Bình Định: Trao đổi kỹ thuật nuôi ghép tổng hợp tôm, cua, cá

Thứ năm - 20/07/2023 22:25 499 0
Bình Định: Trao đổi kỹ thuật nuôi ghép tổng hợp tôm, cua, cá

Ngày 27/6, tại xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Trung tâm Khuyến nông Bình Định tổ chức chương trình gặp gỡ, trao đổi trực tiếp về kỹ thuật nuôi ghép tổng hợp tôm, cua, cá trong ao nước lợ, mặn cho 70 hộ nuôi thủy sản ven đầm Thị Nại của các xã Phước Sơn, Phước Thuận và Phước Hòa.

Buổi trao đổi nhằm giúp cho các các hộ nuôi thủy sản ven đầm Thị Nại nhận thức được tầm quan trọng của việc nuôi kết hợp nhiều đối tượng nuôi trên cùng một diện tích ao theo hướng an toàn sinh học, không sử dụng thuốc hóa chất, kháng sinh; cải thiện chất lượng môi trường ao nuôi, hạn chế ô nhiễm và dịch bệnh, đem lại nguồn thu nhập ổn định và bền vững.

Tham gia chương trình, các hộ nuôi được hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật nuôi ghép tổng hợp tôm, cua, cá trong ao nước lợ mặn như: Chọn địa điểm và xây dựng ao nuôi,cải tạo ao, xử lý nước trước khi thả giống; cách lựa chọn con giống đúng cách và tiêu chuẩn, kỹ thuật cho ăn,
chăm sóc và quản lý ao nuôi; phòng và trị một số bệnh thường gặp trên tôm, cua, cá… Ngoài ra, người nuôi được phổ biến một số giải pháp về chính sách, kỹ thuật nhằm phát triển các vùng nuôi thủy sản lợ, mặn theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gắn với bảo vệ môi trường,
phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn tại các khu vực quanh đầm Thị Nại. Đồng thời, phân tích làm rõ một số thuận lợi và khó khăn trong phát triển nuôi thủy sản theo hình thức nuôi xen ghép trên địa bàn huyện Tuy Phước.

Trao đổi với các hộ nuôi, ThS Lê Tấn Phát, Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Bình Định cho biết, nuôi ghép tôm, cua, cá là hình thức nuôi xen ghép các đối tượng thủy sản khác nhau trong cùng một diện tích ao nuôi, các đối tượng nuôi ghép sẽ hỗ trợ cho nhau thông qua việc tận dụng nguồn thức ăn dư thừa của đối tượng nuôi chính và nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có trong ao, giúp ổn định môi trường nước, hạn chế ô nhiễm và phát sinh dịch bệnh. Tuy hiệu quả kinh tế mang lại không cao như nuôi thâm canh nhưng vốn đầu tư thấp, tỷ lệ rủi ro ít và mang tính bền vững, lâu dài. Vì vậy, đây là hướng đi rất phù hợp cho ngành NTTS trong điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay.

Người dân xã Phước Sơn (huyện Tuy phước) thả giống cua trong ao nuôi ghép Ảnh: Thành Nguyên 

Đại diện Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước thông tin, không phải vùng nuôi tôm nào cũng đủ điều kiện áp dụng công nghệ mới trong nuôi thâm canh, do vậy, mô hình nuôi tổng hợp là hướng đi phù hợp để nghề nuôi tôm được bền vững. Nuôi tôm xen cua, cá tận dụng không gian của hệ sinh thái cây rừng ngập mặn, bà con vừa giảm được chi phí đầu tư, vừa giảm được rủi ro. Dù lợi nhuận không cao bằng nuôi tôm thâm canh, nhưng nuôi tôm theo mô hình tổng hợp sẽ bảo vệ được môi trường, giảm rủi ro. Ngoài 2 mô hình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ, huyện sẽ triển khai thêm 1 mô hình nữa để từng bước áp dụng rộng rãi cho các vùng nuôi trong huyện.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Bình Định, đối với lĩnh vực NTTS, người dân ngày càng quan tâm tới mô hình nuôi thủy sản tổng hợp, nuôi xen ghép ở các vùng nước lợ; nuôi thâm canh TTCT thương phẩm bằng công nghệ SemiBiofloc; nuôi cá trong ao nước ngọt kết hợp gắn với chuỗi tiêu thụ. Do vậy, năm 2023, Trung tâm tiếp tục triển khai mô hình nuôi ghép tổng hợp tôm, cua, cá trong ao sinh thái cây ngập mặn nước lợ tại huyện Phù Cát và Tuy Phước với quy mô 1 ha/điểm; nhằm tạo điều kiện để người dân tham gia học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và áp dụng. Qua đó, từng bước hình thành một nghề NTTS phát triển ổn định và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thành Nguyên 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay17,826
  • Tháng hiện tại342,060
  • Tổng lượt truy cập8,195,325
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây