Nhiệt độ là một trong những yếu tố môi trường tác động nhiều đến đời sống của tôm, gắn liền với hoạt động sinh lý, sinh thái và nhu cầu về thức ăn cho tôm.
Mùa lạnh nhiệt độ nước ao nuôi xuống thấp. Trong khi đó, tôm là loài động vật biến nhiệt, đặc điểm của tôm nuôi chỉ thích hợp với nhiệt độ từ 25 – 320C, khi nhiệt độ xuống dưới 200C, tôm sẽ ngừng sinh trưởng, cường độ bắt mồi thấp, tôm giảm ăn, FCR tăng cao (từ 1,5 – 1,8), tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 0,2 g/con/ngày (so với mùa nắng là 0,3 g/con/ngày), điều này có nghĩa thời gian nuôi sẽ bị kéo dài hơn khoảng 1,5 lần. Cường độ bắt mồi và chuyển hóa thức ăn kém, tôm giảm ăn, chủ yếu ăn để duy trì cơ thể chứ không sinh trưởng. Trong khi độ mặn, pH, kiềm thay đổi làm tôm khi lột xác thường bị chết do mềm vỏ.
Nhiệt độ thấp khiến khả năng bắt mồi của tôm giảm. Ảnh: NN
Nhiệt độ thấp khiến việc xi phông, vệ sinh tầng đáy của ao nuôi tôm không được đảm bảo. Khi trời nắng ấm, lượng chất thải, thức ăn dư thừa, xác và vỏ tôm tồn đọng nhiều trong ao, nhiệt độ tăng cao trở lại sẽ nhanh chóng bị phân hủy, sinh ra khí độc ảnh hưởng đến tôm. Tất cả các yếu tố trên làm cho tôm giảm ăn trong giai đoạn này.
Vào mùa lạnh, thời tiết không thuận lợi hay có những cơn mưa bão, trời âm u nhiệt độ nước trong ao nuôi giảm xuống thấp, ôxy hòa tan trong nước giảm. Chính vì vậy, khiến khả năng bắt mồi, sức đề kháng, tiêu hóa thức ăn, hoạt động của hệ thống thần kinh bị ảnh hưởng, tôm yếu dần dễ phát sinh bệnh.
Nhiệt độ môi trường nước xuống thấp cũng tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus gây hại cho tôm phát triển. Đặc biệt, nhóm vi khuẩn có hại Vibrio gây bệnh bùng phát nhanh chóng làm cho tôm dễ dàng bị nhiễm bệnh (đốm trắng, hồng thân, phân trắng, đầu vàng, Taura…) và có thể gây chết hàng loạt, tỷ lệ chết của tôm lên tới 90 – 100% chỉ sau từ 3 – 10 ngày nhiễm bệnh. Đây là những bệnh cực kỳ nguy hiểm cho tôm gây thiệt hại lớn, thường chỉ xuất hiện vào mùa lạnh và hiện vẫn chưa có thuốc để điều trị, đó là những nguyên nhân khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn, rủi ro khi nuôi tôm vào mùa lạnh.
Thông thường, do tính ăn của tôm sẽ giảm đi đáng kể khi nhiệt độ hạ xuống thấp, do đó lượng thức ăn cung cấp cho tôm vụ Đông có thể ít hơn so với các vụ nuôi khác trong năm. Thêm vào đó, để kiểm soát lượng thức ăn tốt hơn, người nuôi có thể sử dụng phương pháp cho ăn nhiều lần trong ngày ở nhiều thời điểm khác nhau.
Nhiệt độ thấp làm suy giảm hoạt động của hệ vi sinh đường ruột và các enzyme, vì vậy, người nuôi cần lưu ý bổ sung các sản phẩm probiotics hay prebiotics để duy trì và thúc đẩy các yếu tố nêu trên. Ngoài ra, sự phát triển của vi sinh đường ruột có lợi sẽ giúp tôm hạn chế mắc các bệnh đường ruột và các bệnh liên quan đến tiêu hóa khác. Nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra hiệu quả của các sản phẩm sinh học đến việc cải thiện tăng trưởng và sức khỏe cho tôm nuôi.
Thường xuyên bổ sung vào thức ăn các sản phẩm giúp tăng cường miễn dịch như các loại vitamin và một số chiết xuất thảo dược.
Vào mùa đông, tôm có tốc độ lột xác chậm hơn, do đó, người nuôi cần cân nhắc bổ sung lượng khoáng chất với tần suất và liều lượng hợp lý.
>> Cần kiểm tra quá trình sinh trưởng của tôm bằng sàng ăn, những ngày nhiệt độ xuống quá thấp có thể giảm hoặc bỏ ăn, không nên cho ăn quá nhiều gây ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm.
Thanh Hiếu
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc