Sớm đưa rong, tảo biển thành một ngành hàng chính của lĩnh vực thủy sản

Chủ nhật - 18/02/2024 21:28 378 0

Rong nho là đối tượng nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao. Ảnh: ST

Mặt hàng giá trị, giàu tiềm năng 

Theo thống kê của Cục Thủy sản, hiện Việt Nam có hơn 827 loài rong tự nhiên, trong đó 88 loài có giá trị kinh tế. Rong chia làm 3 nhóm loài chính gồm rong sụn, rong câu, rong nho. Tổng diện tích nuôi trồng rong, tảo biển của Việt Nam năm 2023 là khoảng 16.500 ha, với sản lượng 150 nghìn tấn. 

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản nhận định: Ngành hàng rong biển của nước ta hiện tại đang có nhiều cơ hội để phát triển như thị trường toàn cầu tăng trường trên 10%/năm. Hơn nữa, rong có khả năng hấp thụ CO2 nhanh gấp 5 lần thực vật cạn, là cơ hội để có thể bán các tín chỉ các bon; xu thế sử dụng thực phẩm, năng lượng xanh đang ngày càng phổ biến; hoạt chất của rong, tảo có thể sử dụng trong nhiều lĩnh vực như dược phẩm, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón sinh học…

Trồng rong nho có mái che ở Khánh Hòa. Ảnh: ST

Tuy nhiên, theo ông Luân, hiện nay việc trồng rong tảo biển cũng đang đối diện với không ít thách thức như chất lượng giống còn hạn chế, cạnh tranh diện tích với các ngành kinh tế khác, thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn, tình trạng nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra phổ biến… Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển ngành thủy sản, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, sản lượng rong, tảo biển các loại đạt khoảng 180 nghìn tấn; năm 2030 là 500 nghìn tấn.

Để đạt được các mục tiêu đó, thời gian tới, ngành rong biển nước ta sẽ tập trung phát triển nuôi trồng gần bờ các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận với đối tượng chính là rong nho, rong câu chỉ vàng, rong sụn. Bên cạnh đó, phát triển nuôi trồng xa bờ tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Đối tượng trồng chính là rong sụn và giống nhập.

Hướng đi lâu dài

Rong nho hiện nay được trồng theo các mô hình: thả đáy, túi treo, trên bờ, thả vỉ; trong đó phổ biến nhất là thả đáy và thả vỉ. Nếu như trồng thả đáy, người nuôi chỉ cần số vốn đầu tư ban đầu ít (khoảng 50 – 60 triệu đồng trên 1 ha), tuy nhiên khi thu hoạch thì chất lượng rong không được sạch, năng suất thấp (chỉ từ 15 – 20 tấn/ha/năm), trông đáy thì việc thu hoạch cũng khó hơn. Trong khi đó, nếu trồng theo mô hình thả vỉ sẽ dễ làm hơn, cần đầu tư vốn ban đầu cao (từ 600 – 700 triệu đồng/ ha), khi thu hoạch sẽ cho chất lượng rong nho sạch, năng suất cao (ước tính 50 – 70 tấn/ha/năm). 

Ông Lê Bền, Phó giám đốc Công ty TNHH Trí Tín chia sẻ: Việc trồng và chế biến rong biển vừa hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Nguồn lợi về rong biển ở nước ta rất lớn nhưng lại chưa được khai thác tốt. Do vậy, ông Bền kiến nghị Bộ NN&PTNT cần có chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển đối tượng nuôi trồng này. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT và các Bộ ngành chức năng liên quan sớm ban hành bộ tiêu chí báo cáo về hấp thụ và phát thải CO2 của lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nói chung và rong biển nói riêng giúp các doanh nghiệp sớm tham gia vào thị trường tín chỉ các bon. 

Các chuyên gia đánh giá tiềm năng diện tích trồng rong lớn và ngày càng tăng. Vùng tiềm năng có thể thay đổi theo thời gian, nếu như năm 1997, ở Vân Đồn không trồng được rong thì tới năm 2022 đã trồng tốt. Để phát triển trồng rong, tảo biển, ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Hải sản đề xuất 5 giải pháp: Ưu tiên quy hoạch trồng rong biển; Hỗ trợ nâng cao hiệu quả nghề trồng rong; Chọn giống, nhập giống cải tạo giống rong câu; Tăng cường kết nối mạng lưới sản xuất rong biển; Tăng cường đầu tư nghiên cứu.

Phát biểu tại hội thảo nuôi trồng rong tảo biển do Cục Thủy sản tổ chức chiều 19/01/2024, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Hiện nay, ngành nuôi trồng rong, tảo biển của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của ngành hàng này. 

Do đó, để thúc đẩy ngành hàng rong, tảo biển phát triển, Bộ trưởng yêu cầu Cục Thủy sản cần sớm phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT và các chuyên gia thủy sản xây dựng chiến lược và kế hoạch của ngành hàng này, đồng thời xúc tiến các thủ tục thành lập hiệp hội ngành hàng để cùng nhau kiến tạo không gian, giá trị mới cho rong, tảo biển. Đây là những sản phẩm được đánh giá có hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe, mang lại giá trị kinh tế lớn. Trên cơ sở này, Bộ NN&PTNT sẽ báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để chính thức đưa rong, tảo biển thành một ngành hàng chính của lĩnh vực thủy sản.

Thùy Khánh

Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm19
  • Hôm nay4,990
  • Tháng hiện tại219,506
  • Tổng lượt truy cập10,266,142
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây