Anh Phan Danh Định đã theo đuổi nghề ương nuôi cá giống được gần 5 năm. Vượt qua những khó khăn, đến nay anh đang sở hữu hệ thống ương, nuôi cá giống với quy mô được đầu tư bài bản theo đúng yêu cầu kỹ thuật.
“Xuất phát từ gia đình thuần nông, chủ yếu làm ruộng nên cuộc sống vất vả cứ đeo bám. Vì vậy, năm 2009, tận dụng diện tích đất sản xuất của gia đình, tôi mạnh dạn đầu tư hơn 120 triệu đồng để làm chuồng chăn nuôi lợn, bò và đào ao thả cá. Nhờ chăn nuôi tốt, gia đình có nguồn thu nhập ổn định, mỗi năm thu lãi gần 300 triệu đồng.
Qua mấy năm đầu sản xuất nhận thấy chăn nuôi heo, bò khá tốn kém chi phí, dịch bệnh thường xảy ra, gây ô nhiễm môi trường trong khi đó, nhu cầu cá giống ngày càng nhiều nên đầu năm 2018, tôi chuyển đổi sang tập trung nuôi cá. Tôi cải tạo hệ thống chuồng trại cũ thành 20 bể ương cá giống, sửa sang lại ao hồ để thả nuôi thêm cá thương phẩm nước ngọt. Mỗi năm, tôi xuất bán ra thị trường hàng chục tấn cá điêu hồng, cá lóc và hàng vạn cá giống các loại”, anh Định chia sẻ.
Anh Định (giữa) cấp cá cho khách hàng
Tưởng chừng như đã thành công nhưng trận lũ lụt lịch sử năm 2020 ập đến, tất cả cá giống bị nước lũ cuốn trôi cùng toàn bộ tài sản của gia đình. Tuy nhiên, không nản lòng, anh Định kiên trì nghiên cứu, học hỏi, tích lũy kiến thức. Được sự động viên, ủng hộ của gia đình, bạn bè, anh tiếp tục vay hơn 1 tỷ đồng để gây dựng lại cơ ngơi.
Vừa làm vừa học cách chăm sóc, kỹ thuật nuôi, làm cá giống, anh Định nhận thấy nhu cầu cá giống của bà con trên địa bàn khá lớn. Trong khi, việc mua và vận chuyển cá giống từ địa phương khác về Hà Tĩnh lại vất vả, tốn kém; quãng đường vận chuyển mất 2 – 3 ngày mới đến nơi. Chính điều này giúp anh càng kiên định với con đường mình đã chọn.
Với diện tích hơn 3 ha, anh Định đã chia thành 5 ao, trong đó 4 ao ương cá giống, 1 ao nuôi thương phẩm. Diện tích mỗi ao từ 3.000 m² đến 1 ha. Lần này anh tuân thủ kỹ thuật các bước cải tạo, xử lý ao ương; chủ động sửa sang, gia cố lại các ao, nâng cao hệ thống bờ; xây dựng và lắp đặt hệ thống dẫn nước, máy sục khí, máy bơm, bể trữ nước, bể ương cá. Đồng thời, anh đã xây xựng hệ thống 20 bể để ấp trứng và ương dưỡng cá ở giai đoạn đầu.
Anh Định kiểm tra cá ương trong bể
Theo anh Định, để ương dưỡng thành công, cần đặc biệt chú ý đến nguồn cá giống nhập về. Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I là nơi anh nhập trứng cá cũng như nguồn cá giống về cho ấp nở và ương nuôi. Trứng cá giống được cho ấp tại các bể ương, sau 2 ngày trứng nở cho thả tại các hồ và tiếp tục chăm sóc. Tuỳ loài cá khác nhau, có thể ương gièo với mật độ 500 – 1.500 con/m².
“Về thức ăn cho cá bột, trong 10 ngày đầu cho ăn gồm lòng đỏ trứng vịt luộc tán nhuyễn và bột đậu nành pha loãng nấu chín, số lượng 5 lòng đỏ trứng vịt và 500g bột đậu nành cho 100.000 cá bột/ngày. Thời gian ương nuôi cá bột, cần bổ sung vitamin tổng hợp, Beta glucan, khoáng chất… Ngoài ra, định kỳ hàng tuần phải bắt cá kiểm tra mang, vảy, nội quan và chủ động diệt khuẩn, diệt ký sinh trùng, diệt nấm.”. anh Định bật mí.
Nhờ áp dụng đồng bộ kỹ thuật sản xuất khoa học trong tất cả các khâu ương dưỡng, cá giống của anh Định phát triển tốt. Qua theo dõi, tỷ lệ sống của các loại giống cá cao nhất đạt từ 90 – 95%. Ngoài các đối tượng truyền thống như: Cá trắm cỏ, cá trôi, cá mè, cá chép thì hiện nay, anh còn ương dưỡng đa dạng các loại cá có giá trị kinh tế cao như: Cá lóc, cá rô đầu vuông, cá trắm đen, cá chim trắng, cá rô phi đơn tính, cá điêu hồng,…
Cá giống tại cơ sở của anh Phan Danh Định sống khỏe, lớn nhanh và đặc biệt là nuôi thương phẩm cho sản lượng cao. Vì vậy, sau hơn 5 năm ương nuôi cá giống, anh đã được bà con rất tin tưởng.
Hiện nay, trại cá giống của anh Định chủ yếu cung cấp cho thị trường cá bột (khoảng 7 ngày tuổi) và cá giống (khoảng 20 ngày tuổi) với số lượng lên đến hàng trăm ngàn con mỗi tuần, tùy theo đơn hàng khách mua. Bên cạnh những khách hàng quen thuộc, nhờ làm tốt khâu quảng bá sản phẩm qua kênh mạng facebook, youtube nên lượng khách hàng biết đến và mua cá giống ngày càng tăng, nhiều khách hàng ở các tỉnh lân cận như Nghệ An, Quảng Bình đã đặt mua với số lượng khá lớn.
Qua thời gian gắn bó với nghề và nắm bắt nhu cầu sản xuất của người dân nên anh Định không nuôi cá thương phẩm mà chú tâm vào việc ương dưỡng cá giống để đủ số lượng cung cấp cho khách hàng. Mỗi năm, anh xuất bán ra thị trường hơn 3 triệu cá bột, cá giống. Giá bán cá bột là 100 đồng/con và cá giống là 1.000 – 3.000 đồng/con. Sau khi trừ hết chi phí, thu nhập từ cá giống đạt hơn 500 triệu đồng.
Bên cạnh tập trung đầu tư trang trại, nâng cao chất lượng cá giống, anh Định cũng tích cực hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, tư vấn cách chăm sóc, hướng dẫn cách nuôi cá lớn nhanh cho người dân có nhu cầu nuôi cá cũng như khách hàng đến mua cá giống tại cơ sở của anh. Cơ sở cá giống của anh Định còn tạo việc làm cho 3 nhân công với mức lương 5 – 7 triệu đồng/tháng.
Bằng sự nỗ lực vươn đến thành công, anh Phan Danh Định vinh dự được Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh trao tặng Giấy chứng nhận danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2017 – 2022.
Nguyễn Hoàn
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc