Bệnh do các tác nhân như: Tảo, nấm, vi khuẩn và động vật nguyên sinh gây ra. Bệnh xuất hiện nhiều nước trên toàn thế giới không chỉ riêng tại các vùng nuôi tôm trong nước. Khi mắc bệnh tôm bị stress, khó lột vỏ, bỏ ăn và dễ mắc các bệnh khác.
Hầu hết tất cả các ao nuôi tôm đều bị nhiễm bệnh đóng rong, tùy theo điều kiện môi trường mà ao tôm bị nhiễm nhiều hay ít. Bệnh xuất hiện ở các giai đoạn từ tôm giống đến tôm trưởng thành, đặc biệt trong các giai đoạn cuối của vụ nuôi thường xuất hiện bệnh.
Tôm bị bệnh đóng rong có vỏ trơn và bị nhớt, màu vàng xanh như tảo hoặc màu đen, xám khói. Ảnh: Toplinematerial
Vào mùa mưa, bệnh có xu hướng phát triển nhiều hơn bởi nếu quản lý không tốt có thể làm cho độ mặn nước ao nuôi giảm xuống dưới 10‰ là điều kiện thuận lợi để tảo lục xuất hiện. Khi đó, ao tôm có màu xanh như nước rau má, xuất hiện hiện tượng tảo tàn, pH dao động mạnh trong ngày, thiếu ôxy vào lúc sáng sớm làm cho bị tôm đóng rong.
Ngoài ra, mùa mưa nhiệt độ thay đổi đột ngột ảnh hưởng đến khả năng bắt mồi của tôm, nếu vẫn cho ăn bình thường sẽ khiến thức ăn dư thừa tích tụ trong ao. Tình trạng dư thức ăn cũng tạo điều kiện cho tảo lục phát triển mạnh, pH trong nước bị dao động, tôm bị đóng rong. Mặc dù không gây ra tình trạng tôm chết hàng loạt như đối với các bệnh do virus đốm trắng hay hoại tử gan tụy nhưng cũng gây ra thiệt hại không nhỏ cho người nuôi.
Bệnh đóng rong trên tôm rất dễ nhận biết với các dấu hiệu điển hình như toàn thân bị dơ, tập trung ở phần đầu ngực hay toàn thân, mang và các phụ bộ. Tôm bệnh thường rất yếu, bỏ ăn, ít di chuyển và tấp mé bờ, mang thường bị tổn thương hoặc biến đổi màu sắc và tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn và ký sinh trùng xâm nhập. Tôm bị bệnh đóng rong hoạt động rất khó khăn, thậm chí bệnh nặng có thể phá hủy vỏ tôm và xâm nhập vào cơ thịt tôm.
Tùy vào loài sinh vật bám và cả những chất bẩn bám khác nhau trên bề mặt cơ thể thì dấu hiệu cũng khác nhau. Cụ thể, hiện tượng đóng rong ở mang tôm thường làm cho mang đổi màu, thậm chí mang tôm bị đen. Đóng rong ở vỏ tôm thường làm vỏ tôm trơn giống như phủ lớp nhớt, vỏ tôm trông có tảo bám trên bề mặt, không sạch.
Bệnh đóng rong gây ra bởi các sinh vật bám khác nhau nên phải chú ý dấu hiệu ban đầu để xử lý hiệu quả nhất. Khi phát hiện bệnh, cần dùng BKC 80% với liều 0,8 ppm, tương đương 1 lít BKC/1.200 – 1.500 m³ nước, để kích tôm lột xác đồng thời tiêu diệt mầm bệnh.
Hoặc có thể dùng Formalin (37 – 40% formaldehyde) với liều lượng thường dùng là 25 – 30 ppm, nên dùng ban ngày và sục khí liên tục trong quá trình xử lý. Formalin có tác dụng trực tiếp diệt sinh vật bám và kích thích sự lột xác của tôm. Tuy nhiên, Formalin là hóa chất độc hại, người nuôi cần cân nhắc khi sử dụng.
Kiểm tra hàm lượng khoáng chất trong nước ao. Nếu chưa đạt tỷ lệ Na:Mg:Ca:K là 27,6:3,5:1:1 thì cần bổ sung để tôm thuận lợi lột xác, loại mầm bệnh ra khỏi cơ thể.
Sau 2 ngày diệt khuẩn cần sử dụng chế phẩm vi sinh để phân hủy xác tảo, các chất hữu cơ, làm sạch đáy ao, đồng thời cung cấp vi sinh vật có lợi cạnh tranh môi trường sống nhầm hạn chế mầm bệnh phát triển trở lại.
Bên cạnh đó, kích thích sức đề kháng tự nhiên của tôm bằng cách trộn Beta-glucan cho tôm ăn theo liều hướng dẫn của nhà sản xuất để phòng các bệnh cơ hội như phân trắng, đốm trắng,…
Tăng cường sức đề kháng bằng Vitamin C hoặc Vitamin tổng hợp.
Bổ sung khoáng vào thức ăn để hỗ trợ tôm lột xác loại bỏ ký sinh trùng trên vỏ tôm.
Nếu điều trị đúng cách tôm sẽ khỏe sau 1 – 2 lần lột xác.
Thực hiện tốt quá trình cải tạo, tẩy dọn ao kỹ trước khi thả tôm. Nếu có điều kiện, tốt nhất nên thiết kế hố xi phông để gom bùn thải trong ao và định kỳ xi phông nền đáy.
Người nuôi cần lắng lọc kỹ nước trước khi cấp vào ao nuôi, dùng thuốc diệt cá để diệt vật chủ trung gian mang mần bệnh vào ao nuôi.
Chọn mật độ nuôi phù hợp với điều kiện ao nuôi thực tế.
Có chế độ cho ăn phù hợp, tránh dư thừa thức ăn. Cho ăn thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng để kích thích tôm hoạt động và lột xác thường xuyên. Định kỳ dùng men vi sinh để phân hủy các chất ô nhiễm hữu cơ giảm ô nhiễm trong ao, giữ đáy ao sạch.
Quản lý chất lượng nước ao tốt, ổn định tảo trong ao và luôn đảm bảo nhu cầu ôxy cho tôm. Thay nước định kỳ để giảm thiểu chất thải và thức ăn dư thừa trong ao.
Thường xuyên vệ sinh bờ ao, thiết bị và dụng cụ nuôi để ngăn chặn sự phát triển của rong rêu.
Thanh Hiếu
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc