Ngán là loài động vật thân mềm hai mảnh vỏ có kích thước tương đối lớn, sống ở khu vực rừng ngập mặn vùng dưới triều với nền đáy chủ yếu là bùn cát. Ngán có thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng nên giá trị kinh tế rất cao, được nhiều người ưa chuộng.
Ngán thuộc họ Lucinidae, có tên khoa học là Austriella corrugata có hình dạng vỏ lớn và đối xứng (chiều cao đến 71 mm, chiều dài đến 73 mm), vỏ mỏng, có các gờ hình cung nổi rõ bên ngoài vỏ hình cung và hướng tâm (tỷ lệ chiều cao/chiều dài nằm trong khoảng từ 0,9 – 0,98), hơi vuông ở phía trước và sau vỏ, bụng tròn, đuôi vỏ thường bị ăn mòn nhiều. Vỏ có khoảng màu từ xanh ôliu tới màu nâu xám. Mặt trong của vỏ ngán không có răng ở mép trong, mịn và bóng. Khi ở dưới nước, ngán thường thò chiếc xúc tu to và dài để thở và kiếm thức ăn, nếu thấy mặt nước động là chui nhanh xuống dưới bùn để trốn kẻ thù.
Ngán thường vùi sâu dưới lớp bùn đáy từ 10 – 40 cm và chỉ bò trên nền đáy khi thay đổi chỗ ở (Geduspan et al., 2008). Đây là loài rộng muối, độ mặn thích hợp từ 10 – 25‰, thích hợp nhất cho sự sinh trưởng và phát triển là trên dưới 20‰, không thấy ở vùng biển xa bờ.
Ở các địa phương ven biển nước ta, vùng phân bố của ngán khá hẹp, tập trung ở khu vực Yên Hưng (Quảng Ninh) và các vùng rừng ngập mặn Cát Hải, Đồ Sơn (Hải Phòng). Vì thế, loài động vật hai mảnh vỏ này là đặc sản của vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng. Trên thế giới, ngán phân bố ở giữa Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương trong khu vực từ vịnh Bengal và Sri Lanka tới phía đông Indonesia và phía đông Polynesia; từ phía Bắc Nhật Bản đến phía Nam Queensland. Trên bản đồ đã có 15 nước và vùng lãnh thổ công bố sự xuất hiện của loài này đó là Australia, Trung Quốc, Đài Loan, Sri Lanka và 10 nước thuộc khu vực Đông Nam Á.
Theo phân tích của Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thủy sản Quảng Ninh, thịt ngán Quảng Ninh có 16 loại axit amin khác nhau, đặc biệt hàm lượng methionine và lysine tối thiểu là 2,03 và 6,57 g/100 g protein – cao hơn so với thịt cá chép (1,1 và 0,8 g/100 g protein). Trong đó, lysine là axit amin có vai trò rất quan trọng trong việc tạo vị ngọt đặc trưng của ngán. Chính vì vậy, ngán có giá trị kinh tế rất cao, được nhiều người ưa chuộng và là đặc sản của vùng ven biển Quảng Ninh. Trước đây, nguồn cung cấp ngán cho thị trường đều từ khai thác ngoài tự nhiên. Thị trường tiêu thụ ngán ngày càng gia tăng, nên ngán tự nhiên bị khai thác ngày càng nhiều, dẫn đến nguồn lợi ngày càng bị cạn kiệt, suy giảm nghiêm trọng. Ngày 25/4/2015, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1130/QĐ-UBND; trong đó giao Viện Tài nguyên Môi trường biển thực hiện đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống ngán phù hợp với điều kiện môi trường sinh thái tại tỉnh Quảng Ninh”. Tính đến ngày 11/10/2015, đề tài đã sản xuất được hơn 2.000 con ngán giống cấp II (dài 7 – 8 mm). Số ngán này được đưa ra nuôi trong rừng ngập mặn ở một số nơi như: Đầm Kênh Xo, ven sông Kênh Trai, phường Hoàng Tân, phường Tân An, thị xã Quảng Yên.
Từ đó đến nay, ngán đã được nuôi phổ biến hơn ở tỉnh Quảng Ninh. Chị Nguyễn Thị Ngát (thôn Lưu Khuê, xã Liên Hòa, thị xã Quảng Yên) là một người đã thành công trong nuôi ngán thương phẩm. Theo chị Ngát, nuôi ngán có nhiều yếu tố, nhưng yếu tố tiên quyết vẫn là con giống, con giống của Sở NN&PTNT Quảng Ninh cấp được dưỡng từ ngán bố mẹ ra, có đề kháng và thích hợp phát triển tự nhiên. Cùng với đó, điều kiện môi trường nuôi cũng rất quan trọng, vì ngán thích hợp sống trong các bãi sú ngập mặn có tác động của thủy triều lên xuống mang phù du để ngán sinh trưởng phát triển.
Ngán có hai cách nuôi là nuôi lồng và nuôi bùn. Đối với cách nuôi lồng, cho bùn vào đầy lồng rồi tiến hành thả giống, đặt lồng cách mặt đất 30 cm khi thủy triều xuống. Đối với nuôi bùn thì chỉ cần gieo con giống dưới bùn tự con ngán sẽ lủi sâu xuống dưới và sinh trưởng. Nuôi ngán lồng khi khai thác thuận lợi nhưng chậm lớn, đổi lại nuôi bùn việc quản lý và khai thác gặp khó khăn nhưng ngán lại phát triển rất nhanh. Thời gian thu hoạch ngán tương đối dài, nhanh nhất cũng một năm.
Hiện nay gia đình chị Ngát là đại lý thu mua ngán lớn nhất trên địa bàn tỉnh, chuyên cung cấp ngán cho các tỉnh, thành phố trong cả nước. Thậm chí chị có cả mối hàng cung cấp ngán sang Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản.
>> Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, sắp tới tỉnh sẽ đề nghị đơn vị sản xuất con giống hạ giá thành để cung cấp cho người nuôi. Nuôi ngán vừa bảo vệ phát triển rừng ngập mặn, tái tạo nguồn thủy sinh cho môi trường biển vừa khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản giúp người dân làm giàu.
Thái Thuận
Ý kiến bạn đọc