Theo dự báo, thời tiết ở Phú Yên thời gian tới chiều tối và đêm có mưa rào, ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt. Người nuôi cần theo dõi thường xuyên thời tiết để có biện pháp tránh nắng nóng cho tôm hùm nuôi kịp thời; không đặt lồng nuôi ở nơi có độ sâu dưới 8 m nước, đảm bảo khoảng cách giữa lồng nuôi và mặt nước trên 2 m; theo dõi môi trường vùng nuôi, hoạt động của tôm nuôi và chủ động phòng bệnh cho tôm đối với một số bệnh như bệnh sữa, bệnh đỏ thân…
Người nuôi cần theo dõi thường xuyên thời tiết để có biện pháp tránh nắng nóng cho tôm hùm nuôi. Ảnh: ST
Cùng với đó, người nuôi cần hạ lồng nuôi ở tầng nước thích hợp, tăng cường che mát lồng bè bằng lưới lan, nhằm giảm tác động của nhiệt độ đến sức khỏe tôm nuôi do nắng nóng gây ra. Treo túi vôi quanh lồng bè (khoảng 2 kg vôi/túi) nhằm hạn chế mật độ Vibrio spp cao. San thưa mật độ tôm hùm ở các lồng phù hợp với từng giai đoạn tôm nuôi, vệ sinh lưới lồng, thu gom thức ăn thừa sau mỗi lần tôm ăn xong, giữ khoảng cách giữa các bè nhằm tạo sự thông thoáng, tăng khả năng trao đổi nước trong và ngoài lồng nuôi, giảm sự tiêu hao hàm lượng ôxy hòa tan trong nước… Cần chuẩn bị máy sục khí, bình ôxy phòng khi tôm nuôi bị ngợp do ôxy hòa tan thấp cục bộ; thu gom vỏ nhuyễn thể lúc sơ chế và sau khi tôm ăn xong nhằm hạn chế quá trình kỵ khí ở đáy và bồi lắng đáy thủy vực nuôi.
Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cho biết, hiện tác nhân gây bệnh sữa được giám sát trên tôm hùm nuôi ở thị xã Sông Cầu (tại các phường Xuân Phương, Xuân Yên) chiếm 16,7%; vi khuẩn gây đỏ thân tôm hùm (tại các phường Xuân Phương, Xuân Yên) chiếm 33,3%. Khi phát hiện tôm nuôi có dấu hiệu bệnh, người nuôi có thể sử dụng giải pháp kỹ thuật để điều trị bệnh cho tôm, đồng thời bổ sung men vi sinh, vitamin, khoáng vào thức ăn của tôm nhằm nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi.
Minh Nhật
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc