Cá rô phi ăn tạp, dễ nuôi, tốc độ sinh trưởng nhanh, thịt thơm ngon, có giá trị kinh tế, được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, đây cũng là đối tượng có khả năng thích ứng môi trường cao, sống tốt được ở cả môi trường nước ngọt và nước lợ.
Nghề nuôi cá rô phi ngày càng mở rộng và phát triển trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Cùng với xu hướng phát triển của nghề nuôi cá rô phi trên thế giới (dự báo đến năm 2030, sản lượng cá rô phi trên toàn cầu sẽ tăng gần gấp đôi so với năm 2010, từ 4,3 triệu tấn/năm lên 7,3 triệu tấn/năm), Bộ NN&PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) xác định đây là sản phẩm thủy sản chủ lực của nước ta sau tôm nước mặn, lợ và cá tra.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dịch bệnh trên cá rô phi do vi khuẩn Streptococus agalactiae ngày càng tăng và trở thành một thách thức lớn cho nghề nuôi cá rô phi. Bùng phát bệnh do S. agalactiae trên cá rô phi đã được báo cáo ở hầy hết các nước nuôi cá rô phi thế giới, đặc biệt những nước nuôi cá rô phi chủ lực như Trung Quốc, Israel, Thái Lan, Indonesia, Brazil (Mian và cộng sự, 2009; Suanyuk và cộng sự, 2008; Zhang và cộng sự, 2008). Tỷ lệ chết ghi nhận đã lên đến 70% sau thời gian ngắn nhiễm bệnh, bệnh bùng phát mạnh khi nhiệt độ môi trường cao trên 300C (Najiah và cộng sự, 2012).
Ở nước ta, vi khuẩn S. agalactiae đã được phát hiện gây bệnh trên cá rô phi nuôi ở một số tỉnh miền Bắc vào năm 2009. Các công bố chính thức về tác nhân gây bệnh này sau đó đã được thực hiện bởi các nhóm tác giả Đặng Thị Hoàng Oanh và Nguyễn Thanh Phương (2021) ở Tiền Giang; Trương Đình Hoài và cộng sự (2014) ở một số khu vực nuôi miền Bắc; Nguyễn Ngọc Phước và cộng sự ở một số vùng nuôi tại Thừa Thiên – Huế.
Cá rô phi bị bệnh có biểu hiện mắt bị lồi đục, có hiện tượng bơi xoắn ốc hoặc bơi vòng tròn, xuất huyết và viêm màng não, và tỷ lệ chết cao lên đến 60 – 70% trong vòng 5 – 7 ngày, do đó gây nhiều thiệt hại kinh tế cho người nuôi (Nguyễn Ngọc Phước và cộng sự, 2019).
Sử dụng kháng sinh là giải pháp phổ biến được nhiều hộ nuôi lựa chọn để phòng trị bệnh do vi khuẩn S. agalactiae trên cá rô phi. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh rất dễ dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh các loài vi khuẩn gây bệnh trên động vật thủy sản, và truyền các gen kháng kháng sinh cho các loài vi khuẩn trong môi trường và vi khuẩn gây bệnh trên người. Ngoài ra, việc tích lũy kháng sinh trong động vật thủy sản có thể gây hại cho môi trường và cho người tiêu dùng.
Xuyên tâm liên có khả năng bảo vệ cao cho cá rô phi với vi khuẩn S. agalactiae. Ảnh: Bioecoactual
Vì vậy, các nhà khoa học đang tìm kiếm các giải pháp thay thế trong việc kiểm soát bệnh nhiễm khuẩn trong nuôi trồng thủy sản. Những năm gần đây, việc sử dụng thảo dược trong phòng trị bệnh nhiễm khuẩn đang ngày càng trở nên phổ biến do những ưu điểm: dễ tìm kiếm, giá thành thấp, hoạt tính kháng khuẩn cao, có khả năng kích thích hệ miễn dịch tự nhiên của vật chủ, thân thiện với môi trường, không gây nên hiện tượng kháng thuốc và đặc biệt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với con người.
Hiện nay, đã có một số nghiên cứu cho thấy rằng nhiều loại thảo dược có khả năng kháng vi khuẩn Gram dương gây bệnh như tía tô, xuyên tâm liên, kinh giới, cỏ mực và một số loại thảo dược khác. Một số loại thảo dược đã được thử nghiệm trong phòng và trị bệnh cho các đối tượng thủy sản như: Cây xoan (Melia azedarach L), sài đất (Wedelia chinensis), tỏi (Allium sativum L.), cây xuyên tâm liên (Andrographus panicullata), cỏ nhọ nồi (Eclipta alba Hassk), cây trâm bầu (Combretum quadrangulare).
Trong nghiên cứu này, 8 loại cao chiết thảo dược được sử dụng để đánh giá khả năng kháng S. agalactiae trong điều kiện in vitro và thử độc tính trên cá rô phi nhằm chọn ra loại thảo dược có hiệu quả cao để làm tiền đề cho việc tạo chế phẩm thảo dược phòng trị bệnh trên cá rô phi.
Các loại thảo dược gồm: Tía tô (Perilla frutescens), kinh giới (Elsholtzia ciliata), bạch chỉ (Angelica dahurica), xuyên tâm liên (Andrographis paniculata), cỏ mực (Eclipta prostrata), cỏ gà (Cynodon dactylon), sài đất (Wedelia chinensis), mướp đắng (Momordica charantia) được đem về phòng thí nghiệm, sau đó đưa đi rửa sạch với nước và thu lá cắt nhỏ; riêng bạch chỉ thu phần rễ củ. Các loại thảo dược được cho vào tủ sấy ở nhiệt độ 60 – 700C trong 6 giờ trước khi chiết xuất cao chiết.
Nghiền nhỏ riêng từng loại thảo dược khô và bảo quản thảo dược ở 40C. Các loại cao chiết được chiết xuất trong 3 loại dung môi: Nước cất, ethanol 96% và methanol 99,8%, được xử lý nhiệt và cô quay để loại bỏ dung môi.
Vi khuẩn thí nghiệm: 12 chủng vi khuẩn gây bệnh được phân lập từ mẫu cá rô phi bị bệnh lồi mắt xuất huyết, trong đó có 6 chủng thuộc Sequence Type (ST) 283 (kiểu huyết thanh III) và 6 chủng ST 1395 (kiểu huyết thanh Ib).
Cá rô phi (Oreochromis sp.), trọng lượng cơ thể trung bình 20 g được nuôi cách ly trong bể nhựa với nhiệt độ duy trì khoảng 28 – 300C trong 14 ngày. Cá thí nghiệm được cho ăn hai lần/ngày ở mức 3% trọng lượng thân vào lúc 8 giờ sáng và 2 giờ chiều. Sục khí liên tục 24 giờ/ngày. Trước khi bố trí thí nghiệm, đàn cá được kiểm tra không bị nhiễm vi khuẩn Streptococcus agalactiae bằng cách cấy trực tiếp mẫu não của 5 cá ngẫu nhiên trong bể lên môi trường TSA và ủ ở nhiệt độ 280C trong 24 giờ.
Vi khuẩn Streptococcus agalatiae là tác nhân gây bệnh chính trên cá rô phi nuôi trên thế giới và Việt Nam, trong đó các chủng thuộc ST 283 thuộc kiểu huyết thanh III là nhóm có độc lực rất mạnh và vừa gây bệnh cho cá vừa gây bệnh cho người (Phuoc và cộng sự, 2021; FAO, 2021), chính vì vậy chủng S. agalactiae ST 283 được ưu tiên lựa chọn trong thử nghiệm khả năng kháng khuẩn của các loại cao chiết trong điều kiện in vivo.
Kết quả cho thấy, trong 8 loại thảo dược thì tía tô, kinh giới, xuyên tâm liên và cỏ mực trong dung môi nước cất cho khả năng kháng khuẩn cao nhất với các chủng S. agalactiae ST283 kiểu huyết thanh III và S. agalactiae ST1395 kiểu huyết thanh Ib.
Nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) và nồng độ tiêu diệt tối thiểu (MBC) của 4 loại cao chiết thảo dược này dao động từ 312 mg/L đến 2.500 mg/L trên các chủng S. agalactiae ở cả hai kiểu huyết thanh. Xuyên tâm liên cho khả năng kháng khuẩn tốt nhất với MIC và MBC là 312 mg/L, thấp hơn các loại thảo dược còn lại.
Kết quả khảo sát độc tính của các loại thảo dược trên cá rô phi cho thấy tỷ lệ sống 100% của cá rô phi khi được cho ăn thức ăn trộn với các nồng độ MBC của dung dịch chiết thảo dược tía tô, kinh giới, xuyên tâm liên, cỏ mực và dung dịch đối chứng nước sau 14 ngày theo dõi. Điều này cho thấy, các loại cao chiết xuyên tâm liên, kinh giới, tía tô, và cỏ mực trong dung môi nước được xác định an toàn cho cá rô phi và có thể sử dụng trong nghiên cứu phòng trị bệnh trên cá.
Cả 4 loại cao chiết thảo dược xuyên tâm liên, kinh giới, tía tô, và cỏ mực trong dung môi nước đều có khả năng bảo vệ cao cho cá rô phi với vi khuẩn S. agalactiae.
Thanh Hiếu
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc