Chuyên đề: “Ứng dụng tiến bộ KHCN thử nghiệm nuôi thương phẩm Cua đồng (Somaniathelphusia sinensi) trong ao đất quy mô công nghiệp tại Nghệ An”

Thứ hai - 21/12/2020 20:41 1.689 0
Chuyên đề: “Ứng dụng tiến bộ KHCN thử nghiệm nuôi thương phẩm Cua đồng (Somaniathelphusia sinensi) trong ao đất quy mô công nghiệp tại Nghệ An”
I - ĐẶT VẤN ĐỀ.
Cua đồng là nguyên liệu quen thuộc trong bữa ăn của người Việt Nam ta, ngoài việc có giá trị dinh dưỡng cao, thịt Cua đồng có tính hàn nên là món ăn giải nhiệt rất tốt trong những ngày trời nắng nóng. Có nhiều món ăn ngon được chế biến từ Cua đồng được nhiều người ưa thích như canh cua, cua rang me, bún rêu cua, lẩu cua, cua sữa…nên hiện nay nhu cầu Cua đồng trên thị trường rất lớn với giá bán 100.000 - 120.000 đ/kg. Tuy nhiên, nguồn Cua đồng tự nhiên ngày càng khan hiếm do việc khai thác, đánh bắt quá mức và ảnh hưởng của việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến môi trường sống, sinh sản Cua đồng.
Cua đồng là đối tượng nuôi mới góp phần phát triển kinh tế nông hộ, giải quyết công ăn việc làm tại các địa phương điều kiện tự nhiên có nhiều ao hồ, ruộng lúa chiêm trũng. Nghệ An là tỉnh có nhiều ao hồ, sông suối, nhiều ruộng trũng đặc biệt là diện tích nuôi cá lúa, đây là tiềm năng lớn để nuôi các đối tượng nước ngọt nhất là phù hợp với việc nuôi Cua đồng thương phẩm, có thể nuôi đơn hoặc nuôi ghép với cá. Vì vậy, Cua đồng là một đối tượng nuôi có nhiều triển vọng, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi nước ngọt trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Trong những năm gần đây, Cua đồng đã được đưa vào nuôi thương phẩm trong ao, ruộng lúa ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là ở các tỉnh phía Bắc như: Hải Dương, Quảng Ninh, Nình Bình, Thành Hóa…mang lại hiệu quả kinh tế khá cao nên phong trào nuôi phát triển mạnh. Tại Nghệ An, đã có một số hộ đưa đối tượng Cua đồng vào nuôi thương phẩm. Tuy nhiên, hình thức còn nhỏ lẻ, chủ yếu nuôi quảng canh, nuôi ghép dựa vào kinh nghiệm và các thông tin kỹ thuật trên internet là chủ yếu, chưa áp dụng quy trình kỹ thuật vào nuôi bài bản do chưa có quy trình kỹ thuật nuôi Cua đồng cụ thể, phù hợp với điều kiện tự nhiên của Nghệ An để áp dụng nên hiệu quả chưa cao, có nhiều hộ thất bại. Vì vậy, nhằm hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm Cua đồng. Trung tâm giống thuỷ sản Nghệ An triển khai thực hiện chuyên đề: “Ứng dụng tiến bộ KHCN thử nghiệm nuôi thương phẩm Cua đồng (Somaniathelphusia sinensi) trong ao đất quy mô công nghiệp tại Nghệ An”, là hết sức cần thiết. Sự thành công của chuyên đề là cơ sở để hoàn thiện quy trình kỹ thuật, nhân rộng phong trào nuôi và là tiền đề nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo giống Cua đồng phục vụ phong trào nuôi thương phẩm tại Nghệ An.
 

Hình 1: Cua đồng (Somaniathelphusia sinensi)
II - KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHUYÊN ĐỀ
1. Chuẩn bị ao nuôi.
- Ao nuôi có diện tích: 5.000 m2, có nền đáy là bùn cát.
- Mực nước ao nuôi duy trì: 0,5 - 1 m nước.
- Ao nuôi có cống cấp và cống thoát đầy đủ, được bố trí gần nguồn nước cấp, nguồn nước luôn chủ động, trong sạch, không bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt, công nghiệp.
- Bờ ao sử dụng bạt PE cao 1,0 m vây xung quanh, chôn sâu xuống chân bờ ao 0,3 m để tránh Cua đào hàng qua bờ và thành bạt cao 0,7 m tránh bò vượt bờ thoát ra ngoài.
Hình 2: Căng bạt chuẩn bị ao nuôi Cua đồng thương phẩm
- Trên mặt ao nuôi sử dụng mét làm thành khung có diện tích 100 m2/khung), số lượng 5 khung bố trí ở 4 góc ao mỗi góc 1 khung và giữa ao 1 khung để bỏ bèo tây tạo chỗ trú ẩn cho Cua.
- Ao nuôi trước khi thả Cua giống vào nuôi được cải tạo đúng quy trình kỹ thuật, bón vôi diệt tạp 10 kg/100 m2 ao, bón phân chuồng ủ hoai  50 kg/100 m2 ao, phơi đáy ao 2 - 3 ngày trước khi cấp nước để gây màu nước, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho Cua.
- Nước cấp vào ao được lấy qua lưới lọc nhằm ngăn chặn cá tạp vào ao gây thất thoát thức ăn của Cua và địch hại vào ao gây ảnh hưởng đến Cua giống. Mực nước cấp vào ao ban đầu dao động 40 - 50 cm nước.
2. Chọn giống và thả giống.
Sau khi ao nuôi được cải tạo, bố trí vật trú ẩn, cấp nước đầy đủ, đúng quy trình kỹ thuật đảm bảo cho việc thả giống Cua giống nuôi thương phẩm, đơn vị đã tiến hành tuyển chọn, nhập Cua giống về thả nuôi cụ thể như sau:
- Ngày thả giống: 4/5/2020
- Số lượng Cua giống thả nuôi: 175.000 con.
- Kích cỡ Cua giống trung bình: 350 con/kg.
- Mật độ thả nuôi: 35 con/m2.
 - Chất lượng Cua giống: Cua giống khoẻ mạnh, vận động nhanh nhẹn, khá đồng đều kích cỡ, phụ bộ đầy đủ, màu sắc tươi sáng, không bám rong, rêu, đảm bảo chất lượng thả nuôi thương phẩm.
- Cua trước khi thả được cho vào bể để tuyển lựa những con khỏe mạnh, loại bỏ những con yếu, chết do quá trình vận chuyển sau đó thả ở mép bờ để Cua tự bò xuống ao.
- Nguồn Cua giống: Cua giống được nhập từ Công ty cổ phần Công nghệ và dịch vụ nông lâm thủy sản Tuấn Linh - Thị trấn Quỳ Hợp - Huyện Quỳ Hợp - Tỉnh Nghệ An.
- Kiểm tra các yếu tố môi trường trước khi thả Cua giống: pH: 7,8, oxy hòa tan 5,3 mg/l, nước màu xanh lá chuối non.
 
Hình 2: Tuyển lựa cua giống trước khi thả nuôi
3. Chăm sóc và quản lý Cua đồng nuôi thương phẩm.
Sau khi thả giống xong, nhóm thực hiện chuyên đề tiến hành xây dựng quy trình nuôi, chế độ chăm sóc, quản lý cụ thể để tiện cho việc chăm sóc, quản lý Cua đồng nuôi thương phẩm trong quá trình thực hiện chuyên đề.
3.1 Chế độ chăm sóc Cua đồng nuôi thương phẩm.
- Thức ăn cho Cua: Sử dụng thức ăn công nghiệp có hàm lượng Protein 35 - 38% để cho cua ăn, lượng cho ăn được chia làm nhiều giai đoạn để phù hợp với nhu cầu sử dụng thức ăn của Cua như sau:
+ Giai đoạn 2 tháng nuôi đầu: Tỷ lệ cho ăn 2 - 3% khối lượng cua trong ao.
+ Giai đoạn nuôi các tháng về sau: Cho ăn 1 - 2 % khối lượng Cua trong ao.
- Cho Cua ăn 1 lần/ngày vào 4 - 5 giờ chiều, thức ăn được rải xung quanh bờ ao, ao nuôi được bố 4 sàng ở 4 bờ ao để kiểm tra, kiểm soát mức độ sử dụng thức ăn của Cua để điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý.
- Hàng ngày sử dụng Vitamin C, khoáng trộn vào thức ăn với lượng 4 g/kg thức ăn để cho Cua ăn và địnhkỳ 15 ngày/lần sử dụng khoáng kích lột xác trộn vào thức ăn để cho cua ăn trong 3 ngày liên tục nhằm kích thích Cua lột xác.
- Trước khi cho Cua ăn tiến hành vệ sinh sang sàn ăn sạch sẽ, cho thức ăn vào sàng theo tỷ lệ để kiểm tra mức độ sử dụng thức ăn cua Cua nuôi. Sau 2 tiếng cho ăn tiến hành kiểm tra thức ăn trong sàng ăn, tùy thuộc vào mức độ thức ăn hết hay dư trong sàng để điều chỉnh lượng thức ăn của ngày hôm sau cho hợp lý, nếu thức còn dư thì ngày hôm sau giảm lượng thức ăn, nếu thức ăn trong sàng hết thì ngày hôm sau điều chỉnh tăng lượng thức ăn để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho Cua nuôi trong ao.
Bảng 1: Bảng theo dõi mức độ sử dụng thức ăn của Cua nuôi.
Tháng nuôi Số lượng Cua (con) Tỷ lệ sống (%) Khối lượng Cua (kg) Tỷ lệ cho ăn (%) Lượng thức ăn sử dụng (kg)
Lượng/ngày Lượng/tháng
5   175.000 100 500 2,5 13 390
6   157.500 90 828 2 16,5 480
7  148.750 85 1.228 1,5 18 540
8   140.000 80 1.618 1,5 24 720
9   131.250 75 1.871 1,2 22,5 660
10 122.500 70 1.997 1,0 20 460
Tổng cộng         3.250

3.2. Chế độ quản lý, theo dõi Cua đồng nuôi thương phẩm.
- Sau khi thả Cua giống, trong 1 tháng đầu không luân chuyển, thay nước nhằm tránh thất thoát nguồn thức ăn tự nhiên trong ao của Cua mà chỉ cấp bổ sung nước định kỳ. Duy trì mực nước trong ao nuôi 50 - 70 cm.
- Từ tháng nuôi thứ 2 trở đi thường xuyên cho nước luân chuyển trong ao, định kỳ 15 ngày/lần tiến hành thay nước 40 - 50% lượng nước trong ao nhằm giúp môi trường nước ao nuôi trong sạch và kích thích Cua lột xác.
- Định kỳ 1 tháng/lần bón thêm phân chuồng ủ hoai với lượng 30 kg/100 m2 ao để duy trì màu nước và tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho Cua trong ao.
- Định kỳ một tháng/lần sử dụng vôi bột hòa nước tạt trên mặt ao nuôi với lượng 2 kg/100 m2 ao nhằm phòng bệnh cho Cua nuôi và tăng cường thêm hàm lượng canxi trong nước ao giúp Cua nhanh cứng vỏ sau khi lột xác, tăng cường khả năng lột xác cho Cua, kích thích Cua phát triển.
- Định kỳ 15 ngày/lần sử dụng khoáng Stomi đánh vào ao với liều lượng 2 kg/100 m2 ao để tăng cường hàm lượng khoáng nhằm phòng bệnh và kích thích Cua lột xác, kích thích Cua phát triển.
- Định kỳ 15 ngày/lần sử dụng vi sinh, chế phẩm sinh học để xử lý nguồn nước, đáy ao giúp môi trường ao nuôi luôn trong sạch, tạo điều kiện thuận lợi cho Cua nuôi sinh trưởng và phát triển tốt nhất.
- Thường xuyên kiểm tra hệ thống bờ, cống cấp thoát nước, bạt vây quanh bờ tránh để xảy ra tình trạng thất thoát Cua nuôi.
- Hàng ngày tiến hành kiểm tra các yếu tố môi trường trong ao nuôi.
Trong quá trình nuôi, định kỳ thu mẫu kiểm tra mức độ sinh trưởng về khối lượng của Cua nuôi để có kế hoạch, chế độ chăm sóc hợp lý. Kết quả theo dõi tốc độ tăng trưởng của Cua được thể hiện ở bảng sau:
Bảng 3: Kết quả theo dõi tốc độ tăng trưởng của Cua nuôi.
Giai đoạn (ngày nuối) Tỷ lệ sống (%) Số lượng
(Con)
Tốc độ tăng trưởng TB (g/con/ngày) Kích cỡ Cua Tổng lượng Cua dự kiến
(kg)
g/con Con/kg
Thả giống 100 175.000   2,86 350 500
1 - 30 90 157.500 0,08 5,26 190 828
31 - 60 85 148.750 0,1 8,26 121 1.228
61 - 90 80 140.000 0,11 11,56 87 1.618
91 - 120 75 131.250 0,09 14,26 70 1.871
120 - 140 70 122.500 0,06 16,14 62 1.997

Qua kết quả theo dõi định kỳ hàng tháng trong quá trình nuôi cho thấy:
- Tốc độ tăng trưởng của Cua không đồng nhất giữa các giai đoạn nuôi giao động từ 0,06 - 0,11 g/ngày. Trong đó, tăng trưởng nhanh nhất ở giai đoạn 31 - 90 ngày nuôi (rơi vào tháng 6 ,7/2020), giai đoạn 91 - 140 ngày nuôi vệ sau Cua tăng trưởng chậm hơn. Nguyên nhân: giai đoạn nuôi từ 1 - 30 ngày đầu Cua tăng trưởng chậm do mới thả giống, quá trình vận chuyển phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe của Cua giống và Cua mới làm quen với môi trường sống. Giai đoạn 91 - 140 ngày nuôi về sau Cua tăng trưởng chậm do thời gian nay nhiệt độ xuống thấp, thường xuyên thay đổi thất thường kết hợp với việc Sông cấp nước thường xuyên đóng để sữa chữa kéo dài (20 ngày/tháng) nên việc thay nước bị hạn chế đã ảnh hưởng đến chất lượng nước trong ao nuôi và việc thay nước kích thích Cua lột xác nên bị hạn chế đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của Cua nuôi. Nhìn chung, Cua nuôi tăng trưởng khá chậm, kích cỡ không đồng đều, tỷ lệ đạt kích cỡ thương phẩm đạt thấp, thời gian nuôi kéo dài so với dự kiến.
- Tỷ lệ sống của Cua đạt thấp mặc dù trong quá trình nuôi không có hiện tượng phát sinh bệnh nhưng trong quá trình nuôi, cua lột xác không đồng đều, có hiện tượng ăn nhau sau khi lột xác nên dẫn đến hao hụt khá lớn.
3.3. Công tác phòng và trị bệnh cho Cua:
Để phòng bệnh cho Cua đồng trong quá trình nuôi thương phẩm cần làm tốt công tác phòng bệnh chung nhằm hạn chế Cua bị bệnh. Do đó, nhóm thực hiện đã áp dụng các biện pháp phòng bệnh chung trong suốt quá trình nuôi cụ thể:
+  Cho Cua ăn đầy đủ thức ăn, đúng giờ phù hợp với tập tính ăn về đêm của Cua. Thực hiện tốt công tác quản lý thức ăn nhằm tránh thừa, thiếu thức ăn gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của Cua nuôi.
+ Thực hiện tốt chế độ phòng bệnh cho Cua nuôi, thường xuyên sử dụng Vitamin C, khoáng trộn vào thức ăn cho Cua ăn hàng ngày để tăng sức đề kháng và giúp Cua tăng trưởng tốt.
+ Quản lý ao nuôi chặt chẽ, duy trì nguồn nước trong ao luôn trong sạch, từ tháng nuôi thứ 2 trở đi, duy trì chế độ luân chuyển nước thường xuyên và thay nước định kỳ đảm bảo môi trường nước trong ao luôn trong sạch, kích thích Cua lột xác trong quá trình nuôi.
+ Định kỳ 15 ngày/lần bón vôi xử lý môi trường với lượng 2 kg/100 m2 vừa đảm bảo môi trường nước sạch vừa có tác dụng giúp Cua nuôi sau khi lột xác nhanh cứng vỏ, kích thích Cua lột xác.
- Định kỳ sử dụng vi sinh, chế phẩm sinh học, khoáng để xử lý môi trường nước, đáy ao nuôi đảm bảo môi trường nước luôn trong sạch và kích thích Cua lột xác giúp Cua tăng trưởng tốt.
Nhờ làm tốt công tác phòng bệnh nên trong quá trình nuôi không có hiện tượng Cua bị bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi Cua có hiện tượng những con chưa lột xác cứng khỏe, ăn những con mới lột xác đang mền yếu, mà không có giải pháp khắc phục đã ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của Cua nuôi.
4. Thu hoạch.
Sau thời gian nuôi hơn 5 tháng, nhận thấy Cua sinh trưởng chậm lại, hao hụt khá lớn, kích cỡ Cua cơ bản đã đạt kích cỡ thương phẩm, đơn vị đã tiến hành thu hoạch. Kết quả thu hoạch như sau:
- Phương pháp thu hoạch: Sử dụng chấu tiến hành thu hoạch dần, sau khi thu cơ bản sử dụng kéo cá, kéo lưới gom lại để thu, cuối cùng bơm cạn nước ao, dồn Cua về một vùng để thu triệt để.
- Cua sau khi thu hoạch đực gom về tráng để dữ cho Cua sống, vệ sinh sạch sẽ, phân loại, tuyển chọn những cá thể đạt kích cỡ thương phẩm xuất bán cho thương lái.
- Tổng lượng Cua thu hoạch được: 1.977 kg. Trong đó, Cua đạt kích cỡ thương phẩm xuất bán được 1.000 kg. Số Cua tuyển lựa lại 977 kg, hiện đơn vị đang thả lại ao nuôi lớn, tiếp tục chăm sóc, theo dõi.
Qua kết quả thu hoạch cho thấy: Tỷ lệ sống của Cua đạt 70%, kích cỡ Cua thương phẩm trung bình 62 con/kg, sản lượng đạt 1.977 kg, cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu sản lượng theo kế hoạch đề ra

5. Tổ chức Hội thảo đầu bờ.
Nhằm đánh giá hiệu quả của chuyên đề và hướng đến nhân rộng mô hình nuôi trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ngày 17/10/2020, Trung tâm giống thủy sản Nghệ An đã tổ chức cuộc Hội thảo đầu bờ trong thời gian 01 ngày cho 50 hộ dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nghĩa Đàn
Thông qua cuộc Hội thảo các đại biểu tham dự đều đánh giá cao kết quả và tính khả thi trong việc nhân rộng mô hình, phong trào nuôi trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đồng thời, các đại biểu tham dự cũng có những đề xuất, kiến nghị như:
- Trung tâm giống thủy sản Nghệ An cần sớm hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm Cua đồng trong ao đất quy mô công nghiệp phù hợp với điều kiện Nghệ An để tập huấn, chuyển giao cho người dân được tiếp cận, áp dụng vào thực tế triển khai nuôi tại gia đình mình.
- Đơn vị cần nghiên cứu, đưa vào sản xuất giống Cua đồng đề cung cấp cho người nuôi. Hiện nay, chưa có cơ sở sản xuất giống nhân tạo trên địa bàn, nguồn Cua giống thu mua từ tự nhiên không đảm bảo chất lượng, kích cỡ con giống không đồng đều, việc thu gom gặp nhiều khó khăn, thời gian lâu và thường vào tháng 4, 5 mới có giống nên không đúng mùa vụ nuôi, giá con giống cao do thời điểm này nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ Cua lớn nên kéo theo giá giống cao làm giảm hiệu quả kinh tế của việc nuôi Cua thương phẩm.
- Cần đề xuất với ngành mở các lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm Cua đồng để đào tạo, tập huấn cho người dân.
Các đại biểu nhận định, Cua đồng là một đối tượng có giá trị kinh tế, dễ tiêu thụ có thể nhân rộng phong trào nuôi trên địa bàn tỉnh Nghệ An và nhất trí cao với quy trình kỹ thuật do Trung tâm giống thủy sản Nghệ An dự thảo, xây dựng.
III - KẾT LUẬN.
- Chuyên đề đã được Trung tâm giống thủy sản Nghệ An triển khai thực hiện nghiêm túc đúng nội dung, mục tiêu và tiến độ đề ra theo đề cương phê duyệt, áp dụng chặt chẽ quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm Cua đồng trong suốt quá trình nuôi.
- Thông qua việc thực hiện chuyên đề, các thông số kỹ thuật đạt được như: Tỷ lệ sống đạt 70%, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 0.09 g/ngày, kích cỡ thu hoạch đạt trung bình 62 con/kg, sản lượng thu được 1.977 kg Cua thương phẩm đạt 90% kế hoạch sản lượng đề ra.
- Đã xây dựng, hoàn thiện được quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm Cua đồng trong ao đất quy mô công nghiệp phù hợp với điều kiện Nghệ An. Là cơ sở để tập huấn, chuyên giao kỹ thuật cho người dân góp phần nhân rộng mô hình, phát triển phong trào nuôi Cua đồng thương phẩm.
- Đơn vị đã tổ chức cuộc thành công 01 cuộc Hội thảo đầu bờ trong thời gian 01 ngày cho 50 hộ dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nghĩa Đàn…
- Cua đồng là đối tượng nuôi có triển vọng trong nuôi thủy sản nước ngọt, có thể nhân rộng phong trào nuôi tại Nghệ An. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả  kinh tế trong nuôi thương phẩm Cua đồng tại Nghệ An cần có một số điều chỉnh sau: Nên thả giống sớm vào tháng 2- 3, thả giống cỡ lớn để thu hoạch vào tháng 6 - 7 hàng năm hoặc thả giống vào tháng 11 - 12 năm trước để thu hoạch tháng 4 - 5 năm sau để có giá bán cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Sử dụng nguồn giống sinh sản nhân tạo để có kích cỡ con giống đồng đều nhằm hạn chế Cua nuôi không đồng đều kích cỡ dẫn đến ăn lẫn nhau sau khi lột xác trong quá trình nuôi./.

Tác giả bài viết: Thạc sỹ Trương Văn Toản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay5,750
  • Tháng hiện tại99,557
  • Tổng lượt truy cập10,579,515
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây