Hiện, cả nước có 2.270 cơ sở, đã sản xuất, ương dưỡng đạt số lượng 153 tỷ con, đáp ứng đủ giống theo nhu cầu nuôi của nông dân. Các địa phương sản xuất tôm giống trọng điểm của nước ta hiện nay gồm Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau (chiếm khoảng 93% tổng cơ sở sản xuất và 63,6% sản lượng giống).
Quản lý chất lượng giống được các cơ quan chức năng liên quan tích cực kiểm soát, đã ngăn chặn có hiệu quả việc vận chuyển tôm giống không bảo đảm chất lượng đến các vùng nuôi trọng điểm trên cả nước. Về triển khai quy chế phối hợp quản lý tôm giống nước lợ, sau hội nghị quản lý giống và ký quy chế phối hợp trong năm 2023, Cục Thủy sản đã khẩn trương phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện. Đến nay, đã có 17 địa phương ký quy chế phối hợp, việc thực thi các quy định của pháp luật về giống thủy sản dần đi vào nề nếp. Nhiều địa phương có tỷ lệ cấp giấy nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương giống tôm đạt xấp xỉ 100%. Cùng với đó, nhiều địa phương đã vào cuộc quyết liệt trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ các quy định về sản xuất, kinh doanh giống tôm nước lợ.
Đại diện Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, năm 2023, giá tôm trên thế giới giảm nhưng đầu năm 2024 đã tăng lên. Vài năm gần đây, nhờ ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống và nuôi tôm đem lại hiệu quả cao cho tập đoàn (giảm đến 50% chi phí sản xuất cũng như nuôi thương phẩm). Qua đó, Tập đoàn không chỉ đáp ứng giống chất lượng cho người nuôi với giá cạnh tranh tốt mà cả sản lượng và chất lượng tôm thương phẩm cũng tăng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những cải thiện tích cực trên lĩnh vực tôm giống thời gian qua, việc sản xuất, cung ứng giống tôm bố mẹ trong nước chưa hoàn toàn chủ động được. Hằng năm, Việt Nam vẫn nhập khẩu khoảng 153.000 con TTCT bố mẹ (chiếm 87%); riêng giống tôm sú còn phụ thuộc nhiều vào khai thác từ tự nhiên, việc cơ sở chủ động sản xuất giống chỉ đạt khoảng 30%. Việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý tôm giống có lúc, có nơi còn yếu, nhất là về điều kiện cơ sở, điều kiện giống trước khi lưu thông, chất lượng giống trong lưu thông…
Phát biểu tại Hội nghị, quản lý giống tôm nước lợ và ký kết quy chế phối hợp năm 2024 do Bộ NN&PTNT tổ chức tại tỉnh Ninh Thuận vừa qua; ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, iện toàn tỉnh có 453 cơ sở sản xuất tôm giống, sẵn sàng cung ứng cho thị trường 38 – 42 tỷ postlarve/năm, chiếm hơn 30% sản lượng tôm giống của cả nước. Với mục tiêu “Phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước”, phấn đấu sản lượng đến năm 2025 đạt 50 tỷ con và đến năm 2030 đạt 60 tỷ con, tỉnh chủ trương xây dựng đồng bộ và hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết
yếu vùng sản xuất tôm giống trọng điểm của tỉnh; đồng thời, kêu gọi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào khu vực này trở thành khu sản xuất tôm giống công nghệ cao kiểu mẫu của cả nước.
Đại diện Minh Phú kiến nghị cần có chính sách nhân rộng việc áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống và nuôi tôm thương phẩm trên cả nước, để cơ sở sản xuất cũng như nông dân nuôi tôm giảm nhiều chi phí so trước đây. Nếu thuận lợi, đến năm 2030, ngành sản xuất tôm giống cũng như nuôi tôm và chế biến sản phẩm tôm sẽ giải quyết được bài toán khó về giá giống cao do phụ thuộc vào nhập khẩu.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận cho biết, nên cấu trúc lại ngành tôm Việt, đặc biệt là với sản xuất tôm giống. Cụ thể, nên quy hoạch vùng trọng điểm vùng sản xuất tôm giống theo dung lượng thị trường; thiết lập tiêu chuẩn, quy chuẩn tiêu chí thực thi; tổ chức sản xuất có hạn ngạch theo mùa vụ, không sản xuất tràn lan, dư thừa; thiết lập cơ chế phối hợp từ các hiệp hội, cơ quan chuyên ngành, địa phương tiến hành sơ kết đánh giá thường xuyên; nếu không đảm bảo các tiêu chí trong sản xuất tôm giống cần có chế tài xử lý phù hợp (nêu những đơn vị nào sản xuất tốt hay chư tốt); từ tái cấu trúc tôm giống để áp dụng cho lĩnh vực thức ăn, vi sinh, nuôi trồng… để ngành tôm ngày một phát triển tốt hơn.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, nhấn mạnh, năm 2024, dự báo ngành tôm vẫn có thể tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tác động của hậu COVID-19 và xung đột địa chính trị dẫn đến giá vật tư, xăng dầu tiếp tục tăng cao do sự bất ổn trên thế giới. Biến đối khí hậu khắc nghiệt hơn năm 2023 với tăng cao dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn. Đây là nguyên nhân gây ra những yếu tố bất lợi cho tôm nuôi, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và gây khó khăn cho sản xuất. Bên cạnh đó, dịch bệnh trên tôm cũng được dự báo diễn biến phức tập, gây khó khăn cho sản xuất như bệnh vi bào tử trùng, bệnh mờ đục tôm… Trước bối cảnh đó, đòi hỏi công tác quản lý tôm giống phải được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, an toàn với dịch bệnh, góp phần đem lại hiệu quả sản xuất của ngành tôm.
Đề nghị Cục Thủy sản, Cục Thú y, địa phương và các hiệp hội, cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ cần chủ động nguồn tôm bố mẹ từ sản xuất trong nước; cần có giải pháp trong quản lý, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn các điều kiện để chủ động sản xuất trong bối cảnh và tình hình mới. Đặc biệt là tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về sản xuất giống tôm nước lợ, các quy định về sử dụng chất cấm, thuốc, hóa chất trong sản xuất giống tôm nước lợ, nâng cao chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc… Cùng đó, cơ cấu lại tổ chức sản xuất lại theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở tôm giống nhỏ lẻ thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn và phát triển phải đảm bảo chất lượng, an toàn sinh học, dịch vụ tốt
Công tác tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn, nhất là những điểm mới về quản lý giống tôm nước lợ tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP và Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT.
Cơ Nguyên – Hoài Phương
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc