Kỹ thuật nuôi cá lóc trong bể xi măng

Thứ tư - 08/02/2023 22:20 1.516 0
Kỹ thuật nuôi cá lóc trong bể xi măng

Nuôi cá lóc trong bể xi măng đang trở thành mô hình được nhiều người lựa chọn để làm giàu. Hình thức này, cá nuôi tuy không sinh trưởng nhanh bằng trong ao hồ nhưng có thể chủ động được nguồn nước, không cần diện tích lớn, cá ít nhiễm bệnh, dễ chăm sóc, lợi nhuận cao…

Chuẩn bị bể

Vị trí đặt bể phải gần sông, ao, hồ… nơi thuận tiện cho việc thay nước. Phía trên có mái che nắng, che mưa để tạo bóng râm cho cá.

Nuôi cá lóc trong bể xi măng có thể tận dụng bể cũ hoặc sử dụng bể mới đều được. Tuy nhiên nếu xây mới bà con cần tiến hành ngâm bể và cọ rửa để khử hết mùi xi măng rồi tháo nước để cuốn trôi hết vụn xi măng ra khỏi bể. Hình dạng bể nuôi cá lóc thích hợp nhất là hình chữ nhật. Kích thước tối ưu là 15 – 20 m2, không nên xây quá nhỏ, cá không có không gian để hoạt động sẽ làm giảm năng suất.

Đáy bể nghiêng về phía thoát nước, đặt cống thoát sát đáy bể nhằm xả hết chất bẩn và có lưới lọc để tránh cá thất thoát. Phải có ống tràn trên miệng bể trong trường hợp nước cấp vào bể bị đầy, cá sẽ bị trôi theo ra ngoài. Mực nước trong bể từ 0,8 – 1 m.

Đáy bể nên lót một lớp cát dày vừa là tạo môi trường đệm lót cho cá, vừa để tránh khi cá lao xuống sẽ bị va đập trực tiếp vào nền xi măng. Cần có lưới quây xung quanh bể xi măng tránh khi cá ăn hoặc nhảy sẽ bị phi ra ngoài. Phía trên thiết kế mái che, có thể dùng mái xi măng tấm hoặc mái lá để giảm các tác động của ngoại cảnh (mưa, nắng gắt, gió lạnh…).

Nuôi cá lóc trong bể do tận dụng diện tích nhỏ nuôi với mật độ cao nên cần phải trao đổi nước thường xuyên để cung cấp ôxy đầy đủ cá mới phát triển tốt. Do đó mô hình nuôi này đòi hỏi phải có máy bơm nước, thông thường công suất từ 0,5 – 2 CV tùy bể nuôi lớn nhỏ.

Đối với nguồn nước sinh hoạt của người, không cần xử lý mà có thể thả nuôi trực tiếp. Còn đối với nguồn nước chưa được xử lý, tiến hành sát trùng nguồn nước bằng Avaxide 1 cc/m3, 2 ngày tiếp theo xử lý bằng Yucca và muối theo hướng dẫn sử dụng.

Con giống

Cá lóc nên được mua từ các trại cá giống uy tín, có kinh nghiệm vận chuyển giống để đảm bảo sức khỏe cá suốt quá trình vận chuyển. Cá lóc giống có bố mẹ khỏe mạnh, kích thước cá bố mẹ lớn. Chọn cá giống khỏe, kích cỡ đồng đều, bơi lội nhanh nhẹn, không dị tật hay xây xát.

Trước khi thả cần xử lý muối ăn NaCl 2% (2 kg muối ăn/100 lít nước) trong 2 – 3 phút để diệt ký sinh, sát khuẩn cá và loại bỏ cá yếu, cá bị xây xát. Để bao cá xuống nước ao từ 15 – 20 phút mới thả cá ra bên ngoài nhằm để cá thích nghi dần nhiệt độ. Thả cá vào buổi sáng hay chiều mát.

Có thể nuôi từ 60 – 100 con/m2. Nếu khu vực nào thường xuyên mất điện, có thể nuôi với mật độ 60 – 80 con/m2. Lựa chọn kích cỡ cá giống từ 300 – 1.000 con/kg là hợp lý.

Ở nước ta, có thể thả cá vào nhiều thời điểm khác nhau, người nuôi cần lựa chọn thời điểm phù hợp với điều kiện địa phương.

Vụ 1: Bắt đầu thả cá vào tháng 4 – 5 âm lịch và thu hoạch vào tháng 8 – 9 âm lịch. Đây được xem là thời điểm chính vụ bởi thời tiết dịu mát, nguồn thức ăn dồi dào là điều kiện thuận lợi cho cá lớn nhanh, sinh trưởng và phát triển mạnh. Hơn nữa, nguồn thức ăn sẵn có, dồi dào và chi phí rẻ hơn.

Vụ 2: Bắt đầu vào tháng 8 – 9 âm lịch và thu hoạch vào tháng 12 hoặc tháng Giêng năm sau. Trong giai đoạn này, nguồn thức ăn tới từ phụ phẩm thủy sản tự nhiên là chủ yếu.

Vụ 3: Không nên nuôi trong vụ này. Bắt đầu từ tháng Giêng đến hết tháng 7. Giai đoạn này cá lớn khá chậm, thức ăn ít, khó kiếm do vậy chi phí thức ăn cao, nuôi không có lãi.

 

Thức ăn

Do thức ăn chủ yếu của cá lóc là động vật, nên thành phần thức ăn bao gồm cá loại động vật tươi sống như: cá, tép, ếch nhái, động vật phù du, giáp xác… Thức ăn được xay, bằm, cắt khúc tùy theo kích cỡ cá. Ngoài ra, trong quá trình nuôi, bà con có thể cho cá giống tập ăn dần các loại thức ăn hỗn hợp được chế biến từ cá kết hợp với tấm, cám, bắp, Vitamin C… và phải đảm bảo lượng đạm cao hơn 20% trong khẩu phần ăn. Có thể sử dụng thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn tự chế biến để nuôi cá. Ngoài ra, có thể chế biến thức ăn hỗn hợp cho cá với công thức sau: 10% tấm, 25% cám, 60% cá tươi, 5% bột đậu nành. Đem trộn đều, hấp chín và cho vào máy ép cám viên nổi để ép thành dạng hạt rồi phơi khô để tích trữ ăn dần.

Khẩu phần thức ăn hàng ngày của cá cần cung cấp đủ và phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của cá. Dao động 5 – 12% trọng lượng thân cá.

Khi cho cá ăn phải quan sát hoạt động của cá và quan sát nguồn nước để xử lý kịp thời. Nếu thấy cá nhát, đớp mồi rồi chạy ra ngoài phải xử lý nguồn nước hoặc tạt thuốc trị ký sinh trùng. Nếu thấy cá nổi trên mặt nước nhiều là nguồn nước có thể bị bẩn. Nếu cá nổi trên mặt nước, da sẫm màu, phản xạ kém với tiếng động là cá bị ký sinh trùng. Khi thời tiết xấu nên trộn Vitamin C, men tiêu hóa, Beta – glucan cho cá ăn 3 – 5 ngày.

Cho ăn đủ số lượng để cá phát triển (nếu thiếu mồi, cá ăn lẫn nhau rất dữ làm hao hụt); đủ chất lượng để cá khỏe; đúng vị trí và thời gian để tạo phản xạ có điều kiện giúp cá hấp thu thức ăn tốt, hệ số tiêu tốn thức ăn sẽ thấp.

Khi cá còn nhỏ nên trang bị dụng cụ cho ăn bằng vỉ tre. Cho thức ăn vào vỉ, thả xuống mặt nước không quá sâu, khoảng 5 – 10 cm để tiện quan sát. Đến khi cá lớn hơn, có thể thả thức ăn trực tiếp vào bể gần nơi thoát nước để khi xả thải những cặn bã của thức ăn có thể trôi đi theo.

 

Quản lý, chăm sóc

Với môi trường nuôi cá nhỏ trong bể xi măng không được rộng rãi như ao hồ, người nuôi nên lưu ý việc quan sát nước và thay cho cá thường xuyên để hạn chế dịch bệnh cũng như vệ sinh, dọn dẹp lượng thức ăn thừa của cá. Việc thay nước thường xuyên giúp cá luôn khỏe mạnh và phát triển nhanh hơn.

Thông thường lịch thay nước cho cá như sau: Trong khoảng từ 20 – 25 ngày đầu tiên, nên thay nước với tần suất từ 2 – 3 ngày/lần, sau đó khoảng 1 tháng thì cần thay nước mỗi ngày do cá lớn hơn lượng chất thải ra nhiều hơn. Trước khi đến giai đoạn xuất bán, nên thay nước cho cá trong bể 2 lần/ngày, đặc biệt vào những ngày thời tiết nắng nóng.

 

Thu hoạch

Thời gian từ lúc nuôi đến khi thu hoạch tùy vào loại thức ăn cá lóc. Nếu cho chúng ăn thức ăn tạp thì khoảng 3 – 4 tháng là có thể thu hoạch. Nếu cho cá ăn thức ăn dạng viên, thức ăn công nghiệp thì thời gian thu hoạch sẽ lâu hơn khoảng từ 4 – 5 tháng.

>> Cá nuôi đến tháng thứ 2 dễ phát sinh một số bệnh như: xuất huyết, lở loét, nấm mang… Do đó, người nuôi cần sớm phát hiện bệnh để có những biện pháp phòng ngừa, điều trị kịp thời, hợp lý.

Nguyễn Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập25
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm24
  • Hôm nay3,930
  • Tháng hiện tại134,108
  • Tổng lượt truy cập10,411,500
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây