Cần chuẩn bị các vật liệu để làm bể như: Bạt màng HDPE (số lượng vừa đủ theo kích thước bể), keo dán bạt, khung bể nếu có, ống để thoát nước ra vào, lưới để che nắng, cùng một số vật tư khác cần thiết để tạo bể. Tiến hành đào bể theo kích thước đã tính toán sẵn, khi đào đáy ao phải dốc về nơi thoát nước khoảng 10o, rồi chôn ống thoát nước.
Tiếp đó, dùng bạt HDPE đã chuẩn bị trước trải đều ao, mỗi đường bạt trải xếp chồng lên nhau và dùng keo để dán lại. Đồng thời chôn cọc để cố định bạt, cách 5m thì chôn 1 cọc. Khi đã làm xong bể, tiến hành bơm nước vào trong bể nuôi cá, ngâm tầm 3 ngày rồi xả sạch nước.
Trước khi thả cá giống vào trong bể lót bạt cần bơm khoảng 50cm nước. nguồn nước phải đảm bảo chất lượng, tránh bị ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật và các loại hóa chất. Nếu cẩn thận, có thể dùng 1kg muối cho 1m3 nước, để khử khuẩn cho bể bạt và cá giống trước khi thả. Nuôi cá rô đầu vuông trong bể lót bạt, có những ưu điểm như:
· Chống thấm hoàn hảo, đảm bảo ổn định nguồn nước trong bể nuôi.
· Cân bằng độ pH, cung cấp đủ oxy, đảm bảo chất lượng nước nuôi cá tốt nhất.
· Hạn chế nguy cơ mắc dịch bệnh, cá lớn nhanh và phát triển tốt.
· Dễ dàng kiểm soát thức ăn và chăm sóc cá tốt hơn.
· Tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu và chi phí thuê nhân công.
· Thay nước dễ dàng, không mất nhiều thời gian.
· Không gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái tốt.
· Thu hoạch nhanh gọn, tránh tình trạng cá bị thất thoát vào bùn đất.
· Vệ sinh nhanh, thời gian đảo vụ nuôi cũng nhanh hơn.
Hiện nay cá rô đầu vuông có thể sinh sản nhân tạo. Chính vì thế, người nuôi cá rô đầu vuông trong bể bạt, nên lựa chọn cơ sở bán giống có uy tín, cam kết chất lượng con giống. Để đảm bảo hiệu quả nuôi, cần chọn cá giống có kích thước 200 – 300 con/1kg. Nên lựa chọn con giống có kích thước đồng đều, không xây xát, không khuyết tật, không bơi tách đàn. Chú ý trong quá trình vận chuyển cá giống, phải tránh những tác động mạnh ảnh hưởng đến chất lượng cá giống.
Đối với khu vực phía Bắc, thời vụ nuôi cá rô đầu vuông tốt nhất là từ tháng 4 dương lịch trở đi, có thể nuôi quanh năm ở khu vực phía Nam. Thời điểm thả cá giống tốt nhất và vào sáng sớm hoặc chiều tối. Trước khi thả, nên đặt bao chứa cá giống vào trong bể bạt đã chứa nước. Để bao cá trong vòng 10 – 15 phút, sau đó múc nước từ bể cho vào bao một cách từ từ, nhằm giúp cá thích nghi với môi trường sống mới tránh bị sốc. Cuối cùng, từ từ nhấn chìm bao cá giống vào trong bể nước để cá tự bơi ra.
Thức ăn cho cá rô đầu vuông nuôi trong bể bạt phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, để có thể nuôi thâm canh cá rô đầu vuông trong bể bạt, cần sử dụng thức ăn công nghiệp dành cho cá. Tùy theo kích cỡ cá để lựa chọn loại cám có kích thước phù hợp nhất.
Trong tháng đầu tiên và tháng thứ 2 nuôi cá rô đầu vuông trong bể bạt cần sử dụng loại cám có độ đạm 30 – 40%. Từ tháng thứ 2 cho đến khi thu hoạch sử dụng cám có độ đạm từ 28 – 30%. Trong tháng đầu tiên, cho cá ăn trọng lượng thức ăn bằng 5 – 7% trọng lượng cá trong bể. Con số đó ở tháng thứ 2 là 4 – 6% và tháng tiếp theo 3 – 4% trọng lượng cá nuôi.
Có thể cho cá ăn theo 2 bữa. Thời tiết mát mẻ, cho cá ăn vào buổi sáng và chiều tối. Khi thời tiết nóng hoặc lạnh, nên điều chỉnh thời gian cho cá ăn phù hợp nhất. Cần thường xuyên kiểm tra lượng thức ăn trong bể, để điều chỉnh cho phù hợp. Hằng ngày, trước khi cho cá ăn, phải vệ sinh sàng ăn và kiểm tra lượng thức ăn còn lại, để tính toán tăng giảm hợp lý, tránh tình trạng dư thừa làm ô nhiễm nước, hoặc thiếu thức ăn. Đảm bảo đủ số lượng và chất lượng thức ăn, giúp cá mau lớn, đạt tỷ lệ sống cao.
Khi nuôi cá rô đầu vuông trong bể bạt, việc xử lý chất thải phải được tiến hành thường xuyên. Thông thường nên thay nước 5 – 7 ngày/lần. Việc thay nước cần kết hợp với dọn phân và chất thải của cá, để đảm bảo môi trường nước tốt cho cá. Nuôi cá rô đầu vuông trong bể lót bạt, đến khi tầm 200g/con là có thể thu hoạch.
Hoàng Yến
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc