Việc quản lý, bảo quản thức ăn cho tôm phải được thực hiện ngay từ khi nhận hàng. Quản lý kém sẽ khiến thức ăn hư hỏng, giảm chất lượng, giảm khả năng hấp dẫn và tính ngon miệng cũng như dẫn đến thiếu hụt về dinh dưỡng, tôm kém phát triển nên sức đề kháng kém, khả năng dịch bệnh tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế.
Thức ăn nên được xếp trên pallet theo đúng quy chuẩn. Ảnh: ST
Đối với thức ăn viên và thức ăn bổ sung, người nuôi tôm phải chọn các sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất có công bố chất lượng theo quy định, nằm trong danh mục thức ăn thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam, được sử dụng phổ biến và hiệu quả.
Người nuôi cần chọn những lô thức ăn viên phải còn nguyên vẹn bao bì, không bị ẩm ướt, hạn sử dụng phải còn ít nhất 30 ngày. Trong trường hợp sử dụng thức ăn mới thì phải kiểm tra thành phần định lượng, chất cấm có trong thức ăn nếu thấy nghi ngờ. Nếu tất cả các nội dung nêu trên đều đạt yêu cầu và kết quả lấy mẫu kiểm tra các chất cấm như Chloramphenicol, Nitrofurans, Aflatoxin, Desamethazone khi nghi ngờ, nếu kết quả âm tính thì nhập thức ăn vào kho.
Kho chứa thức ăn tại cơ sở nuôi tôm phải sạch sẽ, thoáng mát, khô ráo, ngăn chặn được động vật gây hại và không thấm dột.
Các loại thức ăn phải xếp cách tường 10 cm và chừa lối đi để thuận tiện cho việc xuất nhập thức ăn. Việc xuất nhập thức ăn phải theo nguyên tắc “nhập trước – xuất trước”. Những thức ăn khi sử dụng không hết trong 1 lần phải được đóng nắp hoặc cột thật kỹ và để đúng nơi quy định.
Tốt nhất nên sử dụng trong vòng 2 – 4 tuần đầu sau khi sản xuất và không nên bảo quản quá 2 – 3 tháng.
Các bao thức ăn phải được xếp chồng lên nhau trên pallet (mỗi chồng không quá 10 bao) để tránh tiếp xúc trực tiếp với mặt đất và cách tường ít nhất 45 – 50 cm. Đặt bẫy chuột cẩn thận. Thức ăn viên được xếp theo từng mã số riêng biệt. Thức ăn bổ sung phải được xếp riêng từng loại trên pallet.
Các loại thức ăn khác nhau cần được phân loại riêng biệt và có đánh dấu rõ ràng. Đặc biệt chú ý phân biệt loại thức ăn có thuốc và không có thuốc. Tránh va chạm mạnh, đặc biệt là đối với thức ăn dạng viên, va chạm mạnh sẽ khiến tỷ lệ vỡ vụn nhiều, gây thất thoát thức ăn và giảm hàm lượng dinh dưỡng.
Tại một số trang trại cho ăn nhiều lần trong ngày, thường sẽ chuyển thức ăn từ kho xuống bờ ao 1 lần vào buổi sáng. Vậy nên cần chú ý bảo quản thức ăn tránh ánh nắng mặt trời hoặc mưa tạt vào.
Lê Loan
(Tổng hợp)
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc