Với 3.200 km bờ biển, 112 cửa sông, 660.000 ha bãi triều và 2.200 loài đã được xác định, Việt Nam có tiềm năng lợi thế rất lớn trong phát triển nuôi nhuyễn thể. Theo Bộ NN&PTNT, nhuyễn thể được xác định là một trong những ngành hàng hải sản chủ lực bởi giá trị kinh tế và tiềm năng phát triển. Các đối tượng nuôi chủ yếu là: nghêu (ngao), tu hài, ốc hương, trai ngọc, điệp, bào ngư, hàu… Các tỉnh nuôi nhuyễn thể chủ lực gồm: Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Hơn 23 tỷ con giống hàu Thái Bình Dương Kim Sơn đã được kiểm dịch và cung cấp cho vùng nuôi ở Quảng Ninh trong 3 năm. Ảnh: Phạm Quân
Năm 2022, cả nước có khoảng gần 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống nhuyễn thể, trong đó chủ yếu sản xuất giống nghêu. Sản lượng giống nghêu hàng năm hơn 130 tỷ con, đáp ứng được trên 60% nhu cầu nuôi. Nhiều địa phương, Hợp tác tã và người dân đã chủ động được công nghệ sản xuất giống nhiều đối tượng nhuyễn thể chủ lực, kết hợp chế biến với công nghệ, thiết bị hiện đại, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Nghề nuôi nhuyễn thể đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân các vùng ven biển. Tuy nhiên, nghề này hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn như nguồn lợi suy giảm, tác động của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu và đặc biệt là chất lượng con giống không ổn định.
Theo ông Chu Chí Thiết, Giám đốc Phân viện Nuôi trồng thủy sản Bắc Trung bộ, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Việt Nam đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống nhân tạo nhuyễn thể, chủ yếu tập trung vào đối tượng 2 mảnh vỏ như ngao, nghêu, ngao 2 cùi, tu hài, hàu biển, hàu cửa sông… và các đối tượng chân bụng như ốc hương, bào ngư… Tuy nhiên, theo đánh giá từ nghiên cứu và thực tế, các đối tượng nhuyễn thể đang có xu hướng suy thoái về chất lượng giống, tốc độ tăng trưởng chậm hơn, tỷ lệ thịt trên vỏ giảm so những năm trước, tỷ lệ sống của các đối tượng khác thấp hơn khi được đưa từ cơ sở sản xuất giống về vùng nuôi.
Quảng Ninh là địa phương có tiềm năng, thế mạnh để nuôi trồng thủy, hải sản nhất là nhuyễn thể như hàu cửa sông, hàu đại dương, ngao 2 cùi… Tuy nhiên thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh con giống tại Quảng Ninh chưa đáp ứng được 50% nhu cầu. Do không có đủ con giống, nhiều vùng nuôi của Quảng Ninh nhập giống ở nhiều địa phương khác, dẫn tới không kiểm soát được chất lượng, con giống chậm lớn hay mắc bệnh…
Nhằm thúc đẩy nghề nuôi nhuyễn thể theo hướng bền vững, phát huy được tiềm năng, lợi thế của hai tỉnh Ninh Bình và Quảng Ninh, đồng thời tạo lập mối liên kết, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng giống thủy sản, ngày 28/9/2020, Sở NN&PTNT Quảng Ninh và Ninh Bình đã ký Bản ghi nhớ về việc phối hợp cung ứng, quản lý chất lượng giống nhuyễn thể giữa 2 tỉnh Ninh Bình và Quảng Ninh.
Đến nay, sau 3 năm triển khai, việc thực hiện Bản ghi nhớ đã giúp hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nhuyễn thể bền vững. Các cơ sở sản xuất giống nhuyễn thể đều chấp hành tốt quy định của pháp luật về sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Hai bên đã tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền về thực hiện các quy định của Luật Thủy sản; 7 hội nghị hướng dẫn thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản cho hơn 500 lượt người tham dự trên địa bàn huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Đến tháng 11/2023, 47 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống nhuyễn thể đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện. Năng suất con giống trung bình đạt khoảng 7,6 triệu con/ha, giúp người nuôi thu lợi nhuận từ 300 – 400 triệu đồng/ha/ năm. Có hộ đạt 1 tỷ đồng/ha/năm.
Từ năm 2020 đến nay, hơn 23 tỷ con giống hàu Thái Bình Dương Kim Sơn đã được kiểm dịch và cung cấp cho vùng nuôi ở Quảng Ninh. Tháng 2/2023, nhãn hiệu “Hàu giống Kim Sơn” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ. Đây là bước đệm quan trọng giúp nâng tầm giá trị sản phẩm, tạo sức cạnh tranh và thúc đẩy sản xuất địa phương phát triển.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Ninh Bình hy vọng, thời gian tới, hai địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, giúp hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nhuyễn thể bền vững. Ninh Bình mong muốn phía Quảng Ninh tiếp tục tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống nhuyễn thể của tỉnh tìm hiểu, làm việc, hợp tác phát triển sản xuất với các cơ sở nuôi nhuyễn thể thương phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thông qua các hội, hiệp hội nghề nghiệp.
>> Hiện, việc sản xuất giống nhuyễn thể tại Ninh Bình ngày càng mở rộng. Đại diện Sở NN&PTNT 2 tỉnh Quảng Ninh và Ninh Bình thống nhất cần nghiên cứu thành lập một trung tâm sản xuất giống bố mẹ chất lượng cao, giúp chuẩn hóa đầu vào và hạn chế các dịch bệnh phát sinh.
Diệu Châu
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc