Nghề nuôi ếch nhiều dư địa phát triển

Thứ năm - 21/12/2023 02:13 456 0

Thiết kế trại nuôi

Nhiều quốc gia hiện nay rất chú trọng đầu tư phát triển kỹ thuật nuôi ếch bản địa, bao gồm ếch đầm lầy châu Âu (Pelophylax ridibundus), ếch xanh Bắc Phi (Pelophylax saharicus), ếch đầm lầy khổng lồ (Hoplobatrachus occipitalis) ở Burundi và Nigeria. Ếch ương và ếch da báo cũng là thực phẩm phổ biến ở Trung Quốc, Indonesia, Namibia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Đài Loan và Việt Nam. 

Vaccine phòng ngừa một số loại bệnh ở ếch, ví dụ ranavirus, vẫn đang được nghiên cứu. Ảnh: Euronews

Thiết kế trang trại hiệu quả là yếu tố đầu tiên quyết định thành công của trang trại thông qua tối ưu hóa sản xuất và giảm thiểu tác động lên môi trường. Mô hình trại nuôi đạt chuẩn sẽ cung cấp môi trường phù hợp cho sự tăng trưởng, sinh sản và sức khỏe tổng thể của ếch. Hệ thống trại nuôi gồm ao sinh sản mô phỏng môi trường sống trong tự nhiên, thảm thực vật và thông số chất lượng nước phù hợp gồm nhiệt độ và pH. 

Ngoài ra, trại ếch cần có bể ương nuôi nòng nọc cho đến khi phát triển thành ếch con. Những bể này cung cấp đủ độ sâu, lượng ôxy và nơi trú ngụ cho nòng nọc. Kiểm soát nhiệt độ rất quan trọng trong giai đoạn này vì nó ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và phát triển của ếch. Khi ếch con đã phát triển, cần chuẩn bị môi trường sống trên cạn gồm bể chứa chất nền, nơi ẩn náu và thảm thực vật phù hợp. 

Đối với ếch ương Mỹ (L. catesbeianus), cần kiểm soát nhiệt độ ở mức 26°C để tối ưu hóa phát triển và sinh sản. Nhiệt độ trên 31°C sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trứng. Nhiều trại nuôi ếch sử dụng hệ thống sưởi ấm và làm mát để duy trì ngưỡng nhiệt tối ưu quanh năm. Chế độ chiếu sáng thích hợp cũng được thực hiện để mô phỏng chu kỳ ngày đêm tự nhiên. Các hệ thống quản lý nước hiệu quả, như RAS, có thể tăng cường bảo vệ nguồn nước và giảm thiểu ô nhiễm. RAS giúp tái sử dụng nước, giảm nhu cầu cấp nước đầu vào. Các trại nuôi ếch phải ưu tiên an toàn sinh học để ngăn chặn dịch bệnh xuất hiện và lây lan. 

Dinh dưỡng và cho ăn 

Dinh dưỡng hợp lý rất quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của ếch. Thức ăn của ếch chủ yếu gồm côn trùng, giun, và động vật có xương sống nhỏ. Khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho ếch, cần lưu ý chế độ ăn dạng viên hoàn chỉnh cân bằng protein, chất béo, vitamin và khoáng chất. Thức ăn công nghiệp hay thức ăn tự chế đều phải được điều chỉnh theo yêu cầu dinh dưỡng của từng loài ếch và giai đoạn sống của chúng. Thức ăn tươi như dế, sâu, hay giun đất thường được sử dụng để kích thích hành vi kiếm ăn tự nhiên của ếch. 

Cần bổ sung một số phụ gia dinh dưỡng như canxi và vitamin D3 duy trì sức khỏe xương tối ưu. Trước đây, nông dân thường dùng thức ăn tươi để nuôi ếch, nhưng nguồn thức ăn này thường không bền vững và tốn kém. Hiện nay, các nguồn protein như bột cá, đậu nành, bột côn trùng được sử dụng rộng rãi nhờ hàm lượng axit amin cao và dần thay thế thức ăn tươi tự nhiên. Ngoài ra, các thành phần carbohydrate và lipid cũng là những chất dinh dưỡng quan trọng để cung cấp năng lượng và thúc đẩy tăng trưởng cho ếch. Bột ngô, bột mì và dầu thực vật cũng được đưa vào khẩu phần của ếch. 

Trên thị trường hiện có nhiều thức ăn nhân tạo có khả năng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của các loài ếch nuôi. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ protein  -năng lượng thích hợp là yếu tố quan trọng để đạt tốc độ tăng trưởng tối ưu (Browne et al., 2018). Hiện, các trại nuôi ếch ương Mỹ có thể đạt giá trị FCR 2,8 – 1, thậm chí tốt hơn. 

Mầm bệnh và dịch bệnh 

Ếch dễ mắc nhiều bệnh và mầm bệnh khác nhau, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và năng suất. Ranavirus là bệnh dễ lây lan và khá phổ biến với các loài lưỡng cư. Bệnh này gây tỷ lệ chết cao và là nguyên nhân khiến nhiều trại nuôi ếch trên thế giới thiệt hại nghiêm trọng. Các triệu chứng của bệnh Ranavirus gồm tổn thương da, xuất huyết và suy nội tạng. 

Chytridiomycosis, do nấm Batrachochytrium dendrobatidis gây ra, cũng là một bệnh phổ biến ảnh hưởng nghiêm trọng đến ếch. Chytridiomycosis là nguyên nhân chính gây ra sự suy giảm loài lưỡng cư toàn cầu. Bệnh làm suy yếu chức năng da, dẫn đến mất cân bằng điện giải và chết. Nhiều dịch bệnh do vi khuẩn Aeromonas hydrophila Flavobacterium gây loét da và nhiễm trùng huyết. Khi dịch bệnh xảy ra, cần sử dụng thuốc thích hợp theo giám sát của thú y gồm kháng virus, kháng nấm và kháng khuẩn… Đồng thời, cần sử dụng thuốc thận trọng để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn kháng kháng sinh. 

An toàn sinh học và phòng ngừa 

Thực hiện quy trình kiểm dịch nghiêm ngặt và thực hành các biện pháp an toàn sinh học là giải pháp phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả nhất cho các trại nuôi ếch. Các chuyên gia vẫn đang nghiên cứu quy trình phát triển vaccine cho một số loại bệnh ở ếch, ví dụ ranavirus. Hệ vi sinh vật đường ruột của ếch liên quan đến chức năng miễn dịch. Một hệ vi sinh đường ruột đa dạng và cân bằng sẽ giúp tăng cường đáp ứng miễn dịch. Để thúc đẩy hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh, có thể bổ sung probiotic và prebiotic vào thức ăn. Một số phụ gia khác, như β-glucan và vitamin C cũng có tác dụng tăng cường đáp ứng miễn dịch cho ếch. 

Theo một nghiên cứu gần đây ở Trung Quốc, bổ sung taurine ở mức 16 – 20 mg/kg trọng lượng thân, giúp tăng cường chức năng miễn dịch và khả năng chống ô xy hóa ở các loài ếch đồng (H. rugulosus). Những chất kích thích miễn dịch này được đưa vào chế độ ăn của ếch để cải thiện khả năng kháng bệnh, chức năng miễn dịch tổng thể và khả năng phục hồi sau khi nhiễm bệnh. 

Triển vọng thị trường 

Theo FAO, 100g thịt ếch đáp ứng đủ lượng axit amin thiết yếu cho người lớn. Nhiều quốc gia coi đùi ếch là món ngon và xa xỉ. Da ếch được tận dụng để sản xuất phụ kiện thời trang. Một số sản phẩm phụ từ ếch, như peptide và chiết xuất dịch nhày từ da là những hoạt chất vàng trong ngành mỹ phẩm. 

Môi trường sống tự nhiên của các loài ếch đang bị tàn phá, cộng với tác động từ biến đổi khí hậu đã khiến ngành công nghiệp nuôi ếch ngày càng sinh lợi hơn. Kết quả, các trại nuôi ếch bùng nổ và gặt hái nhiều thành công, điển hình ở Mỹ, Tây Ban Nha, Trung Quốc. Theo thống kê, tổng giá trị ước tính của ngành chăn nuôi ếch tại Trung Quốc vào năm 2017 lên tới hơn 7 tỷ USD. Tại Brazil, sản lượng ếch nuôi ghi nhận vào năm 2019 khoảng 400 tấn, trị giá 1,9 triệu USD. Rõ ràng, ngành chăn nuôi ếch còn nhiều cơ hội phát triển và mở rộng ở châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ Latinh và các thị trường khác. Tuy nhiên, mô hình trại nuôi cùng chiến lược dinh dưỡng hợp lý là yếu tố quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng thành công và bền vững của ngành nuôi ếch. 

Hai loài ếch chính gồm ếch ương Mỹ (Lithobates catesbeianus) và ếch ương Ấn Độ (Hoplobatrachus tigerinus). L. catesbeianus nguồn gốc Bắc Mỹ, thường dài 20cm, con cái đẻ 25.000 trứng mỗi lần. Ếch ương Mỹ sinh sống ở hơn 30 quốc gia và chủ yếu được nuôi ở Nam Mỹ (Brazil và Mexico); Nam Á và châu Á. Ếch H. tigerinus nguồn gốc Ấn Độ, Bangladesh, và Bắc Pakistan. Ếch ương Ấn Độ có trọng lượng 0,27 - 0,77 kg, chiều dài trung bình 16,76 cm, tăng trưởng trung bình 7,31cm trong năm đầu tiên nhưng giảm dần sau khi thành thục xuống còn khoảng 0,53cm mỗi năm. 

Tuấn Minh

(Theo Worldfishfarming)

Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay10,633
  • Tháng hiện tại470,956
  • Tổng lượt truy cập7,837,271
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây