Phòng, trị bệnh do nấm trên cá

Thứ hai - 26/06/2023 22:07 479 0
Phòng, trị bệnh do nấm trên cá

Nấm là một trong những tác nhân gây bệnh phổ biến ở động vật thủy sản. Các yếu tố stress như bị tổn thương cơ thể, sống trong môi trường pH quá cao, nhiệt độ thấp, thiếu thức ăn hoặc thủy sản bị các bệnh khác như vi khuẩn, virus là những điều kiện cho nấm phát triển và gây bệnh.

Đặc điểm

  • Nấm được cấu thành từ các tổ chức dị dưỡng, không chứa diệp lục.
  • Thường có cấu tạo sợi và có nhiều tế bào mặc dầu có một số không có cấu tạo sợi và chỉ có 1 tế bào.
  • Nhiều sợi nấm cấu tạo nên cơ thể nấm. Có 2 loại sợi nấm: có ngăn (nấm bậc cao) và không có ngăn (nấm bậc thấp). Các sợi nấm phát triển dài ra ở đỉnh sợi.
  • Phần lớn nấm gây bệnh thủy sản vừa sinh sản hữu tính vừa sinh sản vô tính.
  • Nấm có thể gây bệnh trên động vật thủy sản ở giai đoạn trứng, giống và trưởng thành.

Hội chứng lở loét EUS (Epizootic Ulcerative Syndrome)

Tên bệnh: Hội chứng lở loét/bệnh ghẻ lở

Tác nhân gây bệnh: Theo kết quả nghiên cứu, dịch bệnh lở loét do nhiều tác nhân kết hợp gây ra như: virus (Rhabdovirus), vi khuẩn (Aeromonas hydrophila, Pseudomonas sp ), nấm thủy mi (Saprolegnia sp, Achlya sp và Aphanomyces), một số ký sinh trùng đơn bào (Trichodina, Chidonella, Ichthyopthyrius, Epistylis, Henneguya…), sán lá đơn chủ (Gyrodactylus), giáp xác (Lernaea, Argulus…). Ngoài ra, các yếu tố môi trường bất lợi như nhiệt độ thay đổi, môi trường nước quá dơ bẩn, sự ô nhiễm công nghiệp, thuốc trừ sâu có thể gây sốc và làm cho cá nhiễm bệnh. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng của các nghiên cứu đều đã chỉ ra rằng, một loại nấm nội ký sinh Aphanomyces là tác nhân cuối cùng làm cá chết. Do đó, nấm ký sinh trong cơ có tên Aphanomyces sp được coi là tác nhân chính gây ra bệnh này. Bệnh thường gặp trên cá lóc, cá thát lát, cá rô đồng, lươn…

Mùa vụ: Thời điểm giao giữa các mùa trong năm

Triệu chứng: Những dấu hiệu đầu tiên nhận biết cá nhiễm bệnh là cá ăn ít hoặc bỏ ăn, hoạt động chậm chạp, hơi nhô đầu lên mặt nước, da xám lại, có vết loét hoặc các đốm đỏ phát triển ở đầu, thân, các vây và đuôi. Những vết loét dần dần lan rộng thành các vết loét rộng, vảy rụng, thời gian tiếp theo các vết loét lõm sâu tới xương nhưng cá vẫn sống. Giải phẫu các cơ quan nội tạng hầu như không biến đổi. Sau một thời gian cá bị bệnh nặng kiệt sức và chết, thời gian phát bệnh kéo dài hoặc ngắn tùy theo loài cá, mùa vụ và chất lượng nước.

Hội chứng lở loét xảy ra ở nhiều loài cá. Ảnh: UV – Việt Nam

Chẩn đoán: Quan sát biểu hiện bệnh lý, dấu hiệu bên ngoài của cá bằng mắt thường; Thu mẫu, soi dưới kính hiển vi để xác định sợi nấm. Để xác định rõ giống nấm Aphanomyces cần chuyển mẫu sợi nấm về phòng thí nghiệm để tiến hành các bước phân tích tiếp theo.

Phòng bệnh: Nguyên nhân gây bệnh lở loét tổng hợp nhiều tác nhân do đó việc phòng trị bệnh gặp rất nhiều khó khăn, bệnh phát triển rộng và ở nhiều loài cá, nên áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp (kiểm soát môi trường, mầm bệnh, con giống…). Tuy nhiên, có thể áp dụng các biện pháp phòng bệnh EUS như sau:

Đầu mùa dịch bệnh, rải vôi sống (CaO) định kỳ xuống thủy vực và các ao, hồ có cá bệnh lở loét, nồng độ 20 ppm (2 kg vôi nung/100 m3 nước), hai tuần rắc một lần.

Định kỳ dùng clorua vôi rắc xuống ao với lượng 100 g/100 m3 nước, mỗi tuần rắc một lần, clorua vôi có tác dụng khử trùng nhưng không có tác dụng cải tạo ao tốt bằng vôi nung.

Dùng muối ăn (NaCl) 2 – 3% tắm cho cá 5 – 15 phút để tẩy trùng các tác nhân gây bệnh bên ngoài, trước khi thả cá vào ao nuôi.

Các nguồn thức ăn (là cỏ hay tươi sống) cung cấp cho cá phải rửa sạch và nước ao thải ra ngoài đều phải khử trùng để hạn chế lây bệnh.

Vào mùa bệnh cần bổ sung Vitamin C vào thức ăn cho cá ăn (2 g Vitamin C/kg trọng lượng cá, cho ăn liên tục 3 ngày và 2 đợt cho ăn/tháng), để tăng sức đề kháng cho cá nuôi.

Trị bệnh: Do cá bị bệnh bị bội nhiễm nhiều tác nhân gây bệnh vì vậy việc chữa trị bệnh cho cá là khó khăn. Hiện nay, chưa có biện pháp nào hữu hiệu trọng việc chữa trị bệnh EUS. Do đó, người nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Bệnh nấm thủy mi

Nguyên nhân: Nấm gây bệnh cho cá nước ngọt chủ yếu là các loài thuộc giống nấm: Leptolegnia, Saprolegnia và Achlya.

Các giống nấm đều có một đặc điểm chung là sợi nấm phân nhánh, cấu tạo đa bào, giữa các tế bào không có vách ngăn nên sợi nấm giống như một tế bào khổng lồ. Đường kính của sợi nấm 6 – 14 μm và kích thước bào tử 3 – 4 x 8 – 11μm. Sợi nấm chia làm hai phần: Phần gốc bám vào tổ chức cơ của cá, phần ngọn tự do ngoài môi trường nước. Nấm có khả năng sinh sản bằng nhiều hình thức khác nhau: Sinh sản dinh dưỡng bào tử, sinh sản vô tính bằng túi bào tử kín, sinh sản hữu tính bằng tiếp hợp. Bào tử nấm có tiên mao, có thể vận động trong nước nên khả năng lây lan bệnh rất cao.

Tất cả các loài cá nước ngọt đều có thể nhiễm bệnh.

Mùa vụ: Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân.

Triệu chứng: Khi nấm mới ký sinh, mắt thường khó nhìn thấy do sợi nấm phát triển chưa đủ nhiều, cá bắt đầu có cảm giác ngứa ngáy, gầy, đen sẫm. Thời gian tiếp theo nấm phát triển nhiều, mắt thường có thể quan sát thấy rõ các búi nấm màu trắng tại vị trí nấm ký sinh trên thân cá. Đối với trứng cá, dấu hiệu đầu tiên thể hiện là trứng cá bị ung, có màu trắng đục, sau thời gian ngắn các sợi nấm trắng bao phủ một phần trứng rồi đến cả quả trứng.

Chẩn đoán: Quan sát dấu hiệu bệnh lý ngoài của cá nuôi; Thu mẫu, đặc biệt vùng tổn thương có xuất hiện màu trắng bởi các sợi nấm, soi dưới kính hiển vi. Để xác định giống, loài nấm cần gửi mẫu đến phòng thí nghiệm để phân tích chính xác.

Phòng bệnh: Hạn chế tối đa việc cá nuôi bị tổn thương do đánh bắt hay do ký sinh trùng, không để cho cá nuôi bị suy nhược vì đó là điều kiện thuận lợi để nấm thủy mi phát triển.

Nguồn nước lấy vào ao nuôi cá phải sạch.

Đối với cá chép, cần cho chúng đẻ vào những ngày ấm trời, trước khi thả bèo vào làm giá thể cho cá chép đẻ, bèo phải được ngâm nước muối 2% khoảng 20 – 30 phút.

Trị bệnh: Để trị bệnh, có thể dùng các phương pháp: Dung dịch muối ăn 3% tắm cho cá 15 – 20 phút; Dung dịch thuốc tím (KMnO4) nồng độ 10 – 20 g/m3 tắm cho cá từ 20 phút đến 1 giờ. Dùng Formalin nồng độ 200 – 250 ml/m3 tắm trong 30 phút.

Nguyễn Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay5,750
  • Tháng hiện tại99,530
  • Tổng lượt truy cập10,579,488
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây