Khuyến cáo một số giải pháp quản lý tôm nuôi trong giai đoạn nắng nóng

Thứ năm - 25/05/2023 22:05 890 0
Khuyến cáo một số giải pháp quản lý tôm nuôi trong giai đoạn nắng nóng

Hiện nay, thời tiết đã bắt đầu có những đợt nắng nóng diễn ra khiến cho nhiệt độ môi trường tăng cao, nước bốc hơi nhanh làm cho độ mặn trong ao nuôi liên tục biến động, đặc biệt từ đầu tháng 4/2023 đến nay, có thời điểm nhiệt độ nước cao hơn ≥36oC. Trong khi đó tôm là động vật biến nhiệt, điều chỉnh nhiệt độ thân thể theo nhiệt độ môi trường, tôm sinh trưởng và phát triển tốt trong khoảng 26 – 32oC.

Thời tiết nắng nóng sẽ khiến cho tôm hoạt động nhiều hơn, trong khi tảo, vi khuẩn có điều kiện phát triển mạnh dẫn tới mau tàn, tạo ra khí độc và thiếu ôxy về đêm. Điều này đã làm ảnh hưởng đến diện tích nuôi tôm của người dân, đặc biệt đối với mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến – kết hợp, tôm – rừng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

Theo phản ánh của Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu do nắng vẫn tiếp tục kéo dài gay gắt hơn 40 ngày qua đã làm phát sinh tình trạng tôm chết từ từ, rải rác nhiều nơi với diện tích khoảng 679 ha (Lộc Ninh 429 ha, Ninh Thạnh Lợi 200 ha, Ninh Hòa 26 ha, Vĩnh Lộc 19 ha, Ninh Quới A 5 ha). Trước tình trạng đó, Chi cục Thủy sản Bạc Liêu đã chủ động phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân tiến hành khảo sát thực tế và thu mẫu tôm bệnh, mẫu nước trong vuông/ao nuôi, ngoài kênh cấp trên địa bàn một số xã của huyện Hồng Dân; để gửi phân tích, xét nghiệm nhằm sớm tìm ra nguyên nhân gây ra hiện tượng tôm chết hiện nay và cũng như có những khuyến cáo, giải pháp kỹ thuật giúp người dân hạn chế rủi ro, yên tâm sản xuất.

Thu mẫu tôm bệnh để xác định nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục. Ảnh: Thanh Thiện

Trước mắt, để hạn chế những tác động bất lợi của thời tiết nắng nóng hiện nay, giảm tỷ lệ thiệt hại cho tôm nuôi của bà con nông dân, góp phần duy trì tính hiệu quả mô hình sản xuất tôm – lúa; Chi cục Thủy sản Bạc Liêu khuyến cáo bà con, người nuôi tôm thực hiện một số biện pháp như sau:

– Trước khi bắt đầu vụ nuôi mới, cần sên vét vuông nuôi theo khuyến cáo ngành chuyên môn, đảm bảo duy trì mực nước mương bao ≥1,2 m, trên trảng >0,5 m để ổn định các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng thích hợp: Độ trong từ 0,3 – 0,4 m để tránh sự phát triển của rong đáy, rong nhớt quá mức; nhiệt độ nước ổn định không vượt quá 320C, tránh được nhiệt độ biến động ngày và đêm trên 50C.

– Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, người nuôi tôm tăng cường vitamin, khoáng chất… nhằm giúp tăng sức đề kháng cho tôm chống chọi với điều kiện nắng nóng. Thường xuyên kiểm tra mực nước trong vuông nuôi và kịp thời bổ sung khi thấy mực nước trong vuông không đảm bảo, lưu ý khi lấy nước vào vuông cần thông qua túi lọc bằng vải kate (đường kính 0,6 m, dài từ 10 – 15 m) để hạn chế mầm bệnh bên ngoài có thể xâm nhập vào vuông nuôi. Theo dõi chất lượng nước ngoài kênh (mực nước, tình hình dịch bệnh xung quanh…) trước khi cấp vào vuông nuôi. Khuyến cáo người dân nếu có điều kiện nên bố trí ao lắng/ao chứa nước để chủ động trữ nước và cấp vào ao nuôi khi cần thiết.

– Khuyến cáo người nuôi tôm tăng cường theo dõi yếu tố môi trường, sức khỏe tôm nuôi (đặc biệt đối với tôm nuôi giai đoạn từ 1 – 2 tháng tuổi). Kiểm tra, duy trì các yếu tố môi trường trong khoảng thích hợp: Nhiệt độ từ 26 – 320C, pH từ 7,5 – 8,5 (chênh lệnh ngày đêm không quá 0,5); độ mặn 8 – 15‰ (vùng sản xuất tôm – lúa), ôxy hòa tan >4 mg/L, độ kiềm 80 – 160 mg/L, khí độc NH4/NH3 và NO2 < 0,1 mg/L.

Thường xuyên theo dõi chất lượng nước của vuông nuôi thông qua màu nước: Nếu màu nước trong vuông là xanh đọt chuối (tảo lục) và màu vàng nâu (tảo khuê) là nước tốt, nếu nước không có 2 màu trên thì cần thay nước và bổ sung phân hữu cơ. Xác định mật độ tảo thông qua độ trong: Nếu độ trong từ 0,3 – 0,4 m là tốt, nếu độ trong dưới 0,2 m thì cần thay nước, nếu độ trong trên 0,4 cm thì cần bổ sung phân hữu cơ. Nếu trong ao có rong bún, rong câu, rong đuôi chuồn với mật độ ≤30% thì tốt, nếu >30% thì cần vớt bớt lên bờ. Nếu trong vuông nuôi có xuất hiện rong nhớt, rong mền là không tốt, cần vớt hết ra ngoài vuông nuôi; để không có rong nhớt, rong mền thì đầu vụ nên cắt bớt gốc rạ, khi lấy nước vào đảm bảo mực nước trên trảng ≥0,5 m và bổ sung phân hữu cơ gây màu nước. Định kỳ bổ sung phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh (có thể ủ để tăng hiệu quả sử dụng), thả kết hợp một số loài cá ăn rong tảo để kiểm soát tốt rong tảo trong vuông nuôi.

– Bên cạnh đó, bà con nuôi tôm cũng cần quan tâm đến quản lý và tạo thức ăn tự nhiên trong vuông nuôi bằng cách sử dụng chế phẩm vi sinh định kỳ 7 ngày/lần để làm sạch môi trường, nền đáy ao, duy trì màu nước và phân hủy mùn bã hữu cơ, tạo thức ăn tự nhiên và ổn định môi trường nước trong vuông nuôi tôm.

– Trong quá trình nuôi, nếu phát hiện những trường hợp bất lợi cho tôm nuôi bà con cần liên hệ ngay cơ quan quản lý NTTS địa phương để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời. Trường hợp tôm đạt cỡ thu hoạch cần tiến hành thu hoạch ngay để hạn chế thiệt hại về mặt kinh tế.

 

Trần Thanh Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay5,750
  • Tháng hiện tại99,652
  • Tổng lượt truy cập10,579,610
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây