Hiện Quỳnh Nhai có trên 260 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, với trên 4.000 lồng cá. 6 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản của huyện đạt gần 940 tấn. Quỳnh Nhai đang phấn đấu đến 2025 đạt sản lượng khai thác, đánh bắt thủy sản 5.000 tấn.
Liên kết nuôi cá lồng giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm. Ảnh: SL
Để có đầu ra ổn định cho nghề nuôi cá lồng, ngoài tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, huyện Quỳnh Nhai đã phối hợp với Sở KH-CN Sơn La xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm cá Sông Đà Sơn La hiện đã có mặt ở nhiều thị trường các thành phố lớn trong nước.
Tại 9 xã dọc sông Đà, người dân khai thác nguồn cá tự nhiên, tạo ra các sản phẩm đặc thù của địa phương như nước mắm cá mương, cá mương phơi khô, mắm tép sông Đà, cá sấy khô… Bên cạnh đó, sản phẩm cá tép dầu sông Đà được chứng nhận sản phẩm tiêu biểu của tỉnh đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, chả cá sông Đà là sản phẩm OCOP 3 sao và thời gian tới tiếp tục phát triển thêm sản phẩm OCOP cho cá sông Đà sơ chế cấp đông, xúc xích cá sông Đà…
Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm cá lồng của người dân vẫn chưa thực sự ổn định. Nhiều hộ đến thời gian thu hoạch vẫn loay hoay việc xuất bán và giá cả. Vì vậy, các hộ tham gia vào HTX, chuỗi liên kết sản phẩm để có đầu ra ổn định hơn.
Theo UBND huyện Quỳnh Nhai, huyện cũng đã xây dựng kế hoạch đưa vào chuỗi liên kết về lĩnh vực thủy sản. Trên cơ sở kế hoạch vốn hằng năm được giao về chương trình mục tiêu quốc gia sẽ hỗ trợ cho chuỗi này để tăng quy mô, diện tích lồng lên, cũng như sản lượng cá. Hiện nay, chúng tôi đã có lộ trình, thông báo khi có nguồn vốn để cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, năng lực tham gia chuỗi. Sản phẩm cuối cùng doanh nghiệp tham gia chuỗi sẽ bao tiêu sản phẩm.
Anh Dũng
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc