Phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản

Thứ hai - 26/06/2023 22:17 255 0
Phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản

Thời gian gần đây, diễn biến bất thường của thời tiết, dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước,… gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân. Do đó, việc phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản đang được nhiều tỉnh, thành đặc biệt quan tâm.

Hòa Bình

Với lợi thế thuộc vùng lòng hồ Hòa Bình, những năm qua, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) chú trọng phát triển nghề nuôi cá lồng. Hiện nay, toàn xã nuôi khoảng 500 lồng cá. Với kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã không xảy ra dịch bệnh trên đàn cá nuôi. Đặc biệt, trong điều kiện nắng nóng và hạn hán kéo dài, xã đã tuyên truyền đến người dân chủ động di chuyển lồng cá đến các vị trí có nước chảy ra vào, hoặc dẫn ti ô nước cho chảy vào lồng cá; chủ động bổ sung vitamin, khoáng chất và phòng bệnh cho cá. 

Chi cục Thủy sản cho biết, từ đầu năm đến nay, nghề nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ Hòa Bình phát triển khá ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Toàn tỉnh duy trì diện tích nuôi cá ao, hồ nhỏ, nuôi cá ruộng, cá hồ chứa 2.698 ha và 4.910 lồng nuôi cá, sản lượng thu hoạch ước khoảng 6.138 tấn. Tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn, trong năm 2023, ở miền Bắc, thời tiết nắng nóng sẽ diễn ra từ tháng 5 đến nửa đầu tháng 8. Thời gian nắng nóng kéo dài, với nhiệt độ ở mức cao có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của động vật thủy sản hoặc gián tiếp thông qua quá trình lý hóa của thủy vực. Khi nhiệt độ cao hoặc dao động lớn sẽ gây sốc nhiệt, giảm sức đề kháng của động vật thủy sản, tăng sự mẫn cảm với các tác nhân gây mầm bệnh, ảnh hưởng đến tỷ lệ sống. Hơn nữa, đây còn là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn và virus phát triển.

Tôm chết gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Ảnh: ST

Theo đó, người nuôi trồng thủy sản cần thường xuyên vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ, thông thoáng để lưu thông nước trong và ngoài lồng nhằm tăng cường oxy hòa tan trong nước, giảm vật bám, chất bẩn trong lồng. Khi mực nước trên sông, hồ giảm, cần hạ thấp lồng nuôi hoặc di duyển lồng nuôi đến nơi có mực nước sâu để đảm bảo độ sâu lồng nuôi luôn ở mức 2,5 – 3 m nhằm giảm sự tác động của nhiệt độ cao. Tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa, tinh dầu tỏi vào thức ăn cho cá với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Chi cục Thủy sản lưu ý: Người dân cho cá ăn vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát để cá nuôi có thể sử dụng thức ăn hiệu quả nhất. Khi nhiệt độ nước trên 35oC thì giảm lượng thức ăn xuống còn 1/3 so với bình thường. Ngừng cho cá ăn ở những thời điểm môi trường nước trên 39 – 40oC. Ngoài ra, cần tiến hành thu tỉa khi cá nuôi đạt kích cỡ thu hoạch để giảm mật độ nuôi trong lồng. Hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, các thời điểm nắng nóng trong ngày.

Thái Bình

Huyện Thái Thụy đang có 4.270 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Trước thời tiết nắng nóng như hiện nay, huyện đang tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn, HTX nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống nắng nóng, bảo vệ an toàn cho thủy sản.

Đối với các diện tích nuôi cá và tôm, khuyến cáo người dân thực hiện duy trì mực nước trong ao nuôi trên 1,5 m với ao nuôi cá và từ 1,5 – 1,6 m với ao nuôi tôm; thực hiện các biện pháp làm giảm nhiệt độ môi trường nước như làm các khung bèo lục bình khoảng 1/3 – 1/4 diện tích ao nuôi làm nơi trú nắng cho cá ao nuôi nước ngọt, che phủ lưới để hạn chế nắng nóng chiếu xuống ao nuôi cá và tôm nước nợ; hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày.

Ngoài ra, người dân cần sử dụng máy bơm nước, quạt ôxy trong những này nắng nóng để tránh hiện tượng phân tầng nước và tăng cường máy quạt nước tạo ôxy vào ban đêm; đặc biệt đối với diện tích tôm nuôi cần tăng thời gian quạt nước ao nuôi 24/24 giờ trong ngày và các thiết bị cung cấp ôxy để tăng hàm lượng ôxy và tránh hiện tượng phân tầng nước trong ao; tăng cường bổ sung Vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá; trong ngày nắng nóng nên giảm lượng thức ăn hàng ngày từ 30 – 40% cho tôm nuôi và bổ sung các loại Vitamin C, khoáng chất, men vi sinh đường ruột, chất bổ gan nhằm tăng sức đề kháng cho tôm nuôi. Đối với các ao nuôi cá và tôm đạt kích cỡ thương phẩm cần tiến hành thu hoạch để giảm thiểu thiệt hại…

Quảng Trị

Hàng loạt tôm nuôi ở tỉnh Quảng Trị bị chết trên diện rộng, nặng nhất là vùng nuôi trọng điểm các xã ven sông Bến Hải, huyện Vĩnh Linh. Những ngày nắng nóng vừa qua, số lượng tôm chết tăng lên. Người nuôi lo ngại nguồn nước sông để lấy bơm vào hồ nuôi bị ô nhiễm, trong khi bà con thiếu hóa chất xử lý ao hồ, nguồn nước thả nuôi.

Xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh là vùng nuôi tôm lớn nhất tỉnh Quảng Trị có trên 170 ha hồ nhưng đến nay 99% tôm thả nuôi bị chết. Đa số người nuôi đều vay vốn hoặc tạm ứng để mua tôm giống, hóa chất và trả nợ sau khi thu hoạch tôm. Tôm chết hàng loạt làm người nuôi lâm cảnh khó khăn, nợ nần. Ông Hồ Ngọc Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh cho biết, tôm chết nhưng bà con không có hóa chất để xử lý môi trường nước hồ nuôi.

Theo Sở NN&PTNT Quảng Trị, toàn tỉnh có hơn 200 ha hồ nuôi tôm bị chết, nặng nhất là huyện Vĩnh Linh. Tháng 4 vừa, cơ quan chức năng tỉnh đã kiểm tra chất lượng nguồn nước mặt sông Sa Lung và sông Bến Hải phục vụ vùng nuôi tôm ở huyện Vĩnh Linh. Kết quả phân tích mẫu nước có 3/5 mẫu vượt giới hạn cho phép. Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết, nguyên nhân tôm chết tại huyện Vĩnh Linh vào thời điểm mới thả nuôi do nguồn nước không đảm bảo. Còn hiện nay, tôm chết một phần do dịch bệnh và thời tiết nắng nóng. Ngoài ra, thời gian qua, người nuôi thiếu hóa chất để xử lý. Về hóa chất xử lý hồ nuôi năm nay, do vướng quy định về thủ tục đấu thầu theo luật nên hóa chất về chậm, hiện nay, mới đấu thầu xong. Sở yêu cầu các huyện thống kê nhu cầu hóa chất để hỗ trợ cho bà con tiêu độc khử trùng để thả nuôi trở lại.

Long An

Theo kế hoạch, năm 2023, tỉnh Long An nuôi trồng khoảng 9.580 ha thủy sản. Đến nay, diện tích thả nuôi ước đạt gần 50% kế hoạch. Trong đó, diện tích nuôi tôm gần 3.360 ha, diện tích nuôi cá và các loại thủy sản khác trên 1.000 ha. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 60,64 ha tôm nuôi bị thiệt hại, nguyên nhân chủ yếu do môi trường, thời tiết, bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh đốm trắng,…

Để công tác phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ dịch bệnh; lấy mẫu chẩn đoán tác nhân gây bệnh và phối hợp xử lý kịp thời không để dịch bệnh phát sinh, lây lan trên diện rộng, đặc biệt là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp trên tôm. Song song đó, ngành tăng cường phối hợp các cơ quan chuyên môn để nắm tình hình thiệt hại, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh trên thủy sản.

Về phía người nuôi, cần cải tạo ao nuôi đúng quy trình, thả tôm với mật độ phù hợp; thường xuyên theo dõi môi trường trong ao nuôi để có biện pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời; đồng thời, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng hóa chất diệt khuẩn nhằm ổn định môi trường ao nuôi. Ngoài ra, người nuôi nên cho tôm ăn đúng khẩu phần, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, vi lượng để tăng cường sức đề kháng cho tôm.

Thời gian tới, tình hình thời tiết và dịch bệnh trên thủy sản, nhất là tôm được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, ngành nông nghiệp các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo nhằm nâng cao ý thức cho các hộ nuôi tôm về công tác phòng, chống dịch bệnh. Người nuôi cần thường xuyên kiểm tra ao nuôi và báo ngay với Trạm Chăn nuôi và Thú y địa phương khi phát hiện tôm có dấu hiệu không bình thường để có biện pháp xử lý kịp thời.

Hải Đường – Hải Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập45
  • Hôm nay7,807
  • Tháng hiện tại57,197
  • Tổng lượt truy cập10,103,833
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây