Năm 1994, vợ chồng ông Hừng chuyển đến huyện Gò Công Ðông (nay là huyện Tân Phú Ðông), tỉnh Tiền Giang trong chương trình khai hoang, lập nghiệp. Ở đó, ông khai khẩn được hơn 5 ha đất ven rừng để nuôi tôm thiên nhiên – tôm sú. Với hiệu quả kinh tế cao nhờ nuôi tôm trên ruộng lúa, năm 2009, ông Hừng được Hội Nông dân và Sở NN&PTNT Tiền Giang trao danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với mô hình nuôi trồng thủy sản.
Ông Hừng kiểm tra nguồn nước tại ao nuôi tôm của mình. Ảnh: Lê Giang
Song với ý chí làm giàu trên mảnh đất quê hương, năm 2000 ông Hừng trở về huyện, Bình Đại, Bến Tre xây dựng mô hình nuôi tôm – lúa và cũng đem lại nhiều thành công.
Tuy nhiên, không hài lòng với mô hình tôm xen lúa, ông chủ động học hỏi nghiên cứu và mạnh dạn xây dựng mô hình nuôi tôm công nghiệp. Ông cho đào ao hết diện tích lúa hơn 1 ha làm 3 ao nuôi tôm công nghiệp. Khi có lãi ngày càng lớn, ông mua thêm đất tiếp tục đào ao nuôi tôm. Đến năm 2015, ông phát triển diện tích lên 4 ha nuôi tôm.
Nhờ mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kết hợp với nguồn cung đầu vào con giống chất lượng, nguồn thức ăn, thuốc, chế phẩm giá hợp lý, lại thả nuôi đúng thời vụ, nên việc nuôi tôm của ông nhiều năm liền đạt kết quả tốt. Cụ thể, tôm thương phẩm sau mỗi vụ nuôi đạt khoảng 12,5 – 13 tấn/ha, tổng doanh thu khoảng 7,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau khi trừ chi phí khoảng 4,5 tỷ đồng.
Để thuận lợi cho người nuôi tôm địa phương, góp phần phát triển ngành tôm của tỉnh, ngoài lĩnh vực nuôi tôm công nghiệp, hiện ông Hừng mở đại lý thuốc, hóa chất, thức ăn nuôi tôm, nuôi chim yến và kinh doanh hạ thế bình điện,… cung cấp dịch vụ nuôi thủy sản cho bà con trên địa bàn.
Không phải nông dân nào cũng có sẵn nguồn vốn để mua tôm giống và thức ăn, thuốc,… nên đầu vụ ông thường cho bà con mua thiếu ghi nợ, cuối vụ họ bán tôm rồi trả lại. Có nhiều năm thất mùa, tôm giá thấp, ông cũng cho bà con nợ thêm để an tâm xuống giống.
Bên cạnh đó, hàng năm ông còn phối hợp cùng Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư huyện, xã, mời các công ty thức ăn chăn nuôi, kỹ sư thủy sản, nhà cung cấp giống,… tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề về cách chọn giống, nguồn thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học, các giải pháp phòng ngừa, điều trị bệnh trên tôm, giới thiệu cách làm của các mô hình nuôi đạt hiệu quả,… để hội viên, nông dân học tập, trao đổi, ứng dụng.
Ông cũng thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay của mình, cũng như những tài liệu nghiên cứu được cho hội viên, nông dân trên địa bàn ấp, xã học tập, làm theo.
Được biết, doanh thu của nuôi tôm, cửa hàng vật tư thức ăn chăn nuôi và nhà yến của ông đạt trên 10 tỷ đồng/năm. Mô hình sản xuất, kinh doanh của ông cũng tạo điều kiện cho nhiều lao động có việc làm thường xuyên, với thu nhập cao và ổn định, góp phần giải quyết việc làm, công lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Với những kết quả trong lao động sản xuất, kinh doanh và đóng góp tại địa phương, ông Trần Văn Hừng đã được nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh, Hội Nông dân Bến Tre. Năm 2022, ông được Trung ương Hội Nông dân khen tặng “Nông dân tiêu biểu tỉnh Bến Tre”. Năm 2023, ông tiếp tục đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.
Tôi trăn trở rất nhiều về việc bà con nuôi tôm thiếu con giống và vật tư chăn nuôi thiếu thốn. Thấy điều kiện mình có thể, tôi tiếp tục mở đại lý thức ăn, vừa có nguồn thức ăn nuôi ao nhà, đồng thời giúp đỡ bà con không có vốn mua thức ăn nuôi tôm, và cung cấp con giống cho bà con”, ông Trần Văn Hừng chia sẻ.
Ngọc Diệp
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc