Xác định việc xây dựng các mô hình sản xuất mới và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình đã triển khai thực hiện nhiều mô hình trình diễn và nhân rộng với sự đa dạng về vật nuôi, thủy sản. Qua đó, hình thành và lan tỏa nhiều phương thức sản xuất tiến bộ, tạo diện mạo mới cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh…
Điển hình ở lĩnh vực thủy sản, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình triển khai mô hình nuôi TTCT 3 giai đoạn trên ao đất lót bạt ứng dụng công nghệ cao và đưa vào sản xuất, nuôi trồng thử nghiệm các loại giống mới như don sinh sản, lươn trong bể không bùn, ốc nhồi thương phẩm, ếch thương phẩm, tôm càng xanh trên vùng ruộng trũng, nuôi ốc hương trên ao cá lót bạt và mô hình nuôi cá chình lồng… đều đạt kết quả cao.
Phát triển mô hình nuôi ốc bươu tại Quảng Bình. Ảnh: TQ
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình Trần Thanh Hải cho biết, đơn vị đã thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất; đồng thời là “cầu nối” giúp nông dân, HTX, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đội ngũ cán bộ Khuyến nông – Khuyến ngư trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, giúp đỡ bà con xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. “Công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được hệ thống khuyến nông tỉnh thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Thông qua các lớp tập huấn, mỗi năm có hàng trăm lượt người lao động được hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ngay tại hiện trường để người lao động tiếp cận nhanh, thành thạo thao tác” – ông Trần Thanh Hải thông tin.
Theo kế hoạch, mỗi năm, Quảng Bình sẽ thực hiện từ 5 – 7 mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; tổ chức 10 – 15 lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho khoảng 300 học viên là cán bộ khuyến nông viên cơ sở và nông dân chủ chốt; tổ chức 200 lớp tập huấn kỹ thuật cho 6.000 lượt học viên là nông dân. Đặc biệt, trên cơ sở bám sát mục tiêu của chương trình khuyến nông giai đoạn 2021 – 2025, Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình sẽ xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp…; với nguồn kinh phí gần 158,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 66,1 tỷ đồng, vốn đối ứng trên 92,2 tỷ đồng.
Để thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu khuyến nông đã đề ra, cùng với việc bám sát chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình sẽ tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động để nâng cao hiệu quả và phương pháp khuyến nông; thực hiện rà soát, cập nhật và chọn lọc các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, đối tượng cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu thị trường để tổ chức thực hiện; đồng thời áp dụng các phương pháp tiên tiến, có sự tham gia của người dân, nhất là phương pháp lớp học hiện trường FFS, lấy học viên làm trung tâm của hoạt động khuyến nông để nâng cao hiệu quả và tính bền vững.
Cùng đó, Trung tâm sẽ chú trọng xây dựng và triển khai hỗ trợ các mô hình ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, tạo sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ dân sinh; ưu tiên hỗ trợ các mô hình, chương trình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo thị trường đầu ra ổn định cho bà con; đồng thời chủ động tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp để liên kết tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm có tiềm năng…
Anh Vũ
Ý kiến bạn đọc