Nghệ An: Nhân rộng những mô hình thủy sản hiệu quả

Thứ hai - 22/04/2024 22:26 268 0

Ứng dụng vào mô hình điểm 

Năm qua, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An triển khai 7 mô hình thủy sản. Đồng thời trực tiếp thực hiện và phối hợp với các đơn vị thực hiện 9 Dự án khuyến nông từ ngân sách của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Thông qua các hoạt động xây dựng mô hình trình diễn, đã đưa những tiến bộ khoa học – kỹ thuật – công nghệ về với bà con nông dân, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và gia tăng giá trị sản xuất cho người nông dân; giúp nông dân thay đổi từ phương thức canh tác phân tán, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ số, tạo ra sản phẩm hàng hóa, có năng suất, chất lượng cao. 

Một số mô hình thủy sản trình diễn đã đem lại kết quả nổi bật. Điển hình như Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, xây dựng mô hình quản lý tự động các yếu tố môi trường ao nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn” tại xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu với quy mô 1 ha. Mô hình được Sở Khoa học – Công nghệ Nghệ An hỗ trợ con giống, thức ăn và bộ cảm biến cho hộ tham gia xây dựng mô hình. Hệ thống cảm biến theo dõi liên tục và đưa ra cảnh báo, người nuôi sẽ thấy rõ sự dao động của các chỉ số môi trường nước (DO; pH; Nhiệt độ; Độ mặn (‰); ORP), để có thể đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp và kịp thời, hạn chế tối đa sự biến động các chỉ số môi trường ao nuôi. 

Kết quả, sau 3 tháng triển khai vụ 1 cỡ tôm thu hoạch đạt 35 – 40 con/kg; tỷ lệ sống ≥ 75%; năng suất ≥ 24 tấn/ha. Sau khi trừ các khoản chi phí con giống, thức ăn, thuốc chế phẩm sinh học, công chăm sóc, điện, nước… mô hình cho lợi nhuận trên 1 tỷ đồng. Dự án đã được Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh nghiệm thu đánh giá thành công. 

Trung tâm Khuyến nông Nghệ An còn triển khai “Mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn, bằng hệ thống tuần hoàn nước khép kín” tại hộ ông Hoàng Anh Minh, xóm Mai Giang 1, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu. Ngoài việc sử dụng công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh 3 giai đoạn trong nhà kín và bể nổi, còn kết hợp với hệ thống tuần hoàn tái sử dụng nước, làm cho thời gian xử lý nước ao nuôi xoay vòng cho vụ nuôi mới sẽ nhanh hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian hơn, chi phí xử lý tái tạo nguồn nước cũ sẽ rẻ hơn, so với việc cải tạo ao nuôi từ quy trình như ban đầu (tháo cạn nước, nạo vét bùn, phơi đáy, bón vôi, cấp nước…). 

Hệ thống xử lý nước được bố trí ở 4 ao và bể. Nước thải và bùn thải được xi phông ra từ các ao nuôi được thu gom về ao chứa bùn. Tại đây có thả cá rô phi để xử lý nước, sau khi cá rô phi xử lý và bùn đã được lắng chìm xuống đáy, thì bơm phần nước thải lơ lửng từ ao chứa bùn sang ao lắng. Tiếp tục nước từ ao lắng được luân chuyển qua các bể lọc sinh học. Từ bể lọc sinh học này, nước được chuyển qua bể chứa nước tiếp theo, trước khi được bơm trở lại ao nuôi. 

Sau 5 tháng triển khai, cỡ tôm thu hoạch đạt bình quân 35 con/kg; tỷ lệ sống 80%; FCR: 1,2; sản lượng tôm thu được 6.700 kg/vụ nuôi, mô hình thu được trên 1.200 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí con giống, thức ăn, thuốc chế phẩm sinh học, công chăm sóc, điện, nước…, mô hình cho lợi nhuận trên 200 triệu đồng. 

Bên cạnh những mô hình thủy sản ứng dụng công nghệ, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cũng được Trung tâm Khuyến nông Nghệ An chú trọng. Mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tạo ra sản phẩm sạch, đồng thời truy nguyên xuất xứ, nguồn gốc của sản phẩm, đây là xu hướng tất yếu của sản xuất hiện nay. 

Vì vậy, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An tiếp tục triển khai các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, mô hình nuôi lươn khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP được triển khai đúng tiến độ, đạt kết quả cao, được bà con nông dân cũng như lãnh đạo địa phương, lãnh đạo Sở NN&PTNT đánh giá cao. 

Để lan tỏa hiệu quả 

Trung tâm Khuyến nông Nghệ An nhận định: Các mô hình khuyến nông đã được tổ chức thực hiện thành công tại các địa phương, chuyển giao, nhân rộng vào sản xuất, góp phần đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác và tận dụng lợi thế và thế mạnh của từng địa phương. 

Cũng từ các mô hình này, đã mang lại thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm, nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đời sống của người dân cũng được nâng cao. Thông qua các mô hình, người dân địa phương có cơ hội tiếp cận, học hỏi cách làm hay, chia sẻ kinh nghiệm, từng bước nhân rộng, không chỉ tạo ra những thay đổi trong đời sống kinh tế của gia đình, mà còn góp phần tích cực vào việc thay đổi diện mạo ở nông thôn. 

Có thể nói, vai trò và hiệu quả mà công tác xây dựng mô hình khuyến nông đã mang lại không hề nhỏ, trong việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật – công nghệ mới, tiến bộ quản lý mới đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có tồn tại, hạn chế mà đã kéo dài từ năm này qua năm khác, đó là nhiều mô hình xây dựng thành công, nhưng để nhân rộng vào sản xuất còn khiêm tốn, khó nhân rộng. 

Nguyên nhân một phần do mô hình thường triển khai 1 lần, tại 1 địa điểm, xong mùa vụ, hết đầu tư thì xem như kết thúc mô hình, không có thực hiện nhắc lại, nên tính lan tỏa không cao. Trong khi đó, để thay đổi tập quán canh tác của người dân, cần có thời gian cũng như sự chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ thường xuyên của cán bộ kỹ thuật và các cơ quan, ban ngành. 

Để nâng cao chất lượng nhân rộng mô hình trình diễn, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã tập trung thực hiện các hoạt động gắn với tuyên truyền, nhân rộng mô hình. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông lồng ghép, kết hợp các chương trình thông tin tuyên truyền như tập huấn, đào tạo, chuyên đề truyền thanh truyền hình… gắn với mô hình. Các kết quả xây dựng mô hình năm nay được tổng hợp, rút kinh nghiệm, sẽ là nội dung tập huấn, chuyên đề truyền thanh, truyền hình cho năm sau. Với sự kết hợp như vậy, thì kết quả mô hình sẽ được chuyển giao thường xuyên, được nhắc lại nhiều lần và tăng tính lan tỏa tại các xã, địa phương có triển khai mô hình. 

Bên cạnh đó, Trung tâm chủ động kết phối hợp với UBND các địa phương, HTX, người dân, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch sản xuất cũng như lồng ghép các chương trình, chính sách của huyện, tỉnh và trung ương, nhằm nâng cao hiệu quả công tác nhân rộng mô hình. 

Ngọc Diệp

Chú thích ảnh

Bên cạnh mô hình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An còn triển khai nhiều mô hình nuôi lươn, cá khác. Ảnh: TTKNNA 

Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay5,750
  • Tháng hiện tại99,692
  • Tổng lượt truy cập10,579,650
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây