Nuôi cá tầm thường sử dụng các nguồn nước trong tự nhiên (sông suối, các hồ chứa nhân tạo và các hồ tự nhiên hoặc nguồn nước từ các mạch ngầm, với nguồn nước mạch ngầm cần làm giàu hàm lượng ôxy trong nước trước khi đưa vào hệ thống nuôi).
Môi trường thích hợp cho cá tầm sinh trưởng và phát triển tốt là: nước lưu thông, nhiệt độ thích hợp từ 16 – 280C, pH từ 6,5 – 8; hàm lượng ôxy hòa tan trong nước > 5 mg/l.
Nuôi cá tầm Siberi ở xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Thu Nga
Tại Việt Nam, trang trại chăn nuôi cá tầm lấy trứng thường được xây dựng ở những vùng núi cao có khí hậu mát mẻ như: Đà Lạt, Sơn La, Sa Pa (Lào Cai)… Theo đó, chất lượng trứng cá tầm ở những vùng này do được nuôi và thu hoạch theo tiêu chuẩn Nga, nên được đánh giá rất tốt bởi các chuyên gia.
Nuôi cá tầm lấy trứng có thể được thực hiện ở trong lồng hoặc bể. Ở hình thức nuôi bể, bể nuôi cá tầm có thể tích khoảng 30 – 50 m³, cần được dọn vệ sinh sạch sẽ. Sử dụng Chlorine, Iodine hoặc thuốc tím để sát trùng trước khi nuôi vụ mới. Khi làm bể cần lưu ý làm khung giàn phía trên bể và dùng lưới che nắng để tạo độ mát cho khu vực nuôi và giữ cho nhiệt độ của nước luôn ở nhiệt độ ổn định, tránh để cá tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời quá nhiều. Vì cá tầm là loại cá xuất phát từ xứ lạnh nên ảnh hưởng của nhiệt độ là khá lớn. Do đó, phải luôn đặt các nhiệt kế để kiểm tra nhiệt độ của bể, tránh làm cá bị sốc nhiệt.
Độ sâu của bể phải ít nhất từ 2 đến 2,5 m để tránh việc cá bị thiếu ôxy. Nước suối tự nhiên trước khi cho vào bể nuôi cần qua hệ thống lắng, lọc để loại bỏ tạp chất. Nước thải cũng cần có hệ thống lắng, lọc để loại bỏ chất thải trước khi xả ra môi trường.
Đáp ứng các tiêu chuẩn cá giống (theo TCVN 12271-1:2018):
– Tuổi cá tính từ ngày nở > 80 ngày;
– Ngoại hình cân đối, vây vẩy nguyên vẹn, thân cá có màu đặc trưng của loài, bụng có màu trắng hoặc vàng còn ở sườn và lưng có màu xám hoặc nâu sẫm; chiều dài cá ≥ 15 cm; không dị hình;
– Trạng thái hoạt động: Linh hoạt và tập trung nhiều ở đáy bể;
– Tình trạng sức khỏe: Cá khỏe mạnh, không có dấu hiệu bệnh lý.
Cá tầm giống có thể nuôi bắt đầu từ tháng 3 hàng năm khi nhiệt độ nước ở ngưỡng phù hợp. Trước khi thả cần ngâm bao cá giống xuống nước trong bể khoảng 15 – 20 phút để cân bằng nhiệt độ bên trong bao và bên ngoài môi trường nước. Sau đó mở miệng bao, cho nước từ từ vào bao để cá trong bao tự bơi ra ngoài. Trong ngày đầu, không cho ăn để cá thích nghi với môi trường mới.
Mật độ thả nuôi bể: 2 – 3 kg/ m³.
Thức ăn công nghiệp dạng viên chìm, đảm bảo chất lượng, không chứa các chất cấm theo quy định, đảm bảo đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thức ăn thủy sản (đối với thức ăn hỗn hợp, thức ăn bổ sung và thức ăn tươi sống), đảm bảo các yêu cầu sau đây:
– Thành phần protein (đạm): 40 – 50%
– Thành phần lipid (mỡ): 12 – 20%
– Độ ẩm: < 11%
– Thành phần khoáng: 7 – 10%
– Chất xơ: < 3%
– Không nhiễm các loại vi sinh vật gây bệnh cho cá
– Kích cỡ viên phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cá: 0,5 – 2 mm cho giai đoạn cá bột và cá hương; 3 – 4 mm cho giai đoạn cá giống; 5 mm trở lên cho giai đoạn cá thương phẩm.
Cá tầm thường ăn theo đàn vì vậy từ khi mới thả nên tập cho cá ăn theo thói quen này, nhằm kích thích khả năng bắt mồi. Bên cạnh đó, nên chọn vị trí bên cạnh cống cấp nước về phía cống thoát để cho ăn vì trong quá trình ăn cá cần nhiều ôxy hơn và thức ăn thừa có thể di chuyển về cống thoát. Thời gian cho ăn nên kéo dài từ 5 – 10 phút để tăng khả năng sử dụng thức ăn.
Trong quá trình nuôi, đảm bảo nước cấp liên tục để duy trì hàm lượng ôxy trong nước ổn định. Xiphong thức ăn thừa và phân cá hàng ngày. Ghi chép nhật ký hàng ngày về thức ăn và số lượng cá chết, điều kiện môi trường nuôi… Thường xuyên quan sát hoạt động của cá, phát hiện các hiện tượng bất thường để xử lý kịp thời. Kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá 15 ngày/lần để điều chỉnh lượng thức ăn cho kỳ tiếp theo.
Thông thường tầm sau khi nuôi được 5 năm mới có thể xác định được đúng giới tính của chúng. Và đối với cá tầm Siberi, sau khi trải qua quá trình 8 năm các cơ sở sản xuất mới có thể thu hoạch được trứng cá tầm.
Cá trưởng thành đến thời kỳ sinh sản được đem đi siêu âm, sau đó được mổ lấy trứng bằng phương pháp rạch bụng. Quy trình lấy trứng cá tầm cũng phải rất cẩn thận. Trước tiên, đầu bếp dùng dao sắc rạch một đường có độ sâu vừa phải vào bụng cá để tránh làm vỡ trứng, sau đó nhẹ nhàng lấy trứng ra và phân loại theo màu sắc, độ kết dính. Bước cuối cùng, trứng được ướp muối và đóng hộp.
>> Dự án “Ứng dụng công nghệ nuôi cá tầm Siberi khai thác trứng thương phẩm tại tỉnh Thái Nguyên” do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Thái Nguyên triển khai từ tháng 11/2020 và sẽ kết thúc vào cuối năm 2023. Dự án có diện tích 2.000 m², tổng thể tích bể nuôi là trên 700 m³, được bố trí bên cạnh Khu du lịch hang Phượng Hoàng, xã Phú Thượng (huyện Võ Nhai) – nơi có nguồn nước sạnh chủ động vào cả mùa đông và mùa hè. Theo kết quả đánh giá môi trường, chất lượng nước ở đây phù hợp với nước nuôi cá tầm Siberi khai thác trứng thương phẩm. Dự án đã tuyển chọn cá có khả năng khai thác trứng/số cá đưa vào nuôi vỗ (với số lượng 123/180 con cá), khối lượng từ 17 đến 20 kg/con. Đến nay, lượng cá cho khai thác trứng là 20 con; số lượng trứng cá đã được đưa vào sơ chế là 15 kg, số lượng trứng cá chế biến là trên 10 kg. Dự án đã khai thác trứng đạt 95% khối lượng theo yêu cầu đề ra.
Lê Loan
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc