôn, có thể sử dụng máy tự động cho ăn. Trong điều kiện môi trường nước bình thường cá Chim vây vàng có hệ số bắt mồi thay đổi theo nhiệt độ nước.
Bảng 1: Quan hệ giữa hệ số bắt mồi của cá Chim vây vàng và sự thay đổi nhiệt độ nước
Nhiệt độ nước (0C) 17,0 18,6 21,2 23,6 25,8 27,0 28,0
15 - 18 18 - 20 21- 23 22 - 25 23,6-26,4 26,2-28,1 27,2-28,2
Hệ số bắt mồi (%) 1,2 3,0 3,4 7,0 13,9 12,6 13,7
1,2 -1,9 1,5 -4,2 2,3 - 5 4 - 11 9,4 - 16 8,8 - 15 8,2 - 17
5.2. Đặc điểm sinh trưởng
Cá Chim vây vàng cơ thể tương đối to, nhìn chung chiều dài có thể đạt 45 - 60cm. Cá sinh trưởng trong điều kiện nuôi bình thường một năm có thể đạt quy cách cá thương phẩm cỡ 0,5 - 0,7kg. Từ năm thứ hai trở đi mỗi năm trọng lượng tuyệt đối tăng là 1 kg. Trương Bang Kiệt (2001) thực nghiệm nuôi ở ao với cá 0+ tuổi thời kỳ đầu sinh trưởng chậm cá dài 2,6 cm trọng lượng 0,52 g qua 192 ngày nuôi cá dài 9,9 cm, trọng lượng 20,53g bình quân ngày trọng lượng tăng 0,6g, hệ số tăng trưởng ngày 1,04%.
6. Đặc điểm sinh sản
Mùa sinh sản của cá chim vây vàng từ tháng 4 đến tháng 5 và duy trì cho đến tháng 8 - 9. Sức sinh sản của cá thể 40 - 60 vạn trứng. Trong tự nhiên cá hương 1,2 - 2cm bắt đầu bơi vào vùng biển cạn, cá lớn 13 - 15 cm bắt đầu di cư từ vùng biển cạn ra vùng biển sâu. Tuổi thành thục của cá 1 - 2 tuổi trong buồng trứng noãn nguyên bào lần đầu tiên tiền kỳ phân liệt thành thục, cá 3 - 4 tuổi mới bắt đầu đi vào thời kỳ tiền sinh trưởng sau đó đến lịch trình phát dục bao gồm phát sinh noãn hoàn phôi bào di chuyển và thành thục, tế bào noãn mẹ thành thục, cá chỉ sinh sản 1 lần trong năm.
Hiện nay cá thành thục ở 7 - 8 tuổi nếu muốn cho cá thành thục sớm cần phải tiêm kích dục tố, nuôi vỗ cá bố mẹ một cách khoa học. Sức sinh sản tuyệt đối của cá Chim vây vàng đạt 40 - 60 vạn trứng/cá cái. Theo Nur Muflich Juniyanto, Syamsul Akbat and Zakimin (2008) cho sinh sản cá chim vây vàng với tỷ lệ đực : cái là 1 : 1, kích thích bằng hormone. Sử dụng kết hợp HCG 250 IU/kg và Fibrogen 50 IU/kg cá cái thành thục, liều lượng tiêm cho cá đực bằng 1/2 cá cái và tiêm 2 lần, khoảng cách giữa các lần là 24h, cá thường đẻ trứng sau khi tiêm lần 2 từ 12 - 24h, khoảng 60 - 70 % lượng trứng trong buồng trứng, đường kính trứng thụ tinh khi trương nước 0,8 - 0,85 mm.
Trong thực tiễn sản xuất chứng minh: Cá Chim vây vàng 4 tuổi tuyến sinh dục đạt độ thành thục, qua đó kích thích cá có thể phóng trứng sản tinh và ấp nở thành cá bột bình thường.
PHẦN III - KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Chuẩn bị ao nuôi:
- Ao nuôi có diện tích 2.000 m2, độ sâu mực nước 1,0  - 1,5 m.
- Ao nuôi được xử lý, cải tạo đúng quy trình kỹ thuật đảm bảo cho việc thả nuôi cá Chim trắng vây vàng thương phẩm.
- Nguồn nước cung cấp cho ao nuôi chủ động được lấy từ ao chứa lắng, không bị ô nhiễm công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt.
+ pH: 8; S‰: 10 ‰; NH3: 0 mg/l; H2S: 0 mg/l
- Ao được lắp đặt 2 giàn quạt ở hai bờ đối diện nhau để quạt nước, tạo dòng chảy cung cấp thêm ô xy cho cá trong quá trình nuôi, mỗi giàn quạt 12 cánh.
- Ao nuôi được chuẩn bị kỹ lưỡng, xử lý gây màu đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, các chỉ tiêu môi trường nước ao nuôi phù hợp để thả cá đảm bảo cho sinh trưởng của cá.
2. Thả giống
- Ngày thả cá giống: 22/3/2017
- Mật độ thả nuôi: 1 con/m2. Số lượng thả: 2.000 con
- Chất lượng cá giống: Đồng đều kích cỡ, cá khỏe mạnh không bị xây xát, không bị bệnh, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.
Bảng 2: Các yếu tố môi trường nước lúc thả
TT Nhiệt độ
(0C)
pH DO
(mg/l)
NH3
(mg/l)
H2S
(mg/l)
Độ kiềm
(mg/l)
Độ mặn
()
Độ trong
(Cm)
1 25 7,8 6 0 0 115 10 35

- Các chỉ tiêu môi trường nước ao được kiểm tra lúc thả đều nằm trong khoảng thích hợp nhất cho sự sinh trưởng và phát triển của .
- được thuần 15 phút trước khi thả ra ao để nhiệt độ nước bao đựng tương đương với nhiệt độ nước ao và giúp dần thích nghi với môi trường sống mới không bị sốc sau khi thả.
- Thả cá vào lúc 8 giờ sáng.
- Nguồn giống: Nguồn cá giống được nhập từ : Phân viện nghiên cứu NTTS Bắc Trung bộ - TX. Cửa Lò - tỉnh Nghệ An.
3. Chăm sóc quản lý
- Cá sau khi thả nuôi tiến hành xây dựng quy trình, chế độ chăm sóc quản lý chặt chẽ, các cán bộ thực hiện đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình trong suốt quá trính nuôi
- Sử dụng thức ăn viên dạng nổi, loại chuyên dùng cho nuôi cá biển có hàm lượng đạm 40 - 45%, hàm lượng lipid 12 - 15%. Cho ăn tối đa theo nhu cầu ăn của cá. Giai đoạn đầu cho cá ăn ngày 4 lần/ngày, các tháng nuôi về sau cho ăn ngày còn 2 lần/ngày.
- Trong thời gian thực hiện mô hình các chỉ số môi trường nước có sự biến động theo thời gian nuôi, qua các tháng tùy theo diễn biến thời tiết. Nhìn chung các yếu tố môi trường khá ổn định, ít biến động, nằm trong khoảng thích hợp cho sự sinh trưởng phát triển của nuôi.
- Việc quản lý môi trường ao nuôi, chất lượng nước luôn được thực hiện nghiêm túc nhất là từ sau khi bị sự cố, việc quản lý càng được chú trọng hơn nên đã hạn chế được sự ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho cá sinh trưởng phát triển.
- Nước cấp thêm ao nuôi từ ao lắng được xử lý và đánh men vi sinh nên chất lượng nguồn nước luôn đảm bảo.
4. Quản lý sức khỏe cá:
- Hàng ngày quan sát hoạt động bắt mồi và sức khỏe của cá trong ao, xem biểu hiện để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường kịp thời xử lý.
- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra mức độ bắt mồi của cá để điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý cho từng giai đoạn, tránh tình trạng thừa thiếu thức ăn gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cá cũng như sự ô nhiễm môi trường, lãng phí về thức ăn trong quá trình nuôi.
- Thường xuyên bổ sung vitamin C, men tiêu hóa đường ruột, khoáng chất cần thiết và có thể bổ sung thêm nhóm dinh dưỡng tăng cường chức năng gan, giải độc gan trộn cho tôm ăn hàng ngày.
- Định kỳ làm tốt công tác phòng bệnh cho cá nên trong quá trình nuôi hạn chế được tình hình dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt tự nhiên do bị bệnh ít xảy ra.
- Hàng ngày vào sáng sớm kiểm tra ao nuôi nếu thấy có hiện tượng nổi đầu thì phải chạy quạt nước. Đồng thời bơm thay nước, giảm lượng thức ăn. Sử dụng men vi sinh xử lý đáy ao....
- Định kỳ từ 30 ngày kéo lưới kiểm tra sức khỏe cá cũng như xác định trọng lượng, sản lượng cá trong ao nhằm điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Kết quả theo dõi tăng trưởng thu được qua các lần kiểm tra định kỳ cụ thể như sau:
Bảng 3: Kết quả theo dõi cá qua các tháng nuôi
Thời gian Số lượng
(con)
Tỷ lệ sống
(%)
KL. TB (g/con) KL đàn
(kg)
L. TB
(cm)
T. ăn sử dụng (kg)  
 
3/2017 2.000   25 50 7,1 14  
4/2017 1.841 92 50 92 9,2 84  
5/2017 1.795 89,7 145 260 11 126  
6/2017 1.720 86 236 405 13,5 168  
7/2017 1.624 81,2 320 519 15,2 205  
8/2017 1.507 75,3 407 612 18,1 283  
9/2017 1062 53,1 500 531 21,5 284  
10/2017 1045 52,2 550 574 24,8 320  
11/2017 1040 52 560 582 25,0 364  
12/2017 1.032 51,6 570 588 25,2 252  
Tổng         2.100  

Qua các lần kiểm tra định kỳ và kết quả nuôi cho thấy cá Chim vây vàng nuôi có tốc độ phát triển khá, so với cá Vược thì cá Chim cao tốc độ phát triển chậm hơn.
Thức ăn cung cấp cho cá luôn được cung cấp đầy đủ, đảm bảo về chất lượng và số lượng, luôn cho ăn đầy đủ theo nhu cầu ăn của cá
Những tháng cuối năm từ tháng 10 thời tiết lạnh cá có hiện tượng giảm ăn và bị chết rải rác, cá tăng trưởng chậm hơn các tháng thới tiết nắng ấm, nhiệt độ thích hợp.
3.2. Công tác phòng và trị bệnh cho cá:
Để phòng bệnh cho cá trong quá trình nuôi cần làm tốt công tác phòng bệnh chung cho cá nhằm hạn chế cá bị bệnh. Do đó, nhóm thực hiện đã áp dụng các biện pháp phòng bệnh chung trong quá trình thực hiện chuyên đề như:
- Cho cá ăn đầy đủ thức ăn, đúng giờ, sử dụng thức ăn có hàm lượng Protein đảm bảo, không ẩm mốc. Thực hiện tốt công tác quản lý thức ăn nhằm tránh thừa, thiếu thức ăn gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cá.
- Thực hiện tốt chế độ phòng bệnh cho cá, thường xuyên sử dụng vitamin C, khoáng trộn hàng ngày vào thức ăn cho cá với liều lượng sử dụng 3 - 5g Vitamin C, khoáng cho 1 kg thức ăn để tăng sức đề kháng và giúp cá tăng trưởng tốt.
- Quản lý ao nuôi chặt chẽ, duy trì nguồn nước trong ao luôn trong sạch, định kỳ 10 ngày/ lần tạt vi sinh cho ao để phân hủy mùn bã hữu cơ ở đáy ao và ổn định môi trường nước cho cá sinh trưởng phát triển.
- Định kỳ 15 ngày/lần bón vôi xử lý môi trường với lượng 2 kg/100 m3.
- Sử dụng quạt nước nhằm tăng hàm lượng ô xy vào những thời điểm hàm lượng ô xy trong ao thấp và những lúc nắng nóng nhằm đảo nước trong ao nuôi.
Nhờ thực hiện tốt công tác phòng bệnh chung nên trong quá trình thực hiện cá hạn chế xảy ra bệnh, lượng cá hao hụt trong quá trình nuôi được hạn chế tối đa. Tuy nhiên, tỷ lệ sống của cá đạt thấp (51,6%) nguyên nhân do cá gặp sự cố gây thất thoát lớn về đàn cá cụ thể: từ ngày 16 - 18/9/2017, do thời tiết mưa to, gió lớn đột xuất gây ngập lụt cụ bộ làm tràn bờ ao nuôi. Mặc đã được nhóm thực hiện chuyên đề sử dụng lưới giăng vây quanh ao nhưng do bờ ao thấp, nước ngập chảy xiết và mạnh nên chỉ hạn chế được sự thất thoát cá. Sau khi, nước rút tiến hành kiểm đếm số cá còn lại trong ao nuôi là 1.274 con.

Hình 2: Kiểm tra cá chim sau sự cố tràn ao gây hao thất cá

4. Thu hoạch:
Sau thời gian nuôi trên 9 tháng, cá đã đạt kích cỡ thu hoạch, đơn vị đã tiến hành thu hoạch cá để đánh giá kết quả, kết quả thu được cụ thể như sau:
Bảng 4: Kết quả thu hoạch
TT Số thả Số lượng thu TA sử dụng
(Kg)
FCR Tỷ lệ sống
(%)
Năng suất
(tấn/ha)
Con Kg Con Kg TB
(g/con)
1 2.000 50 1.032 588 570 2.100 3,5 51,6 3,0

- Sau 9 tháng nuôi cá đạt trọng lượng thu hoạch từ 450 - 700 g/con, trung bình 570g/con, phù hợp so với mục tiêu của chuyên đề đặt ra (500 - 700g/con). Tuy nhiên, tốc độ phát triển của cá chỉ đạt mức trung bình so với một số mô hình nuôi trong ao đất khác và chậm hơn sơ với các mô hình nuôi trong lồng bè. Kích cỡ cá không đồng đều do có những con bị hở nắp mang ngay từ thời điểm giống thả nuôi nên đã hạn chế về tốc độ sinh trường. Nhìn chung, cá chim vây vàng có tốc độ tăng trưởng chậm so với một số đối tượng cá biển khác. 
- Tỷ lệ sống của cá của chuyên đề chỉ đạt đạt 51,6 % (trên kế hoạch 65 - 70%), đây là một tỷ lệ sống khá thấp so với thực tế. Nguyên nhân hao chủ yếu do bị hao hụt tự nhiên trong quá trình nuôi ở những con yếu bị hở nắp mang và do gặp sự cố tràn ao gây thất thoát số lượng lớn cá trong quá trình nuôi.
- Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) 3.5 cao hơn kế hoạch (FCR = 2.2). Nguyên nhân, do số lượng cá thất thoát do mưa lụt làm tràn ao nuôi vào ngày (16 - 18/9/2017), thời điểm cá đã lớn nên đã làm giảm tỷ lệ sống và sản lượng thu hoạch nên kéo theo hệ số thức ăn lên cao.
- Sản lượng thu hoạch đạt 588 kg; Năng suất đạt 3,0 tấn/ha

Hình 3: Thu hoạch cá chim vây vàng
- Nhằm tiến tới thử nghiệm sản xuất con giống tại Nghệ An góp phần chủ động con giống cho người nuôi. Nhóm thực hiện chuyên đề đã tiến hành tuyển chọn những con trọng lượng trên từ 600 g/con trở lên, có ngoại hình đẹp, cân đối tiếp tục nuôi lớn để tuyển chọn tạo đàn cá bố mẹ phục vụ cho việc nghiên cứu thử nghiệm cho sinh sản nhân tạo, sản xuất con giống trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian tới. Tổng khối lượng  cá tuyển chọn làm đàn hậu bì là 600 con, tương đương 378 kg. Số cá loại nhỏ còn lại tiến hành xuất bán cá thương phẩm ra thị trường .
Nhìn chung, qua kết quả thu hoạch cho thấy chuyên đề cơ bản đã đạt được các chỉ tiêu kỹ thuật, yêu cầu đề ra của chuyên đề. Việc triển khai nuôi cá Chim vây vàng trong ao đất tại Nghệ An hoàn toàn có thể nhận rộng phong trào, nhất là những vùng nuôi mặn lợ đang bị ô nhiễm, không triển khai nuôi tôm sẻ tận dụng tối đa diện tích mặt nước, góp phần đam lại thu nhập, hiệu quả kinh tế từ việc nuôi cá Chim trắng vây vàng. Thông qua việc thực hiện chuyên đề cán bộ kỹ thuật của đơn vị đó xây dựng, hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi cá Chim vây vàng trong ao đầm nước lợ phù hợp với điều kiện Nghệ An.
IV - KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
- Chuyên đề đã được Trung tâm giống thủy sản Nghệ AN đã triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo mục tiêu, nội dung và tiến độ đề ra của chuyên đề.
- Kết quả thực hiện chuyên đề đã thu được một số kết quả sau: Sau hơn 9 tháng nuôi có có tốc độ tăng trưởng khá, kích cỡ cá thu hoạch đạt trung bình 570 g/con, tỷ lệ sống của cá đạt 51,6%, sản lượng thu hoạch 588 kg, năng suất đạt hơn 3,0 tấn/ ha
- Cá chim trắng vây vàng thích nghi với điều kiện khí hậu Nghệ An, cá khá dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, thị trường tiêu thụ khá dễ, giá bán cao và ổn định nên hoàn toàn có thể nhân rộng, phát triển phong trào nuôi trên đại bàn tỉnh Nghệ An.
- So với tôm có thể hiệu quả thấp hơn nhưng trong thời điểm môi trường nuôi đang bị ô nhiễm, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến kết quả nuôi tôm thì lựa chọn cá Chim vây vàng để nuôi nhằm cải tạo lại môi trường là một lựa chọn hợp lý của người dân ở thời điểm hiện tại.
- Nguồn giống cá Chim trắng vây vàng hiện nay đã cho sinh sản nhân tạo tành công. Tuy nhiên, trên địa bàn Nghệ An chưa có cơ sở sản xuất giống, chưa chủ động được nguồn cá giống nên giá thành cao, không chủ động được mùa vụ nuôi và chưa kiểm soát được chất lượng con giống cho người nuôi.
- Thông qua việc thực hiện chuyên đề đã xây dựng, hoàn thiện được quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Chim vây vàng trong ao đầm nước lợ phù hợp với điều kiện Nghệ An.
- Cần có chính sách đầu tư, nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo, sản xuất con giống cá Chim trắng vây vàng tại chỗ để chủ động cung cấp con giống, hạ giá thành và kiểm soát được chất lượng con giống để cung cấp cho phong trào nuôi, thúc đầy phong trào nuôi phát triển trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thu Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập34
  • Hôm nay3,620
  • Tháng hiện tại133,798
  • Tổng lượt truy cập10,411,190
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây