Nông dân chăm sóc ao cá ở Hongqi
Trước đây, những nông dân ở thành phố Atux, khu tự trị Tân Cương, như Ylam Wumar, chỉ làm nghề trồng trọt. Họ thường canh tác một số loại cây hoa màu như ngô và lúa mì nhưng chật vật quanh năm không đủ ăn. Từ khi trại nuôi cá Hongqi mở cửa, nông dân trong vùng có thêm công ăn việc làm. Thu nhập hàng năm từ ruộng hoa màu cộng với lương công nhân trại cá lên đến 40.000 tệ (hơn 5.000 USD) mỗi năm. Ylam Wumar cho biết, nguồn nước địa phương dồi dào và bỏ không nhưng lại có độ mặn và kiềm rất thích hợp để nuôi cá nước mặn.
Nông dân cho cá ăn tại Hongqi
Thử nghiệm nuôi cá nước mặn trong môi trường nước nhiễm mặn-kiềm ở Tân Cương là ý tưởng táo bạo của trang trại Hongqi. Tại thành phố Atux, nguồn nước mặn-kiềm bị coi là “vô dụng” và ngập tràn quanh các thung lũng gần trang trại. Từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh Quảng Đông, trang trại Hongqi đã tìm cách biến nước mặn-kiềm ở Tân Cương thành nước biển giống tự nhiên và xây dựng hệ thống lọc tự động để tuần hoàn nước.
Trang trại đã nuôi thí điểm nhiều đối tượng trong môi trường nước mặn gồm tôm sú, tôm hùm từ năm ngoái, nhưng cá rô phi là khả thi nhất vì vừa dễ nuôi lại cho lợi nhuận cao. Sau đó, trang trại Hongqi xây dựng 67 ha ao cá, nuôi 650.000 con rô phi từ cuối tháng 5/2023 và dự kiến sản lượng đầu ra đạt trị giá 8 triệu nhân dân tệ.
Thu hoạch cá rô phi. Ảnh: Xinhua
Những tháng gần đâu, nhãn hiệu “hải sản Tân Cương” xuất hiện nổi bật trên các trang mạng xã hội Trung Quốc, dấy lên cuộc thảo luận về triển vọng sản xuất cá nước mặn ở vùng đất không giáp biển và nằm sâu trong lãnh thổ Trung Quốc. Nhờ đó, một số trại nuôi thủy sản nước mặn-kiềm mới nổi ở núi phía tây Trung Quốc càng thu hút sự chú ý hơn.
Trang trại Hongqi, thuộc sở hữu của Tập đoàn sản xuất và xây dựng Tân Cương, cho biết mục tiêu chính của trang trại này là cải thiện thu nhập cho nông dân địa phương chứ không đơn giản tạo ra tiếng vang thương mại. Theo Guo Lei, Giám đốc trang trại, “Toàn bộ cá rô phi của Hongqi đều được tiêu thụ tại địa phương. Nhiều nhà hàng từ thủ phủ Urumqi của Tân Cương và Bắc Kinh đã liên hệ với Hongqi với hy vọng tìm được nguồn cá mú. Nhưng hiện chúng tôi vẫn chưa sản xuất quy mô lớn và cung cấp cá quanh năm”.
Guo thông tin thêm, trại nuôi cá Hongqi đã giúp tăng thu nhập hàng năm cho 30 hộ dân trong vùng thêm 15.000 – 20.000 nhân dân tệ mỗi hộ. Số lượng hộ tham gia nuôi cá dự kiến tăng gấp đôi vào năm tới khi Hongqi mở rộng diện tích và đa dạng đối tượng nuôi. Đại diện trang trại chia sẻ, sắp tới họ sẽ đưa cá lóc nước ngọt vào nuôi thử nghiệm trong môi trường nước mặn.
Piao Wenri, một công nhân trang trại cho biết: “Trước đây chúng tôi hầu như không đủ sống bằng nghề trồng trọt hoa màu trên đất nhiễm mặn kiềm. Nhưng trại nuôi cá đã biến nước mặn vô dụng trở thành nguồn thu nhập bổ sung cho nông dân khiến ai cũng phấn khởi”.
Tuấn Minh
(Theo Seafoodnews)
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc