Những trại nuôi tôm ở Trung Tây, thuộc bang Missouri cũng từng điêu đứng vì đại dịch COVID-19, nhưng nông dân chưa bao giờ hết hi vọng hồi sinh và phát triển ngành công nghiệp vốn bị xem là “ngoại đạo” tại vùng đất chuyên canh cây lương thực này.
Thoạt nhìn, trang trại Triple J Farms ở Foristell, Missouri chẳng khác gì một đồn điền quen thuộc ở Trung Tây với những dãy nhà kho màu đỏ nằm cuối con đường rải sỏi và bao quanh bởi những cánh đồng ngô bạt ngàn. Nhưng Triple J Farms không trồng ngô, mà “trồng” tôm. Chủ trang trại, Jeff Howell cho biết, ý tưởng nuôi tôm đầy táo bạo nảy ra khi bố của Jeff Howell đọc được bài báo trên tờ ‘Soybean Digest’ về việc tận dụng đậu nành để chế biến thức ăn cho tôm. Cùng với hai người anh trai của mình, Howell đã biến khu đất thuộc dãy nhà kho trên cánh đồng ngô thành một cơ sở nuôi tôm. Quá trình chuẩn bị này mất 8 tháng. Nhưng đến 8 năm sau, Triple J Farms cung cấp cho thị trường Mỹ 5000 pound tôm mỗi năm (khoảng 2,2 tấn). Howell tự hào nói: “Với những trại nuôi tôm ngay trên cánh đồng ngô ở Foristell, Missouri, chúng tôi đã biến những điều không thể thành có thể”.
Howell đang thu hoạch tôm. Nguồn: Tristen Rouse
Howell không phải là nông dân duy nhất dám nuôi tôm trên vùng đất cách xa biển. Trong 15 năm qua, hàng chục trang trại nuôi tôm trong nhà đã mọc lên ở các bang Illinois, Iowa, Nebraska, Minnesota và nhiều vùng khác thuộc trung tây, những nơi không tiếp giáp biển. Nhiều chuyên gia nuôi trồng thủy sản nói rằng, các phương pháp nuôi thủy sản trong môi trường được kiểm soát có thể là một hướng đi mới đầy triển vọng cho nông dân toàn cầu.
Mặc dù các trại nuôi tôm thương mại đầu tiên xuất hiện ở Mỹ vào thập niên 1960, nhưng khoảng 90% mà người Mỹ đang ăn là hàng nhập khẩu, theo Amy Shambach, chuyên gia thị trường thủy sản tại Illinois – Indiana Sea Grant. Khi người tiêu dùng bắt đầu ưu tiên tính bền vững và mức độ tươi ngon của hải sản, ngành nuôi tôm nội địa Mỹ có cơ hội phát triển. Từ đây, các mô hình “nuôi tôm tại gia” sẽ giúp nông dân vốn quen trồng trọt cây lương thực có thể hái ra tiền.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp nuôi tôm “tại gia” còn cả một chặng đường dài phía trước. Tôm từ vùng Trung Tây chỉ chiếm chưa đến 1% thị phần tại Mỹ. Nhiều trại tôm phải đóng cửa vì đại dịch COVID-19 và thiên tai đã làm gián đoạn nguồn cung tôm giống của nhiều nông dân vùng Trung Tây. Sau đại dịch COVID, nhiều trại mới rất hoang mang và thiếu tự tin sẽ nuôi tôm thành công. Nhưng theo Shambach, ngành công nghiệp nuôi tôm trong nhà của Mỹ vẫn đang trong giai đoạn sơ khai và còn rất nhiều tiềm năng phía trươc.
Howell và nhiều trại nuôi xa biển có thể sản xuất tôm thành công nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Theo Howell, mô hình nuôi tôm được khép kín trong phạm vi nhà kho. Anh đặt mua vài chuyến tôm giống trong năm từ một cơ sở ở Florida, mỗi chuyến khoảng 30.000 tôm 10 ngày tuổi. Số tôm này được chăm sóc trong bể ương khoảng một tháng. Sau khi đạt độ dài thân 2,54 cm, tôm được chuyển sang 14 bển nuôi tăng trưởng có kiểm soát nhiệt độ đến lúc thu hoạch khoảng 3 tháng sau đó.
Trong suốt quá trình nuôi tăng trưởng, Howell cung cấp thức ăn cho tôm, siro đơn giản, probitoic và muối nở vào bể. Vi khuẩn dị dưỡng sống trong bể sẽ ăn chất thải của tôm và giữ nước sạch. Nhờ đó, Howell liên tục tái sử dụng cùng một nguồn nước cấp cho trang trại từ 8 năm trước.
Howell và anh trai James luôn theo dõi nước, kiểm tra những thay đổi về độ mặn, pH, nitrat và carbon dioxide cùng nhiều chỉ tiêu khác. Anh chia sẻ, phương pháp nuôi tôm này vừa bền vững vì không xả thải, mà còn giúp tôm có hương vị tươi ngon hơn, khác hẳn tôm đông lạnh nhập khẩu trong cửa hàng tạp hóa hoặc hệ thống siêu thị Walmart.
Tôm tại Riple J có màu sáng, bóng đẹp, thịt trong, vỏ mỏng và chắc chắn là bằng chứng cho thấy tôm khỏe mạnh. Nguồn: Tristen Rouse
Cùng là những trại nuôi tôm trên cạn, nhưng Jackson Kimle, chủ trang trại Midland Co ở Ames, Iowa lại sử dụng phương pháp khác Howell. Thay vì dùng vi khuẩn dị dưỡng và thức ăn công nghiệp, Midland tận dụng tảo vừa lọc nước bể và vừa làm thức ăn tự nhiên cho tôm.
Kimle nói rằng, tôm là thủy sản được ưa thích nhất ở Mỹ. Do đó, đầu tư vào nghề nuôi tôm là quyết định thông minh. Thị trường Mỹ vẫn phụ thuộc tôm nhập khẩu, người tiêu dùng vẫn phải ăn tôm đông lạnh. Do đó, mở trại nuôi trên đất Mỹ để cung cấp tôm tươi sống chất lượng cao là hướng đi đúng đắn. Mặc dù nuôi tôm trên cạn không dễ dàng, nhưng Kimle vẫn tin rằng sản phẩm tôm trên cạn tại Mỹ vẫn ngon hơn tôm đông lạnh mà người dân Mỹ quen dùng.
Thật khó để biết chính xác số lượng trang trại nuôi tôm trong nhà nằm rải rác khắp vùng Trung Tây và Great Plains, nhưng Shambach tin rằng ngành nuôi tôm tại khu vực này sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai. “Chỉ cần một trại nuôi thành công, các hộ nông dân khác sẽ đua nhau học hỏi theo”, Shambach bộc bạch.
Karlanea Brown và chồng cô, anh Darryl bắt đầu mở trại nuôi tôm trong nhà RDM từ năm 2010 tại Fowler, Indiana. RDM là một trong những trang trại đầu tiên mở màn cho cuộc cách mạng nuôi tôm trong nhà ở Mỹ. Hiện, hai vợ chồng vẫn đang nỗ lực phát triển, mở rộng quy mô sản xuất; đồng thời hướng dẫn các hộ nông dân khác khởi nghiệp.
Là trại nuôi tôm trong nhà “tiên phong”, vợ chồng Brown tin rằng họ đã tích lũy nhiều trải nghiệm quý giá để truyền đạt lại cho các trại nuôi mới và giúp họ tránh được những sai lầm đáng tiếc. Hiện Brown và chồng đang cung cấp dịch vụ cho các trại nuôi mới, gồm cả Riple J. Đến nay, gia đình Brown đã giúp thành lập 22 trại nuôi tôm trong nước và 14 trại quốc tế.
Brown chia sẻ: Nuôi tôm trong nhà là mô hình tiềm năng nhưng không dễ dàng và khiến bạn giàu nhanh chóng bởi người nuôi vẫn phải đối mặt những thách thức bất khả kháng đến từ thiên nhiên”.
Đan Linh
(Theo Harvest Public Media)
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc