Thuốc kháng sinh và hóa trị liệu đã được sử dụng để kiểm soát hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn trong nuôi trồng thủy sản suốt 20 năm qua. Do xu hướng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng, việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh không còn bền vững và thành công, gây hậu quả tiêu cực đến hệ sinh vật bản địa, đồng thời tích tụ dư lượng trong cơ thể vật nuôi và môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tới sức khỏe của con người và động vật.
Men bánh mỳ Saccharomyces cerevisiae
Giải pháp thay thế kháng sinh thân thiện môi trường, giúp vật nuôi khỏe mạnh phải kể đến chế phẩm sinh học và chất kích thích miễn dịch. Chất kích thích miễn dịch là hóa chất, thuốc, hoặc tác nhân gây căng thẳng giúp thúc đẩy phản ứng miễn dịch không đặc hiệu hoặc miễn dịch bẩm sinh của vật nuôi. Chất kích thích miễn dịch có thể được chỉ định dưới dạng chế phẩm vi khuẩn, chất hóa học, polysaccharide, các yếu tố dinh dưỡng, cytokine và chiết xuất động, thực vật.
Có hai loại chất kích thích miễn dịch cho vật nuôi thủy sản, gồm hóa chất tổng hợp (Levamisole) và chất sinh học như LPS (lipopolysaccharide); dẫn xuất nấm men – Glucans; Polysaccharide – chitin và chitosan; chất dinh dưỡng – vitamin C và vitamin E.
Levamisole: Levamisole là hợp chất hóa học tiêu diệt ký sinh trùng đường ruột ở người và động vật, có thể tạo phản ứng miễn dịch trong ống nghiệm, đồng thời tăng cường hoạt động thực bào, tăng tế bào sản xuất kháng thể và phản ứng NBT. Sử dụng levamisole qua đường uống làm tăng hoạt tính của lysozyme trong huyết thanh, số lượng bạch cầu, chỉ số thực bào và khử NBT. Theo nghiên cứu của Ispir, 2009, cá hồi vân tiếp xúc với levamisole ở nồng độ 5, 10, 25 µg/ml qua bể trong thời gian 2 giờ cho thấy khả năng kháng vi khuẩn gây bệnh đường ruột Y.ruckeri.
LPS (lipopolysaccharide): LPS là thành phần nằm trong lớp màng ngoài của vách tế bào vi khuẩn gram âm. Báo cáo (Nya,2010) đã ghi nhận LPS ngăn chặn dịch bệnh nhiễm trùng huyết do vi khuẩn A. hydrophilla và tạo phản ứng miễn dịch bẩm sinh trên cá hồi vân. Theo Salati et al. (1987), LPS có khả năng hình thành các anion superoxide và kích hoạt quá trình thực bào ở cá hồi Đại Tây Dương. Đại thực bào và LPS tăng cường hoạt động của đại thực bào và kích thích răng sinh tế bào B ở cá tráp đỏ (Pagrus majori). Ngoài ra, LPS kích thích sản xuất yếu tố kích hoạt đại thực bào trong tế bào lympho ở cá vàng (Neumann, 1995). Những thành phần này có hiệu lực cao ở liều thấp. LPS tăng cường hoạt động thực bào cũng như kích thích tăng sinh tế bào máu và hoạt động diệt khuẩn trên tôm (Karunasagar, 1996).
Dẫn xuất nấm men: Glucan là polysaccharide chiết xuất từ nấm men, có tác dụng kích thích phản ứng miễn dịch không đặc hiệu như hoạt động thực bào, và chống lại mầm bệnh do vi khuẩn gây ra trên cá và nhuyễn thể có vỏ. Nhiều loại nấm men như glucan nấm men, glucan (VST), peptide-glucan β -1,3 được lấy từ vách tế bào nấm men bánh mỳ như Schizophyllum và Saccharomyces cerevisiae. β-glucans tăng cường cơ chế hàng rào bảo vệ tế bào, phi tế bào như thực bào, hoạt động của lysozyme, và hoạt động diệt khuẩn của đại thực bào.
Polysaccharides: Chitin là một polysaccharide – thành phần của bộ xương giáp xác, côn trùng và một số thành tế nào nấm. Chitin kích hoạt đại thực bào và có chức năng bảo vệ trước một số vi khuẩn.
Vitamin C, vitamin E: Vitamin C (axit ascorbic) tham gia vào một số chức năng sinh lý khác nhau như tăng trưởng, chữa lành vết thương, sinh sản, phản ứng với tác nhân gây căng thẳng và chuyển hóa lipid. Vitamin C là đồng yếu tố trong nhiều quá trình sinh học của tế bào liên quan đến điều hòa thần kinh, tổng hợp collagen, hormone và hệ thống miễn dịch. Vitamin E làm tăng khả năng miễn dịch đặc hiệu qua tế bào trung gian và đại thực bào ở cá.
Chất kích thích miễn dịch là công cụ hữu ích và hứa hẹn nhất để điều trị dự phòng cho cá và tôm nuôi. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để xác định tỷ lệ và liều lượng hiệu quả của các hợp chất khác nhau đối với nhiều loài thủy sản và mầm bệnh của chúng, đồng thời giảm chi phí các chất kích thích miễn dịch.
Vũ Đức
Theo Allaboutfeed
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc