Nguyên nhân: Chủ yếu do Lagenidium sp. gây ra. Ngoài ra, một số loài như Haliphthoros sp., Atkinsiclla sp., Sirolpidium sp. cũng được xem là tác nhân kết hợp gây bệnh. Giai đoạn dễ bị nhiễm bệnh là từ giai đoạn trứng đến ấu trùng cua. Bệnh nấm phát triển rất nhanh.
Triệu chứng: Dấu hiệu nhiễm bệnh là nấm phát triển thành một mạng lưới khắp bề mặt trứng hay cơ thể và phụ bộ của ấu trùng, sau đó ăn vào và thay thế phần mô của ấu trùng. Khối trứng bị nhiễm nấm sẽ có màu trắng đục, nhầy và rơi nhiều. Ấu trùng bị nhiễm sẽ lắng đáy bể, tạo lớp nhầy ở đáy. Trứng và ấu trùng cua bị nhiễm nấm sẽ bị chết rất nhanh nếu không xử lý kịp thời.
Có nhiều tác nhân gây bệnh trên cua như nấm, virus, vi khuẩn. Ảnh: ST
Phòng, trị bệnh: Để phòng ngừa, cần vệ sinh, tẩy rửa tiệt trùng dụng cụ kỹ bằng Chlorine 200 mg/L, Formalin 50 mg/L, xà phòng 50 mg/L. Cần xử lý cua mẹ kỹ trước nuôi vỗ bằng Formaline 100 – 150 mg/L trước khi nuôi. Xử lý trứng và ấu trùng bằng Furanace 0,1 mg/L, Formalin 25 mg/L.
Nguyên nhân: Bệnh do ký sinh trùng giáp xác chân tơ gây ra. Bệnh thường diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 11 – 12 năm trước đến tháng 3, tháng 4 năm sau. Ký sinh trùng giáp xác chân tơ trưởng thành và ấu trùng của ký sinh trùng ký sinh trong xoang thân cua, xâm nhập vào mô cơ, gan, tim của cua.
Triệu chứng: Cua hoạt động chậm chạp, màu sắc nhợt nhạt (hồng), mai cua bị đóng rong, bám bẩn, bắt cua lên tách ra trong mang, xoang thân có ký sinh trùng bám, cua có thể sống được 2 – 3 ngày nhưng chất lượng thịt cua giảm (bị ốp). Trọng lượng cua bệnh và chết nhiều từ 100 – 200 g/con.
Dấu hiệu: Các nghiên cứu cho thấy, cua thương phẩm thường gặp bệnh này. Cua nhiễm bệnh có dấu hiệu lờ đờ, thịt đỏ. Khi dùng kim hút dịch máu cua thì máu bị đông tụ rất nhanh. Cua bị nhiễm Hematodinium sp. sẽ có thịt đắng, và vì vậy ảnh hưởng chất lượng thịt. Tần suất xuất hiện Hematodinium sp. trong máu tùy trường hợp có thể đến 17 – 90%.
Bằng phương pháp nhuộm Giemsa có thể phân biệt tế bào máu có sự hiện diện của Hematodinium sp. và tế bào bình thường. Khi bị nhiễm Hematodinium sp. tế bào chất không bắt màu nhiễm sắc thể cô đặc lại bắt màu đỏ tía với kích thước trung bình tăng lên khoảng 11 µm. Tế bào bình thường có kích thước nhỏ hơn với sự bắt màu toàn bộ màu hồng.
Việc phòng và trị bệnh này trên thế giới chưa có nhiều nghiên cứu.
Nguyên nhân: Do một số loài Vibrio anguillarum, V. alginolyticus, V. parhaemolyticus. Ngoài ra, một số loài như Pseudomonas spp., Plavvobacterium và Aeromonas spp., cũng thường kết hợp gây bệnh.
Dấu hiệu: Bệnh thường xảy ra ở tất cả các giai đoạn trứng, ấu trùng, cua con, và cua trưởng thành, ở cua nuôi hay cua tự nhiên. Ở giai đoạn ấu trùng, biểu hiện là cơ thể có màu trắng đục hay mất sắc tố, phụ bộ bị ăn mòn, hoạt động chậm chạp, bỏ ăn, rỗng ruột và dễ bị lắng xuống đáy bể. Đôi khi ấu trùng bị phát sáng vào ban đêm. Bệnh bộc phát và chết nhanh có thể đến 100%. Cua lớn thường có dấu hiện là đốm nâu, đốm đen trên mai, trên càng và các phụ bộ. Cua lờ đờ, giảm bắt mồi. Trường hợp bị nặng, các đốm đen, đốm nâu trên vỏ bị lở loét, tạo điều kiện cho nhiều mầm bệnh khác tấn công, như vi khuẩn dạng sợi, nấm, động vật nguyên sinh, Nematoda… Cua nuôi vỗ thời gian dài 2 – 3 tháng thường bị nhiễm khuẩn và gây bệnh đốm nâu, đốm đen.
Cần phòng bệnh bằng cách vệ sinh tẩy trùng bể và ao nuôi kỹ. Chăm sóc quản lý tốt môi trường nước nuôi. Đối với ấu trùng cua, có thể trị bằng EDTA 10 – 50 mg/L, Formaline 10 – 25 mg/L, Oxytetracyline 1 – 10 mg/L. Đối với cua lớn dùng Oxytetracyline 1,5 g/kg thức ăn. Trị liên tiếp trong 14 ngày.
Nguyên nhân: Các nghiên cứu cho thấy, mang đen có thể do nhiều nguyên nhân gồm các mầm bệnh và môi trường xấu. Mầm bệnh được phát hiện trên mang đen gồm động vật nguyên sinh, nấm, nhất là Fusarium, vi khuẩn, vi khuẩn dạng sợi, tảo bám… Môi trường xấu gây bệnh đen mang thường liên quan đến nền đáy ao bị ô nhiễm, đen, thối, nước tù động…
Dấu hiệu: Bệnh đen mang thường được phát hiện ở cua lớn, bao gồm cả cua nuôi và cua tự nhiên. Tùy trường hợp, mang có thể bị đen một phần hay toàn bộ cả các mang. Cua càng lớn và lâu lột xác, có vỏ quá cứng chắc thường bị đen mang nhiều hơn cua nhỏ và lột xác thường xuyên. Cua bị đen mang sẽ ảnh hưởng đến hô hấp của cua. Cua biểu hiện lờ đờ. Thiệt hại trong nuôi cua do bệnh đen mang gây ra chưa được nghiên cứu nhiều, tuy nhiên, đây là bệnh thường gặp ở cua.
Trị bệnh: Để điều trị bệnh, cần tắm cho cua bằng Formaline với nồng độ 16 – 30 ml/m3 nước trong 15 – 20 phút, có sục khí, thời gian điều trị 6 đến 8 ngày. Tắm cho cua bằng dung dịch Sulfat đồng với nồng độ 0,6 g/m3, mỗi lần tắm trong 6 – 8 phút có sục khí. Thời gian chữa trị 6 đến 8 ngày. Đồng thời, tiến hành dùng vôi bột để diệt các ký sinh trùng, vi khuẩn.
Các nghiên cứu đến nay cho thấy, cua biển giống Scylla bị nhiễm bệnh với 4 loại virus gồm: Virus đốm trắng WSSV, virus hoại cơ, Reovirus và Baculovirus.
Bệnh virus đốm trắng ở cua biển được biết đến rất nhiều do cua thường là vật mang mầm bệnh virus đốm trắng cho tôm biển nuôi. Các nghiên cứu cho thấy, cả cua tự nhiên và cua nuôi gồm tất cả các giai đoạn đều có khả năng mang mầm bệnh virus đốm trắng. Các báo cáo cho thấy, có từ 5 – 60% quần đàn cua tự nhiên và cua nuôi, từ ấu trùng đến cua thương phẩm mang mầm bệnh virus đốm trắng. Mặc dù mang mầm bệnh virus đốm trắng, tuy nhiên, cua không bị bệnh và chết như tôm. Các biện pháp chẩn đoán chuyên sâu theo phương pháp PCR tương tự như ở tôm.
Đối với virus hoại tử cơ, virus (có đường kính 150 nm) này xuất hiện trên cua nuôi và gây hoại tử cơ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu về mức độ phổ biến của virus này đến nay.
Bệnh Reovirus được phát hiện ở cua nuôi với triệu chứng như bệnh “gây ngủ”, làm cua chết nhiều ở Trung Quốc. Virus này có đường kính 70 nm, tấn công vào gan tụy, mang và ruột của cua. Nghiên cứu cảm nhiễm trên cua cho thấy bệnh có thể gây chết 80 – 100% cua. Bệnh Baculovirus thường được phát hiện ở cả cua nuôi và cua tự nhiên, đặc biệt trên gan tụy. Mức độ phổ biến của bệnh do Baculorvirus hiện vẫn chưa được nghiên cứu chi tiết. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng cho thấy rằng, tôm biển kháng với Baculorvirus cua biển.
Khi phát hiện cua nuôi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc chết, báo ngay cho cán bộ khuyến nông, thú y để kịp thời phối hợp xử lý.
Nên chọn con giống tốt, giống cỡ lớn, chất lượng, không mang mầm bệnh và áp dụng quy trình nuôi tiên tiến, ương, nuôi 2 – 3 giai đoạn, nhằm hạn chế rủi ro.
Thả giống với mật độ vừa phải, không nên thả quá nhiều giống sẽ không đủ thức ăn tự nhiên ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của đối tượng nuôi.
Cần có khu vực ương gièo cua giống riêng để dễ chăm sóc, quản lý giúp cua thích nghi tốt với điều kiện môi trường nước mới, hạn chế bệnh, chủ động cua giống khi thả bổ sung, tăng tỷ lệ sống trong quá trình nuôi.
Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học và bổ sung phân hữu cơ 2 lần/tháng để làm sạch đáy ao, hạn chế khí độc, ổn định môi trường nuôi và tạo chuỗi thức ăn tự nhiên cho cua, nhằm tăng sức đề kháng và giảm mầm bệnh trong vuông nuôi.
Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, nhiệt độ, độ mặn, ôxy hòa tan… Quan sát hoạt động của cua nuôi và theo dõi tình hình dịch bệnh của những hộ nuôi trong khu vực để có biện pháp phòng bệnh kịp thời.
Những nơi nguồn nước cấp bị cạn kiệt, không đảm bảo cho vuông nuôi thì nên ngưng thả thêm giống để hạn chế thiệt hại.
Thường xuyên gia cố bờ bao, hạn chế nước rò rỉ, đảm bảo mực nước phù hợp. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng thường xuyên cấp thêm nước để duy trì và ổn định các yếu tố môi trường.
Thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, phòng bệnh tổng hợp trong quản lý, chăm sóc cua nuôi.
Thái Thuận
(Tổng hợp)
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc