Phụ gia piperin cải thiện sức khỏe tôm thẻ chân trắng giống

Chủ nhật - 18/02/2024 21:26 283 0

Piperin là một hợp chất alkaloid gốc polyphenol chiết xuất từ hạt tiêu đen (Piper nigrum) và hạt tiêu dài (P. longum). Trong nuôi trồng thủy sản, hoạt chất piperin đã được sử dụng để điều trị dịch bệnh liên quan đến ký sinh trùng và thúc đẩy tăng trưởng, miễn dịch, kháng bệnh của nhiều loài cá khác nhau. 

Mới đây, một nhóm chuyên gia Viện khoa học hàng hải, thuộc Đại học Quốc gia Jeju, Hàn Quốc đã tiến hành thử nghiệm đánh giá hiệu lực của piperin đối với tăng trưởng, khả năng sử dụng thức ăn, miễn dịch bẩm sinh, tiêu hóa và kháng bệnh của TTCT giống trọng lượng 0,4 ± 0,01 g. Tôm được thả ngẫu nhiên vào 18 bể 215 lít, mật độ 25 con/bể, cữ ăn 4 lần/ngày ở mức 6-10% sinh khối mỗi bể. 

Sáu nghiệm thức gồm 1 khẩu phần đối chứng không chứa piperin, và 5 khẩu phần bổ sung piperine 10% theo tỷ lệ 0,25; 0,5; 1,0; 2,0 và 4,0 g/kg (P25, P50, P100, P200 và P400). Thử nghiệm cho ăn kéo dài 53 ngày; sau đó tiến hành thử nghiệm gây nhiễm Vibrio parahaemolyticus. 

Kết quả cho thấy, phụ gia piperin cải thiện hiệu suất tăng trưởng và khả năng sử dụng thức ăn của TTCT. Nhóm tôm ăn bổ sung phụ gia cũng tăng trọng nhanh hơn đáng kể so với nhóm tôm đối chứng. Giá trị cao nhất được quan sát thấy ở nhóm P200. 

Nhóm tôm P50, P100 và P200 có tỷ lệ FCR thấp hơn đáng kể so với nhóm đối chứng. Hiệu quả sử dụng protein (PER) của nhóm tôm P100 và P200 cao hơn nhóm đối chứng (PER tăng theo tỷ lệ bổ sung piperin). Đáng chú ý, piperin không ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ sống của tôm cũng như thành phần dinh dưỡng của vật nuôi. 

Hoạt chất alkaloid trong piperin có thể làm giảm độ ngon của thức ăn. Do đó, hiệu suất tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của nhóm tôm P400 thấp hơn so với nhóm P200. Từ đây, các chuyên gia Hàn Quốc khuyến nghị mức bổ sung piperin trong thức ăn cho tôm nên duy trì ở mức dưới 0,4%. 

Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu hóa protein ở tôm ăn bổ sung piperin cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng. Báo cáo ghi nhận piperin giúp tăng cường bài tiết enzyme tiêu hóa amylase, trypsin, chymotrypsin, sucrase, maltase và lipase; từ đó cải thiện hấp thụ chất dinh dưỡng. 

Ở thử nghiệm gây nhiễm vi khuẩn gây bệnh V. parahaemolyticus, nhóm đối chứng ghi nhận tỷ lệ chết 100% trong 31 giờ. Ngược lại, nhóm tôm ăn bổ sung piperin đạt tỷ lệ sống cao hơn, dẫn đầu là các nhóm P25, P50 và P100. Trong khi đó, tỷ lệ sống của nhóm tôm P200 và P400 chỉ cao hơn không đáng kể so với nhóm đối chứng. 

Dựa trên kết quả nghiên cứu, nhóm chuyên gia Hàn Quốc cho rằng, ở mức bổ sung 1 g/kg, hoạt chất piperin đã có thể phát huy tác dụng cải thiện đề kháng của tôm chống lại V. parahaemolyticus. Tuy nhiên, mức piperin tối ưu cho TTCT là 1 – 2 g/kg. 

Dũng Nguyên

(Theo Aquafeed)

Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay4,588
  • Tháng hiện tại70,985
  • Tổng lượt truy cập10,550,943
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây