QUY TRÌNH KỸ THUẬT NUÔI THƯƠNG PHẨM TÔM SÚ MOANA TRONG AO ĐẤT QUY MÔ CÔNG NGHIỆP PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN NGHỆ AN

Thứ tư - 30/12/2020 22:59 4.920 0
1. Xuất xứ quy trình
Quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm tôm Sú Moana được hình thành từ kết quả thực hiện mô hình: Ứng dụng công nghệ thử nghiệm nuôi thương phẩm Tôm Sú Moana trong ao đất quy mô công nghiệp tại Nghệ An”, do Trung tâm giống thủy sản Nghệ An chủ trì biên soạn năm 2019.
2. Đối tượng và phạm vi áp dụng
2.1. Đối tượng áp dụng: Quy trình này quy định trình tự, nội dung và yêu cầu kỹ thuật trong nuôi thương phẩm tôm Sú moana trong ao đất quy mô công nghiệp tại Nghệ An.

Hình 1: Tôm sú moana
2.2. Phạm vi áp dụng: Áp dụng cho các cơ sở, hộ dân nuôi thương phẩm Tôm sú Moana trong ao đất quy mô công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
3. Nội dung quy trình kỹ thuật.
3.1. Lựa chọn địa điểm nuôi.
Chọn địa điểm nuôi phù hợp là một khâu quan trọng và cần xác định một cách cẩn thận trước khi xây dựng ao đầm nuôi tôm. Khi lựa chọn địa điểm cần chú ý các yếu tố sau:
- Về mặt địa hình chọn những vùng nuôi phù hợp nằm ở các vùng cao triều để có thể phơi khô đáy ao khi cải tạo và thuộc vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản.
- Chọn những vùng đất xây dựng ao phải là đất thịt hoặc đất pha cát, ít mùn bã hữu cơ, kết cấu chặt, giữ được nước, pH đất từ 5 trở lên.
- Nguồn nước cấp chủ động, không bị ô nhiễm, không bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp và sinh hoạt. Có độ mặn từ 18 - 30 0/00, Ph từ 7,5 - 8,5, độ kiềm (CaCO3) từ 80 mg/l trở lên.
- Về mặt kinh tế xã hội nên chọn địa điểm ao nuôi thuận lợi về giao thông, có nguồn điện chủ động và gần nơi cung cấp các dịch vụ cho nghề nuôi tôm và an ninh trật tự tốt.
3.2. Xây dựng công trình ao nuôi.
Việc xây dựng công trình ao nuôi phù hợp sẽ giúp ích nhiều cho việc quản lý chất lượng nước, cho ăn, thu hoạch tôm, thu gom và tẩy dọn chất thải.
a) Xây dựng ao nuôi:
Ao nuôi nên có diện tích từ 0,3 - 0,5 ha để thuận tiện trong việc quản lý ao trong quá trình nuôi. Nên xây dựng ao nuôi hình chữ nhật, đáy lòng chảo để thuận lợi cho việc thu gom và tẩy rửa chất thải trong quá trình nuôi.
Đối với đáy ao xây dựng ở vùng nhiều cát hoặc nơi đất có độ phèn tự nhiên cao nên áp dụng biện pháp lót bờ ao nhằm giúp làm giảm xói mòn, làm giảm sự thẩm thấu của nước và xì phèn ở bờ ao.
b) Xây dựng ao chứa (lắng):
Ao lắng có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát môi trường ao nuôi và d trữ nước để cấp cho ao nuôi không ổn định hoặc ở những nơi có nước mang tính thời vụ.
Nhằm đảm bảo đủ lượng nước cung cấp trong quá trình nuôi nên xây dựng ao chứa có diện tích chiếm khoảng 30 - 50 % diện tích ao nuôi. Ao chứa phải có cống lấy nước từ nguồn nước biển vào và có cống thoát để tháo toàn bộ nước trong ao khi cần.
c) Hệ thống bờ, đề, cống:
- Bờ đề, bờ ao phải đủ cao để ngăn chặn lũ lụt trong mùa mưa bão, mặt trên của bờ ao cao hơn mực nước cao nhất bên ngoài tối thiểu 0,5 m.
- Cống cấp và thoát nước: Ao nuôi phải có cống cấp và thoát nước riêng biệt, vật liệu xây dựng có thể làm bằng gỗ hoặc xi măng nhưng phải đảm bảo cấp và thoát nước tốt.
3.3. Chuẩn bị ao nuôi.
Đây là khâu quan trọng trong kỹ thuật nuôi tôm sú Moana, nó ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, sản lượng cũng như tính hiệu quả của mô hình.
3.3.1. Cải tạo ao:
Tùy theo tình trạng ao khác nhau mà chúng ta áp dụng các biện pháp cải tạo ao thích hợp, cụ thể:
a) Đối với ao mới xây dựng:
Sau khi xây dựng ao xong cho nước vào đầy ao ngâm từ 2 - 3 ngày, sau đó xả hết nước để thao rửa ao. Vì ao mới xây dựng nên cần tháo rửa nhiều lần càng tốt sau đó tiến hành rải vôi khắp đáy ao và bờ ao để khử chua, lượng vôi bón tùy thuộc vào pH của đáy ao, cụ thể:
- Đối với ao đất bình thường, ph từ 6 - 7 thì nên dùng khoảng 300 - 600 kg/ha.
- Đối với ao đất ít chua, pH từ 4,5 - 6 thì nên dùng khoảng 600 - 1.000 kg/ha.
Sau khi rải vôi kiểm tra thấy pH đất bằng pH nước thì tiến hành phơi ao từ 7 - 10 ngày sau đó lấy nước vào đầy ao qua hệ thống lưới lọc để tiến hành gây màu nước cũng như gây nuôi thức ăn tự nhiên để chuẩn bị thả giống.
b) Đối với ao cũ:
Sau khi thu hoạch tôm xong thì tiến hành xả hết nước cũ trong ao, tùy theo điều kiện của ao để có biện pháp cải tạo đáy ao, cụ thể như sau:
- Đối với ao có thể tháo cạn kiệt nước thì tiến hành nạo vét bằng máy hoặc thủ công để đưa hết chất lắng đọng hữu cơ ở đáy ao ra ngoài, sau đó tiến hành bón vôi cày lật và phơi đáy ao khoảng 10 - 15 ngày cho phân hủy hết chất hữu cơ, khí độc, sinh vật gây bệnh cho tôm.
- Đối với ao không thể tháo kiệt nước, phơi đáy được thì dùng phương pháp cải tạo ướt tức là dùng áp lực nước để bơm sục đáy ao và tẩy rửa chất thải, sau đó bón vôi. Phương pháp này mất ít thời gian và hiệu quả hơn phương pháp khô, tuy nhiên phương pháp này cần có ao lọc xử lý chất thải để tránh ô nhiễm cho kênh thoát nước và môi trường tự nhiên.
- Đối với ao có đáy nhiễm phèn tiềm năng thì lúc cải tạo không nên phơi nắng để tránh xì phèn, đối với ao dạng này cần tích cực rửa đáy và bón vôi với liều lượng cao để ổn định pH.
- Tất cả các ao lắng, ao xử lý, ao ươm đều cải tạo đúng như ao nuôi.
- Vôi cải tạo ao nên dùng loại vôi nung CaO hoặc Ca(OH)2 với liều lượng 500 - 1.000kg/ha tùy theo pH đất đáy ao.
3.3.2. Diệt tạp:
- Nước được lấy vào ao qua hệ thống lưới lọc, để từ 2 - 3 ngày cho các loại trứng theo nước vào trong ao nở ra hết rồi tiến hành diệt tạp bằng cách dùng Saponin hòa vào nước tạt đều xuống ao và bờ ao, liều lượng dùng từ 15 - 20 kg/1.000 m3.
- Ngoài ra để diệt khuẩn và các vi sinh vật có hại trong nước có thể xử lý bằng Chlorin với liều lượng 10 - 15 kg/1.000 m3.
3.3.3. Bón phân gây màu nước:
Ao nuôi cần được bón phân gây màu nước để động, thực vật phù du phát triển là nguồn thức ăn tự nhiên của tôm, đồng thời hạn chế sự phát triển của các loại tảo đáy, tạo oxy, hấp thụ các chất độc sinh ra từ thức ăn dư thừa, chất thải của tôm trong quá trình nuôi.
Phân bón cho ao thường dùng các loại phân vô cơ với liều dùng như sau:
- Phân hữu cơ gồm: Phân chuồng, phân gà, trâu, bò. Khi bón phải được ủ mục.
- Phân vô cơ: NPK: 2 kg/1.000 m3 + URE: 2 kg/1.000 m3. Phân bón được hòa tan trong nước ngọt rồi tạt xuống đều khắp ao, thường bón vào lúc 9 - 10h sáng để kích thích tảo phát triển.
Lượng phân trên được chia ra bón trong vài ngày, lượng phân bón của ngày hôm sau bằng 50% của ngày hôm trước để duy trì sự phát triển của sinh vật phú du.
Đối với những vùng hoặc ao khó gây tảo, có thể áp dụng biện pháp dùng 0,2 kg cám gạo + 0,2 kg bột đậu nành rang chín rồi nấu chung với 1kg bột cá. Sau đó hòa tan trong nước tạt đều xuống ao vào lúc 9 - 10h sáng, liều lượng dùng cho 1.000 m3 nước ao nuôi, thực hiện 2 ngày mỗi ngày 1 lần.
Sau khi bón phân sinh vật phù du sẽ phát triển trong vài ngày làm màu nước ao hơi có màu xanh, dùng đĩa Secchi kiểm tra độ trong đạt 40 - 50 cm thì tiến hành thả giống.
3.4. Thả giống.
3.4.1. Chọn tôm giống:
Sự thành bại của vụ nuôi phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng con giống, tôm giống tốt khi thả nuôi sẽ cho tỷ lệ sống cao, tăng trưởng nhanh và kháng bệnh tốt.
Khi thả giống nên chọn con giống ở những cơ sở đáng tin cậy, uy tín. Tuy nhiên, quá trình chọn giống cần quan sát những đặc điểm sau:
- Tôm đều cỡ, râu và các phụ bộ đầy đủ không có chất bẩn bám vào.
- Tôm có màu hơi xám hoặc nâu đen lưng xám bạc, bụng xanh bạc. Nếu thân tôm có màu trắng đục, đỏ hồng thường là tôm có hiện tượng bệnh.
- Ruột tôm đy thức ăn, tạo thành một đường màu nâu nằm dọc sống lưng.
- Tôm hoạt động, bơi linh hoạt ngược lại với dòng nước khi khuấy động và phản ứng nhanh với kích thích từ bên ngoài.
- Tôm giống trước khi thả cần được các cơ quan chức năng kiểm tra kỹ về các loại mầm bệnh như nấm và các loại virut.
3.4.2. Mật độ thả:
Tùy theo điều kiện của ao, khả năng đầu tư và trình độ quản lý môi trường cũng như kinh nghiệm của người nuôi để quyết định kích cỡ tôm thả và mật độ thả cho phù hợp.
Đối với tôm sú Moana mật độ thả thích hợp là từ 25 - 30 con/m2.
3.4.3. Phương pháp thả giống:
Cũng như các loại tôm thẻ chân trắng hay tôm sú thường khi thả giống tôm sú Moana cũng nên thả vào lúc sáng sớm hay chiều mát, không nên thả tôm vào lúc trời mưa hoặc gió mùa đông bắc.
Trước khi thả nên ngâm các túi đựng tôm giống trong ao khoảng 15 - 20 phút để cân bằng nhiệt độ trong ngoài, sau đó mở túi giống và cho nước trong ao từ từ vào túi để tôm giống thích nghi trước khi thả tôm giống ra ngoài ao nuôi nhằm giảm hiện tượng sốc môi trường.
3.5. Chăm sóc và quản lý.
3.5.1. Thức ăn:
Thức ăn cho tôm chiếm phần chính của giá thành sản phẩm, việc nuôi tôm sú Moana với mật độ cao thì chi phí thức ăn thường rất lớn thường vào khoảng 50 - 60 % trong tổng chi phí nuôi. Do đó, việc sử dụng thức ăn có chất lượng tốt sẽ cải thiện quá trình sản xuất, nâng cao lợi nhuận đồng thời giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường của vùng nuôi.
Thức ăn dùng cho tôm sú Moana nói riêng hay tôm thẻ chân trắng và tôm sú thường chủ yếu là thức ăn công nghiệp có chất lượng cao, đảm bảo hàm lượng đạm thô 30 - 40 % đã qua kiểm tra chất lượng của các cơ quan chức năng và có hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) từ 1,2 - 1,6 trong điều kiện quản lý và cho ăn tốt.
Ngoài ra đối với tôm sú Moana vào những tháng cuối vụ cần bổ sung thêm thức ăn chế biến nhằm tăng thêm độ đạm giúp tôm phát triển nhanh cũng như giảm giá thành sản phẩm.
3.5.2. Cho tôm ăn:
Cũng giống như tôm sú thường, số lần cho ăn ở tôm sú Moana thường từ 4 - 6 lần/ngày phụ thuộc vào kích cỡ của tôm. Số lần cho ăn tăng lên khi tôm càng lớn.
Tỷ lệ thức ăn cho tôm được tính theo tỷ lệ phần trăm so với trọng lượng thân tôm, tôm cỡ nhỏ có tỷ lệ thức ăn nhiều hơn tôm lớn vì tôm cần nhiều thức ăn để phát triển nhanh. Cách tính số lượng thức ăn hàng ngày đã được tính cụ thể trong bảng hướng dẫn cho tôm ăn của các công ty sản xuất thức ăn tôm, tuy nhiên trong quá trình cho tôm ăn cũng có một số điều chỉnh về tỷ lệ cũng như số lượng thức ăn tùy vào điều kiện thực tế cũng như kinh nghiệm của người nuôi.
Phương pháp cho ăn thường là rải thức ăn đều khắp ao vì tôm có khuynh hướng là bắt mồi ở vùng đáy sạch. Bởi vậy đáy ao sạch, phẳng đều, có độ sâu thích hợp tôm sẽ phân bố đồng đều vì vậy việc cho tôm ăn đều khắp ao là cần thiết tránh sự phân đàn trong quá trình nuôi.
3.5.3. Quản lý thức ăn:
Việc theo dõi lượng thức ăn cho tôm là biện pháp kỹ thuật quan trọng trong quản lý thức ăn, điều chỉnh lượng thức ăn cung cấp cho tôm hàng ngày thường căn cứ vào trọng lượng tôm trong ao. Do vậy, việc đầu tiên của người nuôi tôm là phải thường xuyên kiểm tra trọng lượng, kích cỡ của tôm trong ao nuôi, giúp người nuôi điều chỉnh thức ăn hợp lý tránh tình trạng thiếu hoặc dư thừa thức ăn gây ô nhiễm đáy ao cũng như lãng phí thức ăn.
Thông thường khi tôm còn nhỏ khoảng từ 20 - 30 ngày tuổi thì bắt đầu dùng sàng nhá để kiểm tra thức ăn, trên mỗi ao nhằm đảm bảo độ chính xác cao người nuôi cần đặt từ 2 - 4 sàng ăn (thường gọi là vó hay nhá). Kích thước của mỗi sàng ăn thường 0,8m x 0,8m, vị trí đạt sàng ăn cách bờ ao khoảng 1,5m, đặt khoảng cách đều nhau tùy vào số lượng sàng ăn. Tỷ lệ thức ăn trong sàng thường là 2 - 3 % lượng thức ăn của một lần ăn vào các sàng, thời gian kiểm tra sàng ăn phụ thuộc vào độ tuổi cũng như kinh cỡ tôm.

Hình 2: Kiểm tra nhá thức ăn nuôi tôm sú Moana
Khi tôm lớn, có trọng lượng 7 - 10 g/con việc kiểm tra khả năng bắt mồi của tôm thường kết hợp giữa kiểm tra lượng thức ăn còn lại trong sàng sau 1,5 - 2h cho ăn và dùng chài để kiểm tra. Để xác định khả năng bắt mồi của tôm cần thông qua kiểm tra lượng thức ăn trong bộ phận tiêu hóa và định kỳ chài tôm để lấy mẫu kiểm tra, căn cứ vào quan sát bằng mắt thường và lượng tôm chài được có thể ước lượng được tỷ lệ sống và trọng lượng cá thể của tôm trong ao, từ đó có thể tính được lượng thức ăn cần cho tôm ăn.
3.5.4. Quản lý môi trường ao nuôi:
Do mật độ nuôi thương phẩm tôm sú Moana thường cao hơn so với mật độ nuôi tôm sú thường nên lượng thức ăn sử dụng sẽ lớn hơn vì vậy việc quản lý môi trường ao nuôi là rất quan trọng.
Trong quá trình nuôi và chăm sóc cần phải thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường trong ao nuôi như: pH, độ kiềm, oxy hòa tan, độ trong, màu nước, các khí độc amoniac (NH3), sunfurhydro (H2S) để điều chỉnh chất lượng nước ao nuôi cho phù hợp.
a) Điều chỉnh độ pH:
Thường xuyên theo dõi độ pH của nước trong ao nuôi 2 lần/ngày vào lúc 6 - 7h sáng và 3 - 4 h chiều để kiểm tra và khống chế pH luôn ở phạm vi 7,5 - 8,5 và giữ cho mức dao động pH giữa ngày và đêm không quá 0,5 đơn vị.
Bình thường vào buổi sáng pH thường thấp và buổi chiều pH thường cao, nếu pH trong ngày dao động trên 0,5 đơn vị thì nên sử dụng vôi CaCO3 hoặc vôi Dolomite 7 - 10 kg/1000m3 hòa nước tạt đều khắp ao vào buổi tối.
- Khi pH < 7,5 nên sử dụng vôi bột CaCO3 hay vôi tôi Ca(OH)2 với lượng 5 - 7 kg/1000m3 nước.
- Khi pH > 8,5 thường kèm theo tảo phát triển mạnh, nếu có ao chứa nước sẵn thì cần thay một phần nước trong ao đồng thời áp dụng biện pháp dùng đường trắng 2 - 3 kg/1000m3 sử dụng vào lúc 9 - 10h sáng đồng thời bật quạt khí.
Trong quá trình nuôi định kỳ 7 ngày/lần dùng vôi Dolomite hoặc vôi sống CaCO3 với liều lượng 7 - 10 kg/1000m3 để ổn định pH.
b) Điều chỉnh độ kiềm:
Độ kiềm là tổng lượng muối Bicarbonat (HCO3-) và Carbonat (CO32-) trong nước, được quy ra mg/L (ppm) Canxi carbonat (CaCO3). Đối với quá trình nuôi tôm sú Moana cần khống chế độ kiềm thích hợp ở các giai đoạn nuôi như sau:
Giai đoạn tôm mới thả: 80-100ppm.
Giai đoạn tôm 45 ngày tuổi trở lên: 100-130ppm.
Giai đoạn tôm 90 ngày tuổi trở lên: 130-160 ppm.
Định kỳ kiểm tra độ kiệm ở ao nuôi để khống chế ở ngưỡng thích hợp, nếu độ kiềm thấp người nuôi có thể dùng vôi CaCO3 và Dolomit 8 – 10 kg/1000m3 sử dụng 2 – 3 ngày/lần cho đến khi độ kiềm đạt đến mức cần thiết.
Kiềm là chất đệm pH và cung cấp CO2 cho sự quang tổng hợp của rong, tảo và các thực vật trong nước. Khi nước có độ kiềm cao thì pH của nước ít bị thay đổi.
c) Điều chỉnh lượng oxy hòa tan:
Lượng oxy hòa tan trong nước ao là điều kiện sống còn đối với sức khỏe của tôm, đặc biệt là khi nuôi với mật độ cao như tôm sú Moana, vì vậy cần phải đảm bảo lượng oxy hòa tan trong nước ao luôn luôn đảm bảo để tôm không bị thiếu oxy, lượng oxy hòa tan thích hợp cho tôm là >5 mg/lít. Để bổ sung lượng oxy hòa tan trong ao tôm cần có những biện pháp sau:
- Lắp đặt hệ thống quạt nước và sục khí có tác dụng tăng lượng oxy hòa tan và phân bố đều oxy ở các tầng nước, tạo dòng chảy gom tụ chất thải vào giữa ao để dễ dàng vệ sinh đáy ao giúp nền đáy sạch cho tôm bắt mồi. Hiện nay có nhiều loại máy khác nhau, nhưng phần lớn người nuôi tôm đều sử dụng cánh quạt để quạt nước tăng cường oxy cho ao vừa có giá thành rẻ cũng như thuận lợi cho việc sử dụng.
- Thường mỗi cánh quạt có thể cung cấp đủ oxy cho 3.000 - 3.500 con tôm trong suốt vụ nuôi, máy quạt nước ngoài việc cung cấp oxy cho tôm nuôi nó còn có tác dụng tạo dòng nước để gom tụ chất thải vào giữa đáy ao để dễ dàng vệ sinh đáy ao cũng như giải phóng khí độc từ đáy ao ra khỏi môi trường ao nuôi.
d) Điều chỉnh màu nước:
Màu nước của ao nuôi là do các sinh vật phù du trong nước, ao nuôi có màu xanh đọt chuối hoặc vàng nâu nhạt và có độ trong 30 - 40 cm là ao có chất lượng nước tốt. Việc quản lý màu nước trong ao nuôi tức là điều chỉnh độ trong và cũng chính là điều khiển sự phat triển của tảo trong ao nuôi.
- Nếu độ trong thấp hơn 20 - 25 cm, màu nước bắt đầu đậm đặc thì nên khống chế ph vào buổi sáng < 8 bằng cách thay bớt nước trong ao và bón vôi Dolomite với lượng 7 - 10 kg/1.000 m3 vào buổi sáng.
- Nếu độ trong > 50 cm nước ao sẽ trong, lúc này nên bón thêm phân vô cơ như NPK, URE với lượng 1 kg/1.000 m3 kết hợp bón thêm vôi Dolomite với lượng 5 - 7 kg/1.000 m3.
e) Cấp và thay nước:
Việc cấp và thay nước của ao nuôi không theo một chế độ nhất định mà nó phụ thuộc vào chất lượng nước trong ao và ngoài môi trường. Nước cấp trước khi đưa vào ao nuôi phải được lắng lọc tại ao chưa lắng, nếu nguồn nước cấp có nguy cơ mang mầm bệnh thì cần phải xử lý Chlorin ở ao chứa trước khi đưa vào ao nuôi.
Đối với tôm sú Moana trong tháng đầu tiên không cần phải thay nước, chỉ tiến hành thay nước và điều chỉnh độ mặn từ tháng thứ 2 trở đi khi trong ao có độ trong thấp, màu nước đậm đặc, tảo phát triển quá mức có khả năng tàn lụi. Mỗi lân thay nước không nên thay quá 20 – 30 % lượng nước trong ao để tránh trạng gây sốc cho tôm nuôi trong ao, sau những lần thay nước phải kiểm tra lại các yếu tố môi trường nhằm duy trì chất lượng nước ổn đị-nh.
3.6. Phòng và trị bệnh tôm nuôi.
Khác với các động vật nuôi trên cạn trong quá trình nuôi tôm sú Moana hay các loại giáp xác khác việc kiểm tra, phát hiện và chẩn đoán bệnh chính xác và chữa trị bệnh kịp thời gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi người nuôi tôm phải có nhiều kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn. Mặt khác khi trị bệnh cho tôm không phải lúc nào cũng có kết quả như mong muốn và ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của tôm nuôi và môi trường nước, do vậy trong quá trình nuôi việc phòng bệnh cho tôm là vô cùng quan trọng và cần thiết, còn trị bệnh chỉ là giải pháp cuối cùng nhằm cứu vãn tình thế.
3.6.1. Phòng bệnh cho tôm nuôi:
Trong quá trình nuôi việc phòng bệnh tức là áp dụng các biện pháp cần thiết để nâng cao sức đề kháng của tôm nuôi, tránh đưa mầm bệnh từ bên ngoài vào hệ thống ao nuôi hoặc ngăn ngừa mầm bệnh phát triển và lây lan, các biện pháp phòng bệnh trong nuôi tôm sú Moana gồm:
- Cải tạo ao đầm tốt.
- Chọn tôm giống có nguồn gốc và chất lượng, thả giống đúng kỹ thuật.
- Cần nuôi mật độ nuôi vừa phải nhằm đảm bảo cho việc chăm sóc và quản lý.
- Cho tôm ăn đầy đủ số lượng và đảm bảo chất lượng.
- Quản lý môi trường ao nuôi tốt.
3.6.2. Xử lý một số bệnh thường gặp ở tôm nuôi:
a) Bệnh do virus:
Trong quá trình nuôi tôm thường gặp nhiều loại bệnh do virus gây ra, đặc biệt là bệnh SEMBV (bệnh thân đỏ đốm trắng), bệnh thường xảy ra ở giai đoạn tôm 40 - 50 ngày tuổi.
- Dấu hiệu bệnh lý: Tôm bỏ ăn, lờ đờ, trên thân tôm xuất hiện những đốm trắng to nhỏ đường kính khỏa 1 mm nằm dưới lớp vỏ kitin ở phần đầu ngực và các đốt bụng. Màu sắc tôm biến đổi từ màu hồng sang màu đỏ nâu, có hiện tượng chết rải rác đến hàng loạt trong thời gian 5 - 7 ngày.
- Cách xử lý: Tôm bị bệnh trong trường hợp này thường không có biện pháp xử lý nào có hiệu quả. Nếu tôm đạt kích cỡ thương phẩm thì nên thu hoạch ngay để giảm thiểu sự hao hụt do bệnh gây ra, sau đó dùng Chlorin liều cao để xử lý nước trong ao bị bệnh trước khi thải ra ngoài.
b) Bệnh do vi khuẩn:
Vi khuẩn là tác nhân thường xuyên có mặt ở trong ao nuôi tôm, nó có thể gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm khác nhau ở các giai đoạn phát triển của tôm nuôi, một số bệnh do vi khuẩn gây ra ở tôm nuôi có biểu hiện như:
- Bệnh đứt râu, cụt đuôi, phụ bộ bị gãy đứt.
- Bệnh phát sáng.
- Bệnh đốm đen, đốm nâu ở mang và phụ bộ.
- Bệnh vi khuẩn dạng sợi.
- Bệnh hoại tử như teo nhỏ, chảy rữa gan tụy.
Cách xử lý:
- Cải thiện chất lượng nước, thay nước sạch đồng thời dùng vôi sống CaCO3 để lắng tụ chất bẩn hữu cơ và tăng cường sục khí hay quạt nước.
- Tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi bằng cách bổ sung vitamin C hàng ngày vào thức ăn tôm.
- Có thể dùng một số kháng sinh như: Furacin, Oxytetracylin liều lượng 40 - 50 mg/1kg thức ăn, cho ăn liên tục trong 4 - 5 ngày.
- Dùng Bejalkonnium Chlorin (BKC) hoặc Cleaner 80 phun trực tiếp xuống ao với liều lượng 0,4 - 4,5 ml/m3, kết hợp bật máy sục khí hoặc quạt nước.
c) Bệnh do nguyên sinh động vật:
Trong nuôi tôm thường gặp một số bệnh do nguyên sinh động vật gây ra như:
* Bệnh đóng rong:
Bệnh này thường xảy ra ở tôm nuôi bị yếu cùng với sự phát triển của sinh vật và các chất bẩn trong ao bám vào bề mặt cơ thể tôm gây nên.
- Cách xử lý:
+ Hạn chế các chất gây ô nhiễm môi trường để ngăn chặn nhóm sinh vật gây bệnh phát triển, định kỳ bón vôi sống CaCO3 hoặc vôi Dolomite.
+ Tăng quạt nước nhằm duy trì hàm lượng oxy hòa tan cao, thay một phần nước để kích thích tôm lột xác.
d) Bệnh do môi trường:
* Bệnh đen mang:
Thường xảy ra khi tôm lớn hơn 2 tháng tuổi, khi môi trường chứa các chất độc như hợp chất đồng, thuốc tím, NH3, pH thấp hoặc do nấm và động vật đơn bào.
- Dấu hiệu bệnh lý: Mang tôm chuyển sang màu vàng, nâu đen có chứa nhiều dịch nhầy, có trường hợp mang bị thối. Một số con yếu có dấu hiệu dạt bờ và chết rải rác.
- Cách xử lý:
+ Sử dụng Clener 80 tạt trực tiếp xuống ao với liều lượng 0,5 - 0,6 ml/m3 vào lúc 8 - 9h sáng kết hợp thay nước.
+ Bổ sung Vitamin C vào khẩu phần thức ăn hàng ngày, giữ màu nước ổn định.
* Hiện tượng tôm mềm vỏ:
Thường xảy ra nhiều đối với những ao nuôi với mật độ cao.
- Dấu hiệu bệnh lý: Sau khi tôm lột xác 24h vỏ tôm không cứng lại được, tôm yếu, bắt mồi kém, có hiện tượng mềm vỏ kéo dài, có thể dạt bờ hoặc vùi mình vào đáy ao.
- Cách xử lý:
+ Bổ sung dinh dưỡng cho tôm nuôi đặc biệt là các loại khoáng chất và vitamin.
+ Tăng hàm lượng oxy hòa tan, thay nước và ổn định độ pH thích hợp.
+ Bón vôi sống CaCO3 vào buổi chiều tối khoảng 7 - 10 kg/1000m3.
3.7. Thu hoạch và bảo quản.
3.7.1. Thu hoạch.
Cũng giống như tôm sú thường đối với tôm sú Moana do nuôi ở mật độ cao nên thời gian nuôi thương phẩm thường kéo dài từ 4 - 5 tháng kể từ khi thả Post P15, việc thu hoạch vào thời điểm này sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao do tôm đạt kích cỡ lớn khoảng từ 20 - 30 con/kg tùy theo mật độ thả ban đầu. Tuy nhiên việc xác định thời điểm thu tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe tôm và giá cả thị trường.
Thường có 2 hình thức thu hoạch:
- Thu tỉa: Tức là thu những con tôm có kích cỡ lớn hơn, cách này áp dụng đối với những ao đầm có tôm phát triển không đều hoặc để giảm mật độ trong ao, giúp tôm còn lại trong ao lớn nhanh hơn để đạt kích cỡ thu hoạch.
Phương pháp thu tỉa: sử dụng chấu có kích thước mắt lưới phù hợp để bắt những con có kích cỡ bằng hoặc lớn hơn cỡ tôm cần thu hoạch, nên đánh bắt vào lúc trời tối tránh gây ảnh hưởng cho tôm còn lại trong ao. Sau đó kiểm tra xác định lượng tôm còn lại trong ao để giảm lượng cho ăn hàng ngày cho phù hợp.
- Thu toàn bộ: Khi tôm đạt cỡ thu hoạch tương đối đồng đều thì có thể thu hoạch toàn bộ. Tiến hành thu hoạch khi trong ao có tôm lột vỏ ít hơn 5 %, không nên thu hoạch ở thời điểm giữa 2 kỳ lột vỏ. Nếu tôm cỡ 30 g/con thì nên thu hoạch vào ngày thứ 7 - 8 kể từ khi quan sát thấy vỏ tôm, vì chu kỳ thay vỏ tôm khoảng từ 14 - 16 ngày.
Hiện nay phần lớn người nuôi tôm thường sử dụng lưới rùng có kích điện để thu hoạch tôm, thời điểm thu hoạch lúc sáng sớm hoặc chiều tối, mực nước trong ao khi thu hoạch có thể rút xuống còn khoảng 0,5 - 1m để dễ dàng thao tác.
3.7.2. Bảo quản tôm sau thu hoạch.
Tôm sau khi thu lên được rửa sạch và cho vào nước đá để làm lạnh tôm, như vậy sẽ giữ được độ tươi và chất lượng của tôm, sau đó được ướp lạnh và vận chuyển đến nhà máy chế biến hoặc người tiêu dùng.

TRUNG TÂM GIỐNG THỦY SẢN NGHỆ AN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay18,783
  • Tháng hiện tại407,025
  • Tổng lượt truy cập7,773,340
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây