Chuyển đổi mô hình nuôi lồng/bè truyền thống trên biển – Giải pháp nào cho người nuôi?

Thứ năm - 25/05/2023 22:05 1.336 0

Để thành công trong chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) bằng lồng/bè truyền thống trên biển thì cần phải có những hành động và bước đi cụ thể, chắc chắn và thực chất.

Cần thiết

Hiện nay NTTS trên biển ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Tính đến năm 2022, cả nước có khoảng 7.447 cơ sở nuôi biển, với khoảng 248.838 ô lồng. Trong đó, vùng bờ đến 3 hải lý 6.506 cơ sở, với 244.402 ô lồng, chiếm 87,4% số cơ sở và 98,2% ô lồng; vùng biển từ 3 đến 6 hải lý 914 cơ sở, với 4.299 ô lồng, chiếm 12,3% số cơ sở và 1,7% ô lồng; vùng biển xa ngoài 6 hải lý: 27 cơ sở với 137 ô lồng, chiếm 0,3% số cơ sở và 0,1% ô lồng. Diện tích đạt 85.000 ha và 9 triệu m³ lồng. Tổng sản lượng NTTS biển đạt khoảng 0,75 triệu tấn, tăng 10,7% so với năm 2021. Trong đó, tập trung chủ yếu là nuôi theo kiểu truyền thống (lồng làm bằng khung gỗ hay sắt, ít chịu sóng to, gió lớn khi mưa bão), chỉ một số ít được nuôi theo kiểu hiện đại hơn đã được thực tế kiểm chứng tốt hơn khi gặp sóng to, gió lớn lúc mưa bão và đem lại hiệu quả hơn so với nuôi theo kiểu truyền thống. 

Người dân và doanh nghiệp nuôi biển với nhiều loài như: cá chẽm, cá chim vây vàng, cá mú, tôm hùm, hàu, rong biển, hải sâm và sinh vật cảnh… Tuy nhiên, hạ tầng nuôi biển còn rất hạn chế, thiếu đồng bộ, chủ yếu nuôi theo kiểu truyền thống. Một số doanh nghiệp đã sớm tiếp cận công nghệ nuôi biển theo quy mô công nghiệp bằng lồng HDPE như: Công ty TNHH Ngọc Trai, Marine Fams ASA (Na Uy), Thủy sản Australis Việt Nam… nhưng chưa nhiều. 

Người NTTS trên biển (trừ các doanh nghiệp nuôi biển) có thể tạm chia thành 3 nhóm: Nhóm nuôi biển với số lượng ô lồng lớn (khoảng hơn 50 ô lồng); nhóm có số lượng ô lồng ở mức trung bình (từ 10 – 50 ô lồng) và cuối cùng là nhóm có số lượng ô lồng ít (nhỏ hơn hơn 10 ô lồng). Trong đó, đa số là nhóm có số lượng ô lồng ở mức trung bình. Phần nhiều người nuôi đều nuôi theo kiểu truyền thống, với vật liệu làm lồng thô sơ, kỹ thuật nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Do vậy, ứng với với mỗi một nhóm quy mô nuôi biển khác nhau, cũng cần các giải pháp chuyển đổi khác nhau. 

Với nhóm có quy mô lớn, chúng ta chỉ cần vận động họ hợp tác, hướng đến chuyển đổi sang các mô hình nuôi biển theo hướng công nghệ cao như các công ty/doanh nghiệp để dẫn dắt người khác. Với nhóm có quy mô trung bình, tập trung hướng đẫn, tập huấn/đào tạo và tăng cường tham quan mô hình nuôi biển tốt hơn, hiện đại hơn, bảo vệ môi trường biển trong sạch hơn; đồng thời có chính sách hỗ trợ, có giải pháp khoa học công nghệ tốt hơn/khác biệt hơn so với kiểu nuôi biển truyền thống. Với nhóm có ít ô lồng hơn thì cần thúc đẩy liên kết để gia tăng nguồn lực, khuyến khích họ chuyển đổi nghề hoặc liên kết lại với nhau để họ vẫn có thể tham gia vào chuỗi hoạt động nuôi biển ở địa phương mình.

Khi chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp thì việc chuyển đổi mô hình sản xuất của người dân là một trong những hành động cụ thể và thiết thực, góp phần thực hiện các bước đi cụ thể nhằm làm sáng tỏ hơn tư duy kinh tế nông nghiệp. Người dân NTTS truyền thống trên biển vốn dĩ xuất phát điểm suy nghĩ khá đơn giản, cả về nhận thức lẫn quy mô. Điều này cũng không khó hiểu bởi vì, phần đông người nuôi biển hiện nay là các ngư dân ven biển, vốn xưa nay chỉ biết nhiều đến việc khai thác các sản vật có từ biển, từ con cá, con tôm, đến con ốc, con sò… Họ có thể chỉ biết “lộc biển” ban cho họ từ hàng ngàn năm nay. Do vậy, để việc thay đổi tư duy nhận thức sẽ là một quá trình chứ không thể ngày một, ngày hai. Cái quan trọng là làm sao để họ “tai nghe mắt thấy” mới tin, mới có thể thay đổi suy nghĩ từ bên trong, từ đó dẫn đến hành động “tự giác thực hiện” chứ không còn chỉ là chuyện “khua chiêng, đánh trống bỏ dùi”. 

Giải pháp

Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người nuôi biển về lợi ích và tầm quan trọng của việc chuyển đổi mô hình nuôi biển truyền thống. Cần tăng cường tuyên truyền cho người dân nuôi biển nhận thấy việc chuyển đổi mô hình sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn đối với họ, chẳng hạn như: (1) giảm hơn về thiệt hại kinh tế khi có sóng to, gió lớn, hay khi có bão đổ bộ, làm lồng/bè NTTS trên biển bị hư hỏng, thất thoát thủy sản nuôi; (2) tiếp cận được công nghệ và phương pháp nuôi tiên tiến của khu vực và thế giới, làm giảm thiệt hại do bệnh dịch gây ra, nâng cao hiệu quả trong quá trình nuôi; (3) được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phát triển nuôi biển (được giao mặt nước, cấp mã số vùng nuôi, hỗ trợ thiệt hại, gia hạn nợ khi xảy ra các rủi ro, sự cố bất thường trong quá trình nuôi…); (4) được kết nối tiêu thụ sản phẩm làm ra thông qua kênh xúc tiến thương mại các sản phẩm nuôi biển (sản phẩm tươi sống hoặc chế biến) của địa phương. Ngoài ra, (5) việc chuyển đổi mô hình nuôi lồng/bè truyền thống còn làm giảm ô nhiễm môi trường, ít gây suy giảm đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường biển trong sạch hơn, làm tiền đề gắn nuôi biển kết hợp với du lịch biển. Hơn nữa, (6) việc làm này phù hợp với chủ trương, chính sách và pháp luật Nhà nước hiện nay.

Thứ hai, thay đổi tư duy người nuôi biển thông qua hướng dẫn, tập huấn, tăng cường tham quan, học tập mô hình nuôi biển tiên tiến, hiện đại, bảo vệ môi trường biển trong sạch hơn. Người dân nuôi biển thường tư duy theo kiểu mùa vụ hay theo kiểu năng suất, sản lượng cao. Khi thay đổi tư duy từ kiểu mùa vụ sang tiếp cận chủ động hơn, sản xuất cái thị trường cần, không sản xuất cái mình có; thay đổi tư duy năng suất, sản lượng cao sang tư duy chuỗi giá trị, tiếp cận thị trường thì người nuôi biển sẽ không gặp phải rủi ro về sản phẩm làm ra. Để làm được điều này, cần hướng dẫn, tập huấn/đào tạo và tăng cường tham quan, học tập các mô hình nuôi biển tiên tiến, hiện đại cho người dân nuôi biển. Việc làm này, cần phải được thường xuyên liên tục, không “đánh trống bỏ dùi” và phải xem đây là chiến lược “mưa dầm thấm đất” để thay đổi tư duy nhận thức của người dân nuôi biển. Có như vậy, chúng ta mới mong việc chuyển đổi mô hình nuôi biển truyền thống thành công được. 

Thứ ba, có chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển. Khuyến khích chuyển đổi mô hình NTTS trên biển bằng lồng/bè truyền thống (tôm hùm, cá biển, hàu và rong biển) sang mô hình nuôi mới, nuôi biển công nghệ cao (lồng HDPE tích hợp các công nghệ khác) với các chính sách hỗ trợ tín dụng, tín dụng gắn liền với bảo hiểm vay vốn. Có thể áp dụng mô hình đầu tư tín dụng, gồm: người nuôi biển đóng góp một phần vốn (20 – 30%) từ hệ thống lồng nuôi truyền thống tái sử dụng vào mô hình mới; ngân hàng chính sách xã hội địa phương hỗ trợ vay vốn ưu đãi lãi suất thấp, đặc biệt trong 3 năm đầu, với tỷ lệ 30 – 40% vốn trong mô hình đầu tư mới; các doanh nghiệp sử dụng mặt nước cho mục đích khác, hỗ trợ 30 – 40% cho người nuôi biển. 

Giao đất, mặt nước trong thời gian dài 20 – 30 năm; ưu tiên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mặt nước cho người nuôi biển ở địa phương tham gia chuyển đổi mô hình, nhất là đối với những người có quy mô sản xuất lớn hay trung bình, trong vùng sản xuất tập trung. Hỗ trợ thiệt hại, gia hạn nợ để khắc phục hậu quả và tái sản xuất cho người tham gia nuôi biển trong trường hợp xảy ra các rủi ro, sự cố bất thường trong quá trình nuôi (bão lũ bất thường, động đất, sóng thần, bùng phát dịch bệnh…). Lưu ý, chỉ áp dụng cho những người dân có đăng ký nuôi biển (hồ sơ về vị trí, số lượng lồng nuôi, tổng lượng giống…). Đồng thời với đó là chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nuôi biển vào Chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản của địa phương. Ngoài ra, ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu ở các vùng nuôi biển tập trung, gồm: cảng dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ công tác điều hành; hệ thống phao tiêu, đèn báo ranh giới khu vực nuôi biển; hệ thống quan trắc môi trường tại vùng nuôi tập trung; nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao trong NTTS trên biển, thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm thủy sản; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nuôi biển.

Thứ tư, có giải pháp khoa học công nghệ tốt hơn/khác biệt hơn so với nuôi biển truyền thốngGiải pháp khoa học công nghệ tốt hơn/khác biệt hơn phải lượng hóa cụ thể bằng việc giảm được sức lao động, tăng được tỷ lệ sống vật nuôi, hiệu quả kinh tế hơn… so với nuôi biển truyền thống. Có như vậy, người dân nuôi biển mới có thể “tự giác làm theo”. Để làm được điều này, cần có các chính sách hỗ trợ triển khai thực hiện: (1) thử nghiệm, đánh giá tính hiệu quả của các mô hình lồng nuôi mới (đề xuất) ở các vùng nuôi biển, từ đó tiến tới xây dựng quy chuẩn/tiêu chuẩn kỹ thuật Quốc gia về hệ thống lồng, nhà bè phục vụ cho nuôi biển; (2) nhân rộng các điển hình thành công trong nuôi biển theo quy mô công nghiệp, xây dựng các mô hình nuôi tiên tiến một số đối tượng có giá trị kinh tế cao như: cá biển, tôm hùm, hàu kết hợp với trồng rong biển; (3) thúc đẩy ứng dụng công nghiệp phục vụ cho nuôi biển (thiết bị giám sát lồng, giám sát môi trường tự động, hệ thống cho ăn thông minh…); (4) ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý NTTS.

Thứ năm, cần quản lý và tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững với những sản phẩm nổi bậc, đặc thù, có giá trị kinh tế, có tính cạnh tranh cao. Quản lý và tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững với những sản phẩm nổi bật, đặc thù, có giá trị kinh tế, có tính cạnh tranh cao, cần lưu ý đến (1) hình thức quản lý có sự tham gia của cộng đồng và khuyến khích thành lập các mô hình tổ hợp tác, liên kết; hợp tác xã nuôi biển trên cơ sở tổ chức lại các cơ sở nuôi nhỏ lẻ, phân tán nhằm tiết kiệm được chi phí sản xuất thông qua việc mua chung, bán chung và chung tay bảo vệ môi trường. (2) Chú trọng các sản phẩm có tính nổi bật, đặc thù; sản xuất theo chuỗi giá trị, từ con giống, vật tư đầu vào, vật liệu làm lồng, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất. (3) Thúc đẩy cơ chế liên kết giữa nuôi biển với hoạt động các ngành kinh tế khác để tận dụng hệ thống cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các hoạt động sản xuất trên biển; khuyến khích hoạt động cùng lúc nhiều lĩnh vực trên biển (nuôi biển kết hợp với du lịch, vận tải biển…). Ngoài ra, tổ chức triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các quy định hiện hành đảm bảo các cơ sở nuôi biển hoạt động đúng quy định của pháp luật.

PGS.TS Võ Văn Nha

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS III

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập43
  • Hôm nay2,964
  • Tháng hiện tại133,142
  • Tổng lượt truy cập10,410,534
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây