Phòng bệnh trên lươn

Thứ ba - 26/12/2023 02:18 523 0

Hỏi: Làm thế nào để hạn chế dịch bệnh trên lươn?

(Nguyễn Văn Trường, phường An Bình, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai)

Trả lời:

Lươn có sức đề kháng khá cao, trong điều kiện sinh thái tự nhiên lươn ít khi nhiễm bệnh. Tuy nhiên trong điều kiện nuôi nhân tạo, lươn mắc bệnh rất nhiều do quá trình nuôi không quản lý tốt các khâu nuôi mật độ quá cao, thức ăn không hợp lý, điều kiện môi trường không tốt, chất nước thối bẩn… làm cho lươn giảm sức đề kháng và nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến tăng trưởng và tỷ lệ sống. Vì vậy trong khi nuôi lươn, công tác công tác phòng bệnh phải đặt lên hàng đầu.

Trước hết, người nuôi cần lựa chọn lươn giống chất lượng, khỏe mạnh, có kích cỡ đồng đều tránh thả lươn chênh lệch nhau quá nhiều vì khi đói lươn tranh mồi và có thể ăn thịt lẫn nhau. Con giống nhiều nhớt, không xây xát, bụng không ửng đỏ, không có hiện tượng phồng mang.

Không nuôi những lươn bị thương. Trong khâu bắt con giống tự nhiên, người đánh bắt không sử dụng các dụng cụ dễ làm lươn bị thương như câu làm cho lươn dễ rách xoang miệng, hầu và cổ họng và dễ bị nhiễm trùng, tuyệt đối không nuôi lươn giống bị rà điện và mồi nhử thuốc.

Không nên chọn con giống bắt từ nguồn gốc dẫn dụ bằng thuốc hoặc dược thảo, các chất này sẽ hủy hoại tế bào máu hoặc làm hư đường ruột; Lươn giống bị mất nhớt từ lỗ hậu môn trở dần về đuôi, hoặc từ 1/3 thân trở về đầu, đặc biệt viền nấp mang có màu đỏ hoặc tím nhạt. Xung quanh lỗ hậu môn lươn có màu đỏ hoặc những chấm xuất huyết. 

Nuôi với mật độ hợp lý. Cần phải khử trùng lươn giống, thức ăn và dụng cụ nuôi lươn. Trước khi thả giống, tắm cho lươn bằng thuốc tím 20 ppm trong 15 – 20 phút hoặc nước muối 3% trong 5 – 10 phút.

Thức ăn phải được làm sạch và nấu chín. Đảm bảo đầy đủ và sạch, không bị hư hoặc ôi thiu. Thường xuyên rửa sạch sàng ăn, khử trùng dụng cụ nuôi lươn. Kịp thời dọn sạch thức ăn dư thừa.

Trong suốt quá trình nuôi phải đảm bảo môi trường nước thích hợp: Nhiệt độ từ 23 – 280C; pH 6,5 – 8; Độ mặn không quá 6‰.

Người nuôi cần theo dõi chặt chẽ tình hình ăn của lươn hàng ngày, mức độ bắt mồi của lươn. Thường xuyên theo dõi thời tiết, kiểm tra nhiệt độ, chất lượng nước, đảm bảo nước nuôi sạch.

Định kỳ khoảng 7 ngày trộn Vitamin C vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng và sử dụng chế phẩm sinh học, Zeolite… để hạn chế ô nhiễm nguồn nước.

Phát hiện kịp thời lươn có dấu hiệu bệnh hoặc biểu hiện bất thường hay nổi đầu để kịp thời xử lý và chữa trị.

Hỏi: Biện pháp điều trị bệnh sốt nóng trên lươn?

(Phạm Công Hải, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long)

Trả lời:

Nguyên nhân: Bệnh do nuôi với mật độ dày, dịch nhầy lươn tiết ra, lên men và khi nhiệt độ nước tăng cao. Lươn bị xáo động trong bể, quấn quýt vào nhau, dịch nhầy tiết vào trong nước, độ nhớt của nước tăng lên, đầu lươn sưng phồng to,

lươn chết hàng loạt.

Trị bệnh: Khi phát hiện bệnh có thể dùng Anti Shock liều 1 kg/1.000 m3 tạo đều trong bồn nuôi lươn hoặc dùng dung dịch Sulphate đồng 0,07% với lượng 5 ml dung dịch/m3 nước.

Để phòng bệnh, cần thả nuôi với mật độ hợp lý, thay nước tránh lươn cuốn vào nhau. Cần đảm bảo chất lượng nước tốt. Định kỳ 2 – 3 ngày thay nước 1 lần. Mùa hè nhiệt độ cao thời gian thay nước ngắn hơn, thường xuyên vớt bỏ thức ăn thừa, rác bẩn… Tốt nhất mỗi ngày thay nước 2 lần vào lúc sáng sớm và trước khi cho ăn. Khi thay nước cần chú ý lượng nước cấp bằng lượng nước thoát ra bằng hệ thống chảy tràn, không nên tháo nước trước rồi mới cấp nước vào.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập35
  • Hôm nay7,419
  • Tháng hiện tại121,343
  • Tổng lượt truy cập9,934,944
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây