Giá ngô và đậu nành tiếp tục tăng cao ở châu Phi do xung đột giữa Nga và Ukraina cùng với sự giảm mạnh của tiền đồng Tây Phi, điều này đã gây nên cuộc khủng hoảng thức ăn trong ngành chăn nuôi gia cầm và NTTS ở Ghana và Nigeria.
Mô hình nuôi ghép thử nghiệm cá rô phi và cá da trơn tại trang trại Cối xay gió của ông Adade. Ảnh: NVCC
“Tôi nhận ra chi phí thức ăn sẽ là một khoản lớn, vì vậy tôi bắt đầu thử nghiệm sử dụng bèo tấm và bèo cái (Pistia stratiotes), những loại bèo này phát triển tốt trong các ao, đập chúng tôi sử dụng để nuôi cá. Cá không ăn được lá bèo nên chúng tôi thu hoạch, xay nhỏ rồi cho cá ăn lại”, ông Kwame David Adade nói.
Ông Adade cũng đang sản xuất ruồi lính đen (BSF). Ông cho rằng sản xuất BSF dễ hơn trồng ngô. Sau khi trưởng thành, BSF được phơi khô, nghiền nhỏ, sau đó cho cá rô phi và cá da trơn con ăn. “Thức ăn thương mại có xu hướng chứa thành phần lúa mì và ngô, những nguyên liệu này cuối cùng sẽ lên men, nhưng bột BSF thì không và tỷ lệ trao đổi nước cũng thấp hơn”, ông Adade giải thích. Ông Adade hiện đang sản xuất khoảng 500 kg BSF mỗi tháng và hy vọng rằng cùng với các loại bèo, BSF sẽ giúp giảm chi phí thức ăn của trang trại.
Ông Habib Angelo, Giám đốc điều hành của Volta Rapids Fish Farm – người gần đây cũng đã đến thăm trang trại Cối xay gió và chia sẻ rằng: “Tôi đang nghiên cứu những phát triển thú vị trên thị trường quốc tế đối với chitin và chitosan, đây là những sản phẩm phụ của quá trình sản xuất BSF. Hy vọng rằng chúng tôi có thể nhận được nhiều giá trị hơn nữa từ nỗ lực này”.
Trang trại đặt mục tiêu năng suất sản xuất dự kiến khoảng 30 tấn cá da trơn và cá rô phi mỗi năm, mặc dù mức thu hoạch năm 2022 đạt gần 100 kg mỗi tuần. Ông Adade chia cá thành 2 phần để nuôi trong đập, trong khi cá rô phi được nuôi trong lồng thì cá da trơn lại được nuôi dựa trên thức ăn tự nhiên. “Tôi không cho cá da trơn ăn bất cứ thứ gì, nhưng chúng tôi thấy rằng chúng phát triển rất tốt chỉ với trứng cá rô phi và sinh vật phù du. Trong một thử nghiệm, chúng tôi đã nuôi thành công cá da trơn từ 0,2 kg lên 1,8 kg chỉ trong khoảng 6 tuần. Đồng thời, chúng tôi cũng phải cẩn thận theo dõi nhiệt độ và chất lượng nước, sức khỏe của cá và an toàn sinh học nói chung. Tôi đang mở rộng dần quy mô của mình”, ông giải thích.
Tuy nhiên, cá da trơn lại có tỷ lệ tử vong cao hơn sau khi chuyển từ trại giống sang đập nên ông đã quyết định giữ chúng trong trại giống lâu hơn. Tại đây, cá da trơn hiện được nuôi trong các thùng gỗ lót bạt còn cá rô phi được nuôi trong các bể bê tông. Sau 3 – 4 tháng, chúng sẽ đều được chuyển đến đập để nuôi thương phẩm.
Trước đây, ông Adade từng hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, do đó, không có gì ngạc nhiên khi ông muốn áp dụng công nghệ mới chạy bằng năng lượng mặt trời tại trang trại của mình. Khi tất cả các thiết bị trong trang trại đều chạy bằng năng lượng mặt trời, ông Adade đã tránh được hóa đơn chi phí năng lượng khiến nhiều nông dân lao đao trong những năm gần đây và ông cũng khuyến khích những nông dân khác nên làm theo.
Thiết bị trang trại ông sử dụng gồm có cảm biến biến đổi điều khiển ánh sáng và báo động âm thanh để tăng cường an ninh cho trang trại, máng ăn tự động cho cá con và máy nước nóng cho cá rô phi con. Hệ thống này cho phép ông điều khiển và giám sát từ xa nhiều thiết bị khác nhau cùng lúc, từ máy bơm, cảm biến mực nước đến máy bơm khí.
Mặc dù cho rằng đây là một khoản đầu tư đáng giá nhưng ông Adade cũng phải thừa nhận điều này không phù hợp với mọi nông dân. “Chúng giúp giảm thiểu sự cố thiết bị do thiết bị không hoạt động và cần ít nhân lực hơn vì công việc đã được kiểm tra tập trung và tự động hóa. Nhưng ngược lại, trang trại cần có một chiếc máy để theo dõi và bảo trì liên tục cũng như đào tạo thêm cho nhân viên. Chúng tôi không gặp vấn đề gì liên quan đến đập nước. Với hệ thống lồng ghép mà chúng tôi đang sử dụng, việc nuôi cá rô phi và cá da trơn cạnh nhau có thể giúp giảm chi phí thức ăn và giải quyết một số vấn đề liên quan”, ông nói thêm.
Tường Vy
(Theo TFS)
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc