NTTS an toàn mùa nắng nóng

Thứ ba - 06/06/2023 21:41 216 0
NTTS an toàn mùa nắng nóng

Hàng năm, tình trạng nắng nóng kéo dài xảy ra, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn đã khiến cho không ít vùng NTTS bị thiệt hại. Hiện tượng thời tiết này là không thể tránh khỏi, vậy nên, người nuôi chỉ có thể thực hiện tốt các hướng dẫn của ngành chức năng để đảm bảo an toàn tối đa cho vật nuôi trước điều kiện nuôi trồng bất lợi.

Thiệt hại đã xảy ra

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời gian này đã xuất hiện nắng nóng kéo dài và đặc biệt gay gắt với nền nhiệt trung bình tại các tỉnh Bắc bộ, Bắc và Trung Trung bộ là 37 – 380C, vùng núi phía Tây có nơi trên 400C. Nắng nóng liên tục đã làm cho người nuôi thủy sản gặp khó khăn, thủy sản nuôi chậm lớn và thậm chí là xảy ra hiện tượng cá, tôm nuôi chết, gây thiệt hại cho người dân.

Tại miền Bắc, người nuôi cá nước lạnh chịu ảnh hưởng lớn nhất từ nắng nóng. Cụ thể, từ đầu tháng 4 đến nay, nắng nóng cục bộ xảy ra tại nhiều địa phương ở tỉnh Lào Cai, trong đó, nền nhiệt tại Sa Pa tăng mạnh. Nhiệt độ cao hoặc dao động biên độ lớn thường gây sốc, giảm sức đề kháng của các loại cá, tăng mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm. Các mầm bệnh phát triển đã ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của cá hoặc gây chết cá. Đầu tháng 5, tại xã Ngũ Chỉ Sơn ghi nhận ảnh hưởng của nắng nóng khiến cá hồi, cá tầm đến kỳ thu hoạch ở nhiều ao, bể nuôi bị chết với tổng trọng lượng hơn 1,5 tấn.

Mô hình nuôi TTCT tái sử dụng nước theo công nghệ tuần hoàn khép kín tại tỉnh Nghệ An. Ảnh: Trung Thành

Thời điểm giữa tháng 3/2023, nhiều diện tích tôm nuôi ở vùng nước mặn và lợ trong tỉnh Trà Vinh bị thiệt hại do thời tiết diễn biến xấu, ngày nắng nóng gay gắt, đêm lạnh gây biến động xấu môi trường nước trên các sông và trong ao nuôi tôm. Theo Chi cục Thủy sản Trà Vinh, tính từ đầu năm đến cuối tháng 3, trên địa bàn tỉnh đã có gần 110 triệu con tôm sú và TTCT bị thiệt hại do nắng nóng, với tổng diện tích hơn 227 ha. Trong đó, huyện Cầu Ngang có diện tích tôm nuôi bị thiệt hại khá nhiều, với hơn 210 ha. Hầu hết tôm chết trong giai đoạn 25 – 70 ngày tuổi do bệnh đốm trắng, đỏ thân, gan tụy, bệnh đường ruột và chậm phát triển.

Tại Bạc Liêu, theo đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh, do thời tiết nắng nóng, ô nhiễm môi trường và việc thi công các công trình đê Biển Đông đã làm cho nhiều diện tích tôm nuôi trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng. Cụ thể, xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu) có hơn 550 ha và xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải) hơn 600 ha bị thiệt hại do thiếu nước mặn để nuôi tôm, nâng tổng số diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trong tỉnh lên 1.200 ha, tăng 40% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, TP Bạc Liêu bị thiệt hại gần 200 ha, huyện Hòa Bình gần 860 ha, huyện Đông Hải hơn 120 ha, huyện Vĩnh Lợi 36 ha… Tôm nuôi bị thiệt hại chủ yếu ở giai đoạn từ 30 – 70 ngày tuổi, mức độ thiệt hại trên 70%.

Tại tỉnh Kiên Giang, ở những khu vực phát triển mô hình nuôi tôm – lúa, nhiệt độ cao và nắng nóng kéo dài làm nóng vuông nuôi tôm, tình trạng tôm bị chết do sốc nhiệt và dịch bệnh nguy hiểm đang tăng mạnh. Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Kiên Giang nhận định, thời tiết nắng nóng gay gắt gây ảnh hưởng không tốt đến đề kháng tôm nuôi, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát triển. Nhiều diện tích tôm nuôi vào giai đoạn mẫn cảm cao với bệnh nên nguy cơ xảy ra thiệt hại do dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao. Theo thống kê diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trên địa bàn toàn tỉnh từ đầu năm đến nay là 348 ha, trong đó bệnh đốm trắng (WSSV) chiếm phần lớn (298 ha), còn lại là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV), vi bào tử trùng (EHP).

Nắng nóng gay gắt và kéo dài sẽ khiến nhiệt độ nước tăng, rất dễ gây stress cho thủy sản nuôi và nếu thủy sản nuôi mang sẵn mầm bệnh thì rất dễ phát tác và lây lan.

 

Giải pháp khắc phục

Trên thực tế tình trạng thời tiết này diễn ra hàng năm, nhờ đó mà người nuôi cũng đã có những kinh nghiệm để khắc phục, đảm bảo an toàn cho vật nuôi. Ông Vũ Văn Chiến, Giám đốc HTX NTTS Chiến Thắng (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, hàng ngày ông cùng các thành viên chuẩn bị thức ăn và cho cá ăn trước 7 giờ sáng. Thời điểm này, các xã viên thường xuyên vệ sinh lưới để cho nước lưu thông trong và ngoài lồng, treo túi vôi với lượng 3 – 4 kg/túi ở độ sâu bằng 1/3 mực nước trong lồng, bổ sung Vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng. Khi thả cá giống mới, hoặc thu hoạch cũng phải lựa thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát để giảm tối đa tỷ lệ hao hụt.

Cùng đó, khi nhiệt độ nước hơn 300C thì giảm lượng thức ăn xuống còn 1/3 so với bình thường. Ngoài ra, người nuôi cần thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của cơ quan quản lý. Đối với các lồng nuôi cần hạ thấp lồng hoặc di chuyển lồng đến nơi có mực nước sâu, nhằm giảm sự tác động của nhiệt độ cao; lựa chọn thời điểm thích hợp để tiến hành thu tỉa hoặc toàn bộ thủy sản thả nuôi nếu đạt kích cỡ thu hoạch nhằm giảm mật độ nuôi…

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, mùa hè năm 2023 số ngày nắng nóng có thể xuất hiện nhiều hơn năm 2022, có khả năng còn xuất hiện những giá trị nhiệt độ cao vượt kỷ lục cũ đã từng được quan trắc. Do vậy, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp chống nắng, nóng bảo vệ đàn vật nuôi là rất cấp thiết, giúp hoạt động nuôi trồng phát triển ổn định, hạn chế dịch bệnh và thiệt hại kinh tế trong quá trình sản xuất.

Trước tình hình nắng nóng ảnh hưởng trực tiếp đến việc NTTS, bà Trần Thị Thanh Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa cho biết, Chi cục đã yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường giám sát vùng nuôi, thu mẫu khi cần thiết để xác định nguyên nhân thủy sản nuôi bị chết. Đồng thời, khuyến cáo người nuôi cần thực hiện phương châm phòng bệnh, trong đó chú trọng vấn đề lựa chọn con giống chất lượng và thực hiện quản lý môi trường nuôi theo đúng kỹ thuật.

Ở vùng ĐBSCL, việc chống lại nắng nóng còn phức tạp hơn, nhất là trong tình trạng mặn xâm nhập. Để ứng phó, ngành chức năng Bạc Liêu đã đề nghị các địa phương phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ diễn biến của thời tiết, tích trữ nước ngọt, sử dụng tiết kiệm nước; triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.

 

Bảo Hân

Tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập31
  • Hôm nay7,489
  • Tháng hiện tại121,413
  • Tổng lượt truy cập9,935,014
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây